Văn minh trên mạng xã hội
Trải qua quá trình tiếp nhận, thanh lọc, mạng xã hội dần được sử dụng với nhiều mục đích tích cực. Tại Hà Tĩnh, giới trẻ ngày càng ứng xử văn minh trên mạng xã hội.
Từ năm 2010, Việt Nam liên tục nằm trong top 20 quốc gia có số người dùng internet lớn nhất thế giới. Không chỉ có thế, biên độ độ tuổi sử dụng mạng xã hội (MXH) ngày càng mở rộng. Điều đó cũng kéo theo những hệ lụy đến từ nhận thức, khiến cho việc sử dụng MXH trở thành con dao 2 lưỡi. Chính vì thế, có thời điểm, Việt Nam cũng được điểm tên trong danh sách những quốc gia dùng MXH kém văn minh.
Điều đó đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với chính những người dùng MXH, các cơ quan quản lý, ngành chức năng… Rất nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, định hướng cách sử dụng MXH đã được tổ chức cho nhiều tầng lớp nhân dân ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị. Gần đây nhất là cuộc vận động “Ứng xử văn minh trên không gian mạng” giai đoạn 2023-2030 do Trung ương Đoàn phát động. Cuộc vận động gồm 4 quy tắc nòng cốt: “Tuân thủ; lành mạnh; an toàn; trách nhiệm". Và đoàn viên thanh niên sẽ là những người tiên phong lan tỏa các thông tin chính thống, hướng tới một không gian mạng ngày càng văn minh hơn trong tương lai.
Thế nào là văn minh trên MXH? Đó là câu hỏi mà vẫn còn nhiều người loay hoay, chưa tìm được câu trả lời xác đáng. Họ cho rằng đó là điều gì quá xa vời, quá lớn lao, khó thực hiện được. Tuy nhiên, văn minh trên MXH có rất nhiều biểu hiện. Từ những việc đơn giản như cách bạn thả một like vào bài viết đúng thời điểm, cách bạn đăng một bức ảnh, một suy nghĩ, một tâm tư, cách bạn bình luận để bày tỏ thái độ của mình vào bài viết của người khác một cách tử tế, tôn trọng… đến những hành động có ý nghĩa như đứng ra kêu gọi từ thiện để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hay lớn hơn là khâu nối các tài khoản MXH, thành lập ra một nhóm thiện nguyện, lên tiếng một cách mạnh mẽ để bảo vệ người yếu thế, bảo vệ lẽ phải...
Đây chính là mục tiêu làm sạch không gian mạng mà hãng Microsoft đã phát động qua phong trào “Thử thách văn minh trực tuyến” với 4 hành động chính: Cư xử trên mạng theo quy tắc vàng: đồng cảm, trắc ẩn và tử tế; tôn trọng sự khác biệt; nghĩ trước khi bình luận về những thứ mình phản đối; đấu tranh cho người khác và bản thân khi thấy bất cứ ai hoặc chính mình trở thành đối tượng của tấn công mạng.
Chia sẻ về điều này, thầy Nguyễn Văn Hòa - Phó phụ trách bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Hà Tĩnh cho rằng: “Thật ra, nguồn gốc của những hành vi kém văn minh trên MXH là vì MXH tạo cho người sử dụng một vỏ bọc tạm coi là an toàn, ít nhất là về mặt cảm giác. Nhiều hành động a dua, lan truyền thông tin xấu độc đã bị xử lý nhưng không phải là tất cả. Tuy nhiên, nhận thức của các “cư dân mạng” ngày càng được nâng cao, nhất là về pháp luật. Chính vì thế, những hành động kém văn minh ngày càng được đẩy lùi, thay vào đó là những hành động tử tế.
