Văn minh trong việc cưới, việc tang

Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, trên địa bàn tỉnh những năm qua đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay.

Tại một số tuyến đường trên địa bàn TP.Biên Hòa có đám tang đi qua rải nhiều vàng mã. Ảnh: L.Na

Tại một số tuyến đường trên địa bàn TP.Biên Hòa có đám tang đi qua rải nhiều vàng mã. Ảnh: L.Na

Không chỉ góp phần làm đơn giản các nghi lễ, thay đổi nhận thức của nhân dân mà các đám cưới, đám tang vẫn gìn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc...

* Nhiều mô hình mới, cách làm hay

Nếu như trước đây, đám tang ở một số địa phương thường là dịp để người dân tụ tập ăn uống, mở nhạc hiếu quá lớn gây phiền hà cho những người xung quanh, tốn kém cho gia chủ thì nay, tình trạng này đã giảm hẳn. Thực hiện Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh, ở các đám tang, người dân chỉ đến phúng viếng, tiễn đưa người quá cố. Tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà, kéo dài nhiều ngày, ăn uống linh đình được hạn chế rõ rệt.

Hầu hết các địa phương trong tỉnh đã đưa việc cưới, việc tang vào hương ước, quy ước. Thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ấp, khu phố nhằm tuyên truyền, vận động người dân đẩy lùi hủ tục, khuyến khích hình thức hỏa táng. Các nghĩa trang hiện nay đã có quy hoạch và có những chính sách hỗ trợ trong tổ chức tang lễ theo đúng quy định. Ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, không còn hủ tục lăn đường trên đường đưa tang, cúi người luồn dưới quan tài...

Ông Ngô Hoàng Đức, cán bộ hưu trí ở P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) cho biết: “Không phải cứ đám cưới lớn, lễ vật nhiều thì hạnh phúc của các cặp đôi mới bền chặt, mà ngược lại đôi khi đó lại là gánh nặng trả nợ cho gia đình. Việc tang cũng vậy, sinh - tử vốn là quy luật chung. Con, cháu phải hiếu thuận với ông bà, cha mẹ lúc còn sống. Lúc chết thì tổ chức tang lễ theo đúng quy định, không tổ chức đình đám gây tốn kém, cũng không nên chỉ tổ chức một cách qua loa”.

Bên cạnh việc tang, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới ở Đồng Nai cũng đạt nhiều kết quả. Đặc biệt, trong thời gian bùng phát dịch bệnh Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội, hàng trăm đám cưới trên địa bàn tỉnh đã được hoãn lại. Nhiều mô hình cưới mới tiết kiệm, lịch sự như tiệc ngọt thay cho tiệc mặn, đám cưới không thuốc lá, không lạm dụng rượu, bia... đã được thực hiện. Điển hình như, đám cưới của đồng bào Mạ, S’tiêng tại ấp 4, xã Tà Lài (H.Tân Phú) hiện nay không còn tục thách cưới, tổ chức dài ngày mà thu hẹp trong dòng họ và bạn bè thân thích.

Mô hình đám cưới văn minh, tiết kiệm cũng được đoàn viên, thanh niên trong tỉnh hưởng ứng nhiệt tình. Ở xã Gia Canh (H.Định Quán), khi trong xã có đám cưới, Đoàn Thanh niên xã sẽ có những hỗ trợ như: tổ chức đám cưới, miễn phí người dẫn chương trình, hỗ trợ một phần âm thanh, ánh sáng cho đám cưới. Ở P.Xuân An (TP.Long Khánh) đã triển khai hiệu quả và nhân rộng mô hình thư chúc mừng và thư chia buồn.

Trong thư chúc mừng đăng ký thủ tục kết hôn của P.Xuân An bao giờ cũng có dòng chữ chúc mừng đôi tân hôn trăm năm hạnh phúc, phía sau thư là những lời căn dặn việc tổ chức đám cưới theo quy định. Cầm trên tay thư chúc mừng, vợ chồng anh Trần Quốc Việt và chị Nguyễn Thanh Nguyên không nén được cảm xúc, anh Việt tâm sự: “Thật rất vui và ấn tượng khi được UBND phường quan tâm gửi thư chúc mừng hạnh phúc. Lá thư giúp chúng tôi có thêm động lực để sống tốt, thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân nơi cư trú”.

Khi một công dân mới ra đời, ngoài việc cấp giấy chứng sinh, UBND P.Xuân An cũng gửi kèm thư chúc mừng, với nội dung chúc mừng gia đình có thêm thành viên mới. Đối với thư chia buồn khi có người qua đời, UBND phường gửi kèm những lời căn dặn tổ chức tang lễ đúng quy định, phù hợp với văn hóa dân tộc, hạn chế việc rải vàng mã và các hủ tục lạc hậu khác.

* Lan tỏa nếp sống văn minh

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay nhưng việc cưới, việc tang ở Đồng Nai vẫn còn một số điểm hạn chế. Với việc cưới, các mô hình đoàn viên, thanh niên tham gia đám cưới tập thể, tổ chức tiệc ngọt thay tiệc mặn vẫn chưa được như kỳ vọng. Một số đám tang vẫn còn nhiều vòng hoa viếng, mở nhạc hiếu quá lớn. Vẫn còn việc đốt, rải vàng mã trong đám tang gây mất vệ sinh công cộng. Một số nơi vẫn còn lúng túng trong việc xác định các hủ tục nên việc nhắc nhở vi phạm có lúc chưa kịp thời.

Theo Tỉnh đoàn, mô hình cưới văn minh, tiết kiệm hiện nay đang được đoàn viên, thanh niên hưởng ứng, tích cực thực hiện. Hằng năm, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới gắn với nội dung của các phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị. Đặc biệt, Tỉnh đoàn còn vận động đối tượng thanh niên, những người đóng vai trò chủ yếu trong hôn nhân tích cực tham gia; gắn việc thực hiện tổ chức cưới văn minh với việc phấn đấu đạt các chỉ tiêu về xây dựng gia đình văn hóa; ấp văn hóa, khu phố văn hóa.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả, lan tỏa văn minh trong thực hiện việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh, theo Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH-TTDL sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cũng như thực hiện các giải pháp; nâng cao vai trò giám sát của ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa các cấp về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

Bên cạnh đó, coi trọng vai trò của đoàn viên, thanh niên, ban ấp, khu phố, già làng, người uy tín... Nếu ở nơi cư trú có vi phạm quy định nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, cần chủ động, kịp thời phát hiện để xử lý theo quy định. Qua đó, tạo niềm tin, động lực giúp cộng đồng dân cư tích cực lao động sản xuất, lưu giữ, bảo tồn và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202011/van-minh-trong-viec-cuoi-viec-tang-3028890/