Vấn nạn xâm phạm bản quyền và điểm 'nghẽn' xuất khẩu nông sản (Bài 2)

TIN LIÊN QUAN

Vấn nạn xâm phạm bản quyền và điểm "nghẽn" xuất khẩu nông sản (Bài 1)

Câu chuyện ngành hoa: Lỡ cơ hội xuất khẩu vì vướng “tấm hộ chiếu”

Ngay tại xứ sở hoa Ðà Lạt - niềm tự hào của ngành sản xuất hoa Việt Nam, chỉ khoảng 20% giống hoa sản xuất tại đây có bản quyền giống. Ðiều đó nói lên thực trạng người trồng hoa hiện nay quá “đói” nguồn giống có bản quyền. Và chừng nào chưa có một “danh phận” cho cành hoa Ðà Lạt, dẫu hoa có thắm sắc đến đâu cũng khó có thể xuất khẩu được sang các thị trường khó tính.

Doanh nghiệp đi đầu trong việc xuất khẩu hoa, đa số nông dân đứng ngoài cuộc chơi, canh tác còn theo lỗi cũ.

Doanh nghiệp đi đầu trong việc xuất khẩu hoa, đa số nông dân đứng ngoài cuộc chơi, canh tác còn theo lỗi cũ.

Xuất khẩu hoa, cuộc chơi của các ông lớn?

Hiện, diện tích sản xuất hoa tại Đà Lạt và vùng phụ cận khoảng 9.000 ha, sản lượng đạt hơn 3,1 tỷ cành, mỗi năm xuất khẩu được khoảng 310 triệu cành, chiếm 10% tổng sản lượng hoa của Đà Lạt. Tuy nhiên, thị phần xuất khẩu hoa hiện nay hầu hết do các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn trong nước hoặc các công ty có 100% vốn nước ngoài nắm giữ như: Công ty TNHH Dalat Hasfarm, Công ty TNHH APOLLO, Công ty TNHH Hoa Mặt trời, Công ty TNHH Hoa Trường Xuân. Trong khi đó, đa số hộ nông dân trồng hoa cá thể hiện đang đứng ngoài cuộc chơi.

Có thể thấy, thị trường hoa trong nước đang dần bão hòa khi ngày càng nhiều địa phương bắt đầu mở rộng diện tích. Do vậy, bên cạnh việc giúp người dân trồng hoa Lâm Đồng đứng vững ở trong nước thì việc giải quyết bài toán hội nhập thị trường thế giới cũng cần được các cấp, các ngành quan tâm.

Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt chia sẻ: Ngoài các doanh nghiệp thì hiện nay phần lớn nông dân sản xuất hoa Lâm Đồng đang phải tự “bơi”. Trong khi diện tích trồng hoa của Đà Lạt rất lớn với sản lượng không nhỏ. Phân khúc thị trường cũng có sự phân chia rõ ràng. Các công ty và doanh nghiệp có vốn đầu tư mạnh sản xuất hoa phục vụ phân khúc cao cấp, nông dân chủ yếu tập trung vào phân khúc cấp thấp và cấp trung. Đó là lý do vì sao trong khi diện tích hoa Đà Lạt tăng hằng năm, nhưng thị trường tiêu thụ vẫn là nội địa chiếm tới 90% sản lượng, còn thị trường xuất khẩu chưa được mở rộng.

Thị trường xuất khẩu hoa không ngừng mở rộng

Theo Sở Công thương, tham gia xuất khẩu hoa tại Lâm Đồng, ngoài các doanh nghiệp FDI, một số tư nhân, doanh nghiệp tại thành phố Đà Lạt cũng tìm kiếm thị trường xuất khẩu thông qua liên kết, hợp tác quốc tế với các nhà phân phối tại thị trường hướng tới. Thị trường xuất khẩu hoa Lâm Đồng nhiều nhất ở Nhật, chiếm 60% sản lượng, Úc chiếm 3,2%, Đài Loan 3,1%; còn lại tập trung ở các nước như: Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan, Philippines, Singapore, Nga, Campuchia.

Theo ông Sang, khái niệm “hoa công nghệ cao” chỉ hạn hẹp trong phạm vi các doanh nghiệp và một số nông hộ tiên tiến. “Nông dân muốn tham gia vào cuộc chơi, vươn ra thị trường thế giới cần trang bị kiến thức hiểu biết và tư duy xuất khẩu. Trong đó quan trọng nhất là thay đổi thói quen sản xuất, diện tích manh mún, chậm chuyển đổi công nghệ kỹ thuật, chú trọng liên kết và đặc biệt là tôn trọng luật chơi đã cam kết” - ông Sang nói.

Cùng suy nghĩ, Phó Tổng Giám đốc Dalat Hasfarm, ông Nguyễn Văn Bảo dẫn chứng, cũng là hoa sản xuất tại Đà Lạt, nhưng hoa của công ty có giá cao hơn nhiều so với hoa nông dân mà vẫn được người tiêu dùng chọn mua. Đó là tư duy sản xuất hàng hóa thời kinh tế toàn cầu.

“Phương châm của chúng tôi là không cạnh tranh trực tiếp với nông dân, do ở phân khúc sản phẩm khác, nên sản phẩm của công ty sẽ không gặp vấn đề “được mùa mất giá”. Trái lại, một trong các định hướng của Dalat Hasfarm là hợp tác và đào tạo nông dân để họ có thể bán được sản phẩm của mình với giá ngày càng cao hơn, góp phần phát triển sản phẩm ở phân khúc có giá trị cao” - ông Bảo cho hay.

