Vấn nạn giả danh nhân viên ICE tại Mỹ
Ngày 1/7/2025, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua kế hoạch bổ sung ngân sách do chính phủ của Tổng thống Donald Trump đưa ra. Một điểm đáng chú ý của bản kế hoạch này là phân bổ 170 tỷ USD cho các công tác liên quan đến biên phòng và quản lý nhập cư. 29,9 tỷ USD trong đó được dành riêng cho Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE), đồng nghĩa với việc ngân sách hàng năm của ICE được tăng gấp 3 lần.
Việc tăng ngân sách và quyền hạn cho ICE không khỏi gây quan ngại trong dư luận Mỹ, nhất là giữa lúc hiện tượng giả danh làm nhân viên ICE để bắt người vô cớ đang là vấn đề nhức nhối của quốc gia này.
Không biết tin ai
Giữa trưa 8/6/2025, một người đàn ông mặc trang phục cảnh sát đi vào cửa hàng sửa xe trên đại lộ Harbison rồi lớn tiếng tuyên bố rằng mình là nhân viên ICE đến bắt dân nhập cư trái phép. Nhân viên cửa hàng bỏ chạy tán loạn, chỉ còn một người phụ nữ 50 tuổi thì bị đối tượng kia dùng ziptie trói lại. Tên cướp lấy đi 1.000 USD rồi lập tức tẩu thoát trên một chiếc xe van trắng. Vụ cướp diễn ra chỉ vỏn vẹn trong vòng 30 giây.
Cảnh sát Philadelphia bắt được tên cướp nhờ hình ảnh camera an ninh. Robert Rosado (54 tuổi), từng có nhiều tiền án, khai mua súng hơi, đồng phục và huy hiệu ICE giả trên mạng để thực hiện vụ cướp. Tòa án đang xét xử Rosado tội cướp, giả danh nhân viên hành pháp và đe dọa thực hiện hành vi khủng bố.

Ba trong số nhiều đối tượng giả danh nhân viên ICE tại Mỹ.
Trước đó, ngày 10/4/2025, một nữ nhân viên tiếp tân tại khách sạn Days Inn, thành phố Panama, bang Florida bị bắt cóc bởi đối tượng giả danh làm nhân viên ICE. Kẻ bắt cóc mặc đồ đen, đeo khẩu trang. Khi được nạn nhân hỏi thì người phụ nữ này mở áo khoác để lộ ra chiếc áo phông có in dòng chữ “ICE”, đồng thời chìa ra một tấm danh thiếp in phù hiệu cảnh sát địa phương. Đối tượng yêu cầu nạn nhân đi theo mình để đến cơ quan giải quyết vấn đề liên quan đến thủ tục giấy tờ nhập cư.
Nạn nhân khi đó đang trong quá trình xin được định cư lâu dài tại Mỹ. Giữa lúc tâm trạng đang hoảng loạn, cô đi theo kẻ bắt cóc, chỉ đến khi lên xe rồi thì cô mới sực tỉnh lại. Cô liên tục yêu cầu được gọi cho chồng và luật sư, nhưng kẻ bắt cóc đã giật điện thoại khỏi tay cô.
Khi kẻ bắt cóc dừng xe trước khu chung cư, nạn nhân vừa xuống xe liền chạy vào nhà dân và kêu cứu. Cảnh sát nhanh chóng có mặt và bắt được tối tượng phạm tội. Theo kết quả điều tra của cảnh sát, thủ phạm Latrance Battle (52 tuổi) từng là... người yêu cũ của chồng nạn nhân. Battle đã có hành vi hành hung người yêu cũ và bị tòa án ra lệnh cấm lại gần nạn nhân. Không trả thù được người yêu cũ, Battle nảy ra ý tưởng giả danh nhân viên ICE để bắt cóc vợ của anh này.
Một vụ án giả danh nhân viên ICE khác xảy ra vào ngày 11/2. Thủ phạm là Leon Howell (43 tuổi), còn nạn nhân là một người phụ nữ Mỹ La-tinh 51 tuổi. Nạn nhân đứng chờ taxi trên phố Montague, thành phố New York thì bị đối tượng áp sát rồi tự xưng là nhân viên ICE. Hắn buộc nạn nhân phải theo hắn đi vào một con ngõ nhỏ. May mắn là người phụ nữ đủ tỉnh táo để la hét kêu cứu, khiến Howell không thể thực hiện hành vi đồi bại. Hắn bèn giật lấy ví, điện thoại và dây chuyền của nạn nhân rồi bỏ chạy. Cảnh sát bắt được Howell khi hắn đang tìm cách bán tài sản ăn cướp được để lấy tiền mua cocaine.
Một trường hợp khác giả danh nhân viên ICE để bắt cóc xảy ra vào ngày 29/1 tại thị trấn Sullivan's Island, bang Nam Carolina. Tên Sean-Michael Johnson (33 tuổi) bắt xe chở khách dừng lại giữa đường. Johnson tự xưng là nhân viên ICE và vu khống rằng xe chở người nhập cư trái phép. Hắn cướp chìa khóa xe và điện thoại của tài xế, sau đó có nhiều lời lẽ phỉ báng, miệt thị mang tính phân biệt chủng tộc với các hành khách gốc Mỹ La-tinh trên xe. May mắn là cảnh sát đã sớm xuất hiện để giải cứu mọi người. Riêng kẻ bắt cóc phải nhận tội hành hung, trộm cắp, bắt cóc và giả danh nhân viên hành pháp. Johnson đang bị quản thúc tại nhà sau khi trả tiền tại ngoại và được tòa án công nhận là có dấu hiệu của bệnh tâm thần.