Tôi rất vui khi thấy giới trẻ Hà Tĩnh ngày càng hướng mình đến những ứng xử văn minh trên MXH. Điều đó thể hiện qua những status phản ứng mạnh mẽ trước hành động lan truyền các “phốt”; điều đó thể hiện qua những status biểu thị quan niệm, thái độ sống lành mạnh; qua những lời kêu gọi giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn; qua những bình luận hay bài viết phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các cá nhân hoặc các thế lực thù địch... Bản chất cấu trúc hoạt động nhân cách của cá nhân dựa trên 3 yếu tố: nhận thức, thái độ, hành vi nên biểu hiện sự văn minh trên không gian mạng là sản phẩm của cá nhân. Vì vậy, muốn nâng cao sự văn minh trên MXH, chúng ta cần phải đi sâu vào bản chất bên trong mới giải quyết hiệu quả. Từ chỗ có nhận thức đầy đủ thì người dùng mới có thái độ đúng đắn. Từ đó mới có hành vi phù hợp với chuẩn mực văn hóa”.
Để trở nên văn minh trên MXH, trước hết và hơn bao giờ hết, mỗi người cần phải hướng đến xây dựng hình ảnh của bản thân là một người tử tế và bản lĩnh. Nếu không tử tế và không có bản lĩnh thì càng có điều kiện tiếp xúc với nhiều thông tin, con người ta càng dễ sa vào những suy nghĩ, hành động lầm lạc. Khi đất nước đang xây dựng hình ảnh con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại trong hoàn cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì việc xây dựng hình ảnh con người Việt Nam trên MXH càng cần được quan tâm.
Em Nguyễn Như Anh - lớp 11 Pháp, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh chia sẻ: “Mặc dù, mỗi ngày trên MXH có rất nhiều “rác” với những thông tin, hình ảnh xấu độc nhưng tiếp nhận nó thế nào là phụ thuộc ở chúng ta. Với em, văn minh trên MXH không khó, chỉ cần đừng coi nó là mạng ảo và sống tử tế thì sẽ xây dựng được một cộng đồng mạng văn minh. Dễ nhất là không nói tục, không a dua, tiếp đó mới đến những việc làm ý nghĩa để chia sẻ, bảo vệ đồng bào, bảo vệ lịch sử, bảo vệ đất nước”.
Mỗi ngày, ta vẫn bắt gặp những hành động văn minh trên MXH, những hành động đó cũng đã tác động đến suy nghĩ, làm thay đổi hành động của người khác, lan tỏa lối suy nghĩ tích cực, tạo thành làn sóng đi ngược với những suy nghĩ và hành động tiêu cực. Không ít người bạn của tôi đã thừa nhận rằng, họ quá dễ dãi khi trao gửi niềm tin trên MXH, vì thế, dễ bị dư luận xấu dẫn dắt. Chỉ đến khi trên mạng xuất hiện những quan điểm trái ngược, phản ứng lại, họ mới suy nghĩ sâu hơn để lật lại vấn đề. Từ đó, đưa ra những quan điểm, hành động đúng đắn.
Đáng chú ý trong thời gian qua là vụ việc 2 nữ khách Tây tố cáo người phụ nữ bán hàng rong “hét giá” 2 quả dứa. Chưa cần biết đúng sai, nhiều “cư dân mạng” đã a dua, lên án, miệt thị người phụ nữ bán hàng rong và bảo vệ 2 người khách Tây. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người đã lên tiếng bênh vực người phụ nữ bán hàng rong. Và cuối cùng, khi công an vào cuộc, sự việc được làm rõ thì chính hành vi của 2 vị khách mới đáng lên án. Sự việc cũng là bài học sâu sắc cho những người tham gia MXH.
Văn minh trên MXH chính là cách để mỗi công dân góp phần xây dựng hình ảnh con người Việt Nam trong thời đại mới. Hình ảnh con người Việt Nam có đẹp thì bạn bè quốc tế mới tìm đến, mở ra cơ hội phát triển mới. Vì thế, nó không còn là chuyện của mỗi cá nhân, đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ của mỗi công dân đối với nền văn hóa của đất nước.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/van-minh-tren-mang-xa-hoi-post267177.html