Vấn nạn từ 'thực tế ảo'
Thời đại phát triển của công nghệ thông tin, những thiết bị hiện đại như smartphone, máy tính bảng... gần như là vật dụng không thể thiếu, hữu ích cho cuộc sống, giúp gắn kết. Thế nhưng, việc để những thiết bị điện tử chiếm giữ vị trí quá lớn trong cuộc sống là vấn đề cần nhìn nhận hiện nay.
Trong các thiết bị điện tử này có muôn vàn nền tảng số mang tính chất giải trí. Dù là giải trí, nhưng nếu không kiểm soát thời gian sử dụng, người dùng rất dễ đánh mất bản thân. Dễ nhận thấy là sự bùng nổ khó kiểm soát của mạng xã hội và việc sử dụng thiết bị thông minh không kiểm soát.
Như tại những hàng quán giải khát, nếu như trước đây là địa điểm thư giãn, nơi bạn bè, đồng nghiệp, người thân... đến để trò chuyện, tán gẫu, thì nay nhiều người đến quán như cuộc hẹn không cảm xúc. Vào quán, kêu nước uống và trên tay mỗi người là điện thoại thông minh, không ai để ý đến ai, cứ thế, tất cả đều sống trong “thực tế ảo” trên các nền tảng số.
Tại các khu vui chơi, không hiếm thấy hình ảnh người lớn sau khi làm thủ tục mua vé và đưa trẻ vào vị trí chơi, là lướt web. Dường như họ đến đó như trách nhiệm, chứ không xuất phát từ tình cảm gia đình, gần gũi và vui đùa cùng con trẻ.
Việc các thiết bị điện tử thông minh nói chung và mạng xã hội nói riêng chiếm vị trí quá lớn trong cuộc sống, không chỉ xuất hiện ở thành thị mà còn ở nông thôn. Cứ thế, mỗi người càng xa nhau hơn, bỏ quên những giá trị của giao tiếp trực tiếp, của đời sống tình cảm giữa người với người, đặc biệt là tình cảm gia đình.

Sử dụng thiết bị hiện đại là điều cần thiết của sự phát triển, nhưng cần có những tiết chế phù hợp. Ảnh minh họa
Theo khảo sát mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, 82% trẻ em Việt Nam từ 12-13 tuổi sử dụng Internet hằng ngày, ở lứa tuổi 14-15 là 93%. Theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ), thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội từ 5-7 giờ/ngày, thế nhưng chỉ có 36% được dạy về việc đảm bảo an toàn trên mạng.
Cùng với đó, nếu lạm dụng mạng xã hội, người sử dụng có thể gặp các tác động tiêu cực, như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, cô lập xã hội và nghiện Internet, bị bắt nạt qua mạng. Tội phạm trên mạng gia tăng, áp lực từ bạn bè và tiếp xúc với nội dung độc hại là một số rủi ro liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội, dẫn đến việc tự làm hại bản thân và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác...
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, khoảng 8-29% trẻ em trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên, số người được hỗ trợ y tế và điều trị chiếm số lượng nhỏ.
Trong 3 rối loạn về sức khỏe tâm thần ở trẻ hiện nay, trẻ bị trầm cảm khá phổ biến và hậu quả để lại thường nặng nề nếu thiếu sự quan tâm và chia sẻ từ người thân cũng như có những can thiệp y tế cần thiết. Ngoài trầm cảm thì hoang tưởng và tự kỷ cũng là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ hiện nay. Một trong nhiều nguyên nhân là việc phụ huynh quá chú tâm vào công việc mà xao nhãng chăm lo cho con trẻ, để trẻ tự chơi, đặc biệt là xu hướng giao cho trẻ thiết bị thông minh mà không kiểm soát.
Thực sự lúc này, mỗi người cần trả lời câu hỏi, liệu mình có phải là nô lệ của các thiết bị điện tử thông minh, đã dành thời gian hợp lý cho người thân chưa, để từ đó có cách nhìn nhận, điều chỉnh kịp thời, đừng để sa vào "thực tế ảo", cũng như kiểm soát, định hướng con trẻ sử dụng thiết bị công nghệ đúng mực, hữu ích./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/van-nan-tu-thuc-te-ao--a38810.html