Vấn nạn xe trá hình ở miền Trung: Huế cấp gần 1.200 phù hiệu hợp đồng/năm

Riêng năm 2019, Thừa Thiên-Huế cấp gần 1.200 phù hiệu xe hợp đồng, 500 phù hiệu du lịch... trong bối cảnh xe trá hình bùng phát.

Liên ngành Đà Nẵng tăng cường xử lý xe trá hình trên tuyến, hầu hết các xe mang BKS 75. Ảnh Xuân Huy

Liên ngành Đà Nẵng tăng cường xử lý xe trá hình trên tuyến, hầu hết các xe mang BKS 75. Ảnh Xuân Huy

Càng kêu cứu, xe trá hình càng bùng phát?

Không phải ngẫu nhiên, mới đây, 80 chủ xe, xã viên, thuộc các công ty, HTX vận tải trên tuyến buýt Huế-Đà Nẵng và ngược lại, phải ký đơn kiến nghị tập thể gửi lãnh đạo Bộ GTVT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế về vấn nạn xe "trá hình" bùng phát trên tuyến, cạnh tranh không lành mạnh, gây mất trật tự vận tải, nhà nước thất thu thuế phí... nhưng không được lực lượng chức năng xử lý, ngăn chặn.

Nhà nước, Sở GTVT tỉnh yêu cầu chúng tôi thay đổi từ xe cố định sang loại hình xe buýt liền kề, mỗi xe phải đầu tư cả tỷ bạc, nhưng mọi người đều chấp hành vì cái chung.

Nhưng không hiểu sao, các kiến nghị chính đáng của chúng tôi lại không được cơ quan chức năng xử lý, không có biện pháp ