Vấn nạn cuồng theo đuổi thần tượng trong showbiz Hoa ngữ
Show tuyển chọn thần tượng Thanh xuân có bạn phải ngừng ghi hình do những tiêu cực nảy sinh trong quá trình người hâm mộ theo đuổi thần tượng.
Ngày 5/5, Tân Hoa Xã có bài viết phê phán hành vi vứt đổ hàng loạt thùng sữa xuống cống của nhóm người hâm mộ để ủng hộ thần tượng. Hành động xuất phát từ lời kêu gọi mua sữa lấy mã QR để bầu chọn cho nghệ sĩ tham gia show Thanh xuân có bạn từ ê-kíp chương trình.
"Từ hành vi lãng phí sữa, các bạn đã bao giờ nghĩ đến trách nhiệm xã hội? Hành động này thể hiện sự thiếu tôn trọng sức lao động, coi thường pháp luật. Điều này dẫn đến việc làm hỏng tư tưởng của thế hệ trẻ", Tân Hoa Xã viết.
Ba năm trở lại đây, các show tuyển chọn tạo ra hàng trăm thần tượng nổi tiếng chỉ sau vài tháng. Bằng cách vận động phiếu bầu từ khán giả, nhà sản xuất thu lợi lớn, còn người hâm mộ có nhiều hành vi vung tiền ủng hộ nghệ sĩ, thậm chí có lúc bị lừa đảo.
Mua sản phẩm trợ giúp thần tượng ra mắt
Theo Tân Hoa Xã, nhà sản xuất các show tuyển chọn thần tượng có nhiều cách kiếm tiền từ người hâm mộ. Trong đó, fan phải mua các vật phẩm như sữa, nước khoáng của thương hiệu tài trợ chương trình. Bên thân hoặc dưới nắp chai sẽ có mã số QR được coi như một phiếu bầu cho thí sinh đang tham gia.
Do đó, nhóm người hâm mộ đã bỏ ra hàng triệu nhân dân tệ để mua vài trăm thùng sữa chỉ với mục đích lấy mã số. Lượng sữa thừa, họ lập tức đổ đi một cách lãng phí.
Ngoài ra, người hâm mộ của các thí sinh còn có nhiều hoạt động quyên góp tiền để ủng hộ thần tượng. Hồi tháng 4, fan của Dư Cảnh Thiên - thí sinh show Thanh xuân có bạn 3 - quyên góp được 65.000 NDT.
Tuy nhiên, do chưa đạt đủ mục tiêu là 110.000 NDT, người quản lý đã phạt các thành viên của hội phải nộp thêm tiền hoặc có hoạt động hỗ trợ khác dành cho thần tượng. Sự việc khiến dư luận chỉ trích.
Theo iFeng, các show tuyển chọn tạo nên một môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh, dẫn đến nhiều hành động sai lầm của người hâm mộ. Vì bảo vệ thần tượng của mình, nhiều fan thường xuyên tranh cãi trên mạng xã hội. Họ đồng thời tìm cách bôi đen, nói xấu thí sinh khác. Nhiều người thậm chí còn bỏ tiền thuê đội ngũ chuyên nghiệp làm giả số liệu.
Bị lừa đảo vì tình yêu dành cho thần tượng
Ngày 4/5, một fan nữ họ Vương ở tỉnh Giang Tô bị lừa 8.000 NDT vì muốn bảo vệ thần tượng. Cô thấy một blogger lên bài tiêu cực về nghệ sĩ mình yêu thích nên đã yêu cầu trả 8.000 NDT để người này gỡ bài. Sau khi nhận được tiền, blogger không xóa bài. Cảnh sát Giang Tô phải lên tiếng cảnh báo người hâm mộ không để các đối tượng xấu lợi dụng tình yêu với thần tượng.
Theo Nhân dân Nhật báo, ngày 25/1, Viện Kiểm sát huyện Tân Hồ (thành phố Vô Tích, Giang Tô) khởi tố vụ án của nhóm lừa đảo qua mạng chuyên bán những hộp quà giả của idol. Tòa án tuyên phạt bị cáo 2 năm 6 tháng tù và mức tiền phạt 10.000 NDT.
Hành động của nhóm lừa đảo này hoàn toàn dựa vào sự cuồng nhiệt của fan. Ban đầu, họ bán những hộp quà có chữ ký của ngôi sao với mức giá rẻ hơn thực tế. Sau đó, họ dụ dỗ người mua chi hàng nghìn nhân dân tệ để tham gia vào các hoạt động trực tiếp gặp mặt thần tượng. Nhiều cô gái khát khao được trông thấy nghệ sĩ mình yêu mến đã mất tiền và phải trình báo cảnh sát.
Ngoài ra, những kẻ phe vé còn lợi dụng tình cảm này để tăng giá lên gấp hàng trăm lần. Tuy nhiên, bởi mong muốn được thấy tận mắt thần tượng, không ít fan sẵn sàng tiếp tay cho hành vi phi pháp này. Thậm chí, họ còn tự hào khi nghệ sĩ được đám phe vé "tung hô" với giá cắt cổ.
Hệ lụy của các show tuyển chọn thần tượng
Theo Sina, các show tuyển chọn thần tượng nắm bắt tâm lý của người hâm mộ khi chính họ biến thí sinh trở thành ngôi sao. Việc thần tượng đánh bại các thí sinh khác được ra mắt giống như chiến thắng của tập thể fan. Do đó, lòng nhiệt tình dành cho những nghệ sĩ trẻ vô cùng lớn.
Các nhà sản xuất, thương hiệu nhìn vào sự tích cực này mà trao quyền lợi cho nghệ sĩ trẻ, biến họ thành ngôi sao chỉ sau vài tháng, dù tài năng còn hạn chế.
Tình yêu mù quáng dành cho thần tượng khiến người hâm mộ chấp nhận sự kém cỏi về tài năng, những sai sót, scandal của họ. Thí sinh Dư Cảnh Thiên vốn mang hai quốc tịch - điều bị cấm tại Trung Quốc - nhưng vẫn được fan bảo vệ. Chỉ tới khi Cục phát thanh và truyền hinh Bắc Kinh vào cuộc điều tra, anh mới bị loại khỏi cuộc thi.
Vương Hạo, CEO của công ty Zhuoying Entertainment, từng trả lời trên Tân Hoa Xã rằng các chương trình dạng này đang biến quy trình tuyển chọn nghệ sĩ trở nên dễ dãi, thiếu cơ chế sàng lọc ngay từ đầu.
Sina bình luận tiềm năng của giới trẻ Trung Quốc là rất lớn. Song, việc tổ chức liên tục các show tuyển chọn thần tượng khiến chất lượng thí sinh dần đi xuống do không thể tìm được những nhân tố trẻ vừa có tài, vừa có sắc như Thái Từ Khôn, Chu Chính Đình, Mạnh Mỹ Kỳ, Châu Chấn Nam.
Do đó, sau khi vụt sáng, các nghệ sĩ trẻ khó có thể phát triển sự nghiệp ca hát theo hướng chuyên nghiệp. Họ không chuyên tâm rèn luyện kỹ năng để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, mà đi đóng phim, tham gia tiếp các show giải trí để giữ độ hot.
Hệ quả là một lớp diễn viên tay ngang hát không được, đóng phim không xong, nhưng vẫn được giao vai chính trong các bộ phim truyền hình. Từ đó, có thể thấy cách thức lựa chọn nghệ sĩ như Thanh xuân có bạn hay Sáng tạo doanh không chỉ làm hại nền âm nhạc Trung Quốc, mà còn đầu độc cả nền điện ảnh nước này.