Trên cơ sở tiềm năng và thực trạng sản xuất, kinh doanh sản phẩm hoa Đà Lạt, các cơ quan quản lý và nhiều tổ chức, nhà khoa học đã đưa ra một số giải pháp chiến lược để phát triển ngành hoa Đà Lạt như: Quy hoạch vùng sản xuất hoa chuyên canh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất; nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp lý; hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hoa; tăng cường hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài, quảng bá thương hiệu “Hoa Đà Lạt” ra thị trường quốc tế…

Hợp tác sản xuất, liên kết dưới dạng vệ tinh cho doanh nghiệp là hướng đi tất yếu cho nông hộ trồng hoa.

Hợp tác sản xuất, liên kết dưới dạng vệ tinh cho doanh nghiệp là hướng đi tất yếu cho nông hộ trồng hoa.

Cơ hội nào cho nông hộ?

Vài năm trở lại đây, việc trồng hoa xuất khẩu không còn bó hẹp trong phạm vi các doanh nghiệp mà bắt đầu đã có những nông dân trồng hoa xuất khẩu thông qua các hình thức liên kết. Đây là yêu cầu tất yếu khi ngành hoa Lâm Đồng đang hướng tới những thị trường lớn thông qua hoạt động xuất khẩu.

Việc liên kết với doanh nghiệp không chỉ giúp hình thành được nhiều vùng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá, ít thiếu nhiều thừa”, mà còn giúp nâng cao chất lượng sản xuất cho nông dân theo kịp với xu thế toàn cầu hóa, cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Đây cũng là cánh cửa, mở lối cho nông hộ có cơ hội được tham gia vào cuộc chơi, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu hoa ngày càng mở rộng.

Hiện đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã tại Lâm Đồng liên kết trồng hoa xuất khẩu với nông dân theo quy mô công nghiệp, phát triển khá tốt. Điển hình là Công ty TNHH Hoa Mặt Trời đang liên kết với hơn 50 hộ nông dân tại huyện Đức Trọng và Di Linh trên diện tích 30 ha lan vũ nữ và 2,5 ha lan hồ điệp, trong đó có 26,5 ha liên kết xuất khẩu sang Nhật. Toàn bộ hoa lan sau khi thu hoạch đều được chuyển đến xưởng đóng gói tập trung xử lý, bảo quản, sau đó phân loại để xuất khẩu bằng đường biển. Sản phẩm hoa tới nước sở tại sẽ được đấu giá, trừ các chi phí, số tiền còn lại được thanh toán cho từng nông hộ. Doanh thu từ lan vũ nữ đạt 5 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận 2 tỷ đồng/ha/năm. Còn lan hồ điệp cho doanh thu tới 20 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận 7,2 tỷ đồng/ha/năm. Hoa xuất khẩu có giá cao gấp 5 - 6 lần so với tiêu thụ nội địa.

Ông Huỳnh Tấn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Mặt trời cho biết, trong liên kết sản xuất, doanh nghiệp và nông dân phải thực sự đặt niềm tin về nhau. Niền tin ấy là, đối với công ty đã ứng tiền trước và ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm cho từng hộ liên kết nếu đạt được chất lượng đề ra; còn bản thân nông dân cũng cam kết lại với công ty về việc thực hiện tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật trong quá trình sản xuất.

“Có thể nói rằng, bản chất mô hình liên kết sản xuất hoa lan của Công ty TNHH Hoa Mặt Trời với các hộ nông dân là hợp tác, cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro với người nông dân, tạo động lực cho phương thức sản xuất hợp tác phát triển. Nhờ đó thương hiệu “Hoa Đà Lạt” của liên minh sản xuất Hoa Mặt Trời đã tìm được thị trường và bước đầu có chỗ đứng khá vững chắc tại thị trường Nhật Bản” - ông Sơn nói.

Tương tự, nhiều năm nay, Công ty Dalat Hasfarm luôn không ngừng mở rộng, xây dựng hợp đồng liên kết sản xuất với nông dân Ðà Lạt và các vùng phụ cận để chủ động nguồn nguyên liệu các loại hoa cắt cành nhà kính, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Hiện Dalat Hasfarm đã thực hiện bắt tay với hơn 200 hộ nông dân sản xuất, cung ứng hoa theo chuỗi giá trị.

Theo ông Bảo, vấn đề đặt ra là tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết để hoa Đà Lạt đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Nhiều hộ trồng hoa ngày càng có tư tưởng tiến bộ, không muốn làm ăn nhỏ lẻ, tự phát nữa mà mong muốn có sự liên kết với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra ổn định với giá bán tốt hơn. Đây là tín hiệu cho thấy, nếu có sự hợp tác và đào tạo nông dân tốt, đặc biệt ở khâu sử dụng giống có bản quyền và thực thi việc bảo hộ thì tỉ lệ hoa xuất khẩu cũng sẽ tăng lên rất nhanh trong 5 năm tới.

(CÒN NỮA)

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201909/van-nan-xam-pham-ban-quyen-va-diem-nghen-xuat-khau-nong-san-bai-2-2965167/