Bà Enrique Grace, Chủ tịch Hội người Mỹ La tinh thành phố Charleston có các thành viên trong chiếc xe bị bắt cóc trên, cho biết: “Tháng nào cũng xảy ra việc kẻ xấu mượn danh ICE để hành hung, ăn cướp và bắt cóc người Mỹ La-tinh. Người nhập cư từ Trung và Nam Mỹ vốn đã quen với việc bị tội phạm nhắm đến. Điều đáng nói là bây giờ chúng ngang nhiên cướp giữa ban ngày”.
Không chỉ những tên cướp thường mới giả danh nhân viên ICE. Tòa án hạt Williams, bang North Dakota đang trong quá trình xét xử đối tượng Shane Al Randall (53 tuổi) vì tội giả danh nhân viên ICE để giúp tù nhân đào thoát. Vào ngày 22/1/2025, Randall ngang nhiên đi vào trại cải tạo hạt Williams và lấy danh nghĩa nhân viên ICE yêu cầu trại giam bàn giao đối tượng Mauricio Ixcoy Mejia bị tạm giam vì tội lái xe khi đang bị giữ bằng. 20 phút sau đó thì quản giáo mới nhận ra Randall là kẻ giả danh. Cảnh sát phải mất 3 ngày để bắt được hai đối tượng đang lẩn trốn tại nhà người quen.
Trong một trường hợp khác xảy ra tại thành phố Huntington Park, bang California, cảnh sát đã bắt được đối tượng buôn người Fernando Diaz (24 tuổi) khi đối tượng giả danh làm nhân viên ICE. Cảnh sát phát hiện xe của Diaz đỗ trái phép bên lề đường trong khi trên nóc xe còn treo đèn hiệu cảnh sát. Diaz mượn danh nghĩa ICE để trốn tội, nhưng cảnh sát xác định được biển số xe của đối tượng không hề thuộc về bất kỳ cơ quan chính phủ nào. Cảnh sát khám xét xe và phát hiện nhiều súng đạn, hộ chiếu giả, đồng phục và huy hiệu ICE, và cả một bộ radio cảnh sát. Diaz khai đã giả danh nhân viên ICE để chở nạn nhân buôn người mà không bị cảnh sát, hải quan phát hiện.

Nhân viên ICE đeo mặt nạ, không hề đeo phù hiệu khiến chẳng ai biết được liệu họ có phải là nhân viên ICE thật không.
Loay hoay tìm giải pháp
Tòa án liên bang Mỹ vào ngày 21/5 ra phán quyết tuyên bố Chính phủ Mỹ đã vi phạm hiến pháp khi trục xuất người nhập cư sang El Salvador, Honduras, Panama, v.v... Chính phủ của ông Donald Trump đã “phản pháo” bằng cách ra lệnh cho mọi nhân viên ICE khi đi bắt người thì phải đeo mặt nạ, không được nói ra tên mình hoặc xuất trình phù hiệu hay giấy tờ định danh. Đã có nhiều ý kiến phải đối mệnh lệnh này vì cho rằng ICE và chính phủ đang tìm cách lẩn tránh trách nhiệm.
Ông Luis Cortes, Chủ tịch Quỹ Esperanza giúp đỡ cộng đồng người Mỹ La-tinh ở Hoa Kỳ, trả lời phỏng vấn hãng tin Pro Publica: “Người nhập cư không phải là tội phạm. Họ sẵn sàng hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật. Vấn đề bây giờ là chuyện “thật giả lẫn lộn”. Nhân viên ICE thật hay là kẻ lừa đảo cũng đều không xuất trình giấy tờ và phù hiệu. Người nhập cư không làm cách nào phân biệt được ai là thật, ai là giả, nhất là khi họ luôn phải sống nơm nớp trong nỗi sợ bị trục xuất”.
Esperanza và nhiều tổ chức cộng đồng khác ở Mỹ đang tổ chức các lớp học dạy cho người nhập cư về cách tự bảo vệ mình. Một số nguyên tắc được dạy gồm có không bao giờ ký một thứ gì trước khi đọc hết văn bản; không trả lời bất kỳ câu hỏi nào trước khi nói chuyện với luật sư; không giao thông tin tùy thân, tiền bạc và vật dụng cá nhân; và luôn luôn yêu cầu được biết tên tuổi, chức vụ và phù hiệu của người mặc đồng phục.
Bà Enrique Grace cho biết: “Không chỉ người nhập cư mà cả người da màu cũng lo sợ ICE. Họ sợ rằng cơ quan này đang hoạt động theo kiểu “làm khoán”, chỉ chăm chăm “lấp đầy” số quota người bị bắt. Gần đây có không ít trường hợp người da màu chưa hề đặt chân ra ngoài nước Mỹ mà cũng bị ICE bắt. Nhiều người thấy thế mà sợ rằng nếu mình không phải là người da trắng thì ra đường sẽ bị bắt rồi trục xuất vô cớ”.
Luật sư Maribel Hernández Rivera, giám đốc bộ phận chính sách và chính phủ thuộc Liên đoàn Quyền công dân Hoa Kỳ, nhận xét: “Hoạt động thi hành và bảo vệ pháp luật bao giờ cũng dựa nhiều vào lòng tin của nhân dân đặt vào cơ quan hành pháp. Các chính sách gần đây của chính phủ Mỹ cộng với vấn nạn giả danh nhân viên ICE đe dọa nghiêm trọng đến chính sự vững bền của xã hội Mỹ. Bây giờ liệu có ai còn tin vào cảnh sát hay là muốn đi trình báo với cơ quan pháp luật? Không chỉ người nhập cư cảm thấy bất an mà tất cả chúng ta đều nên cảm thấy bất an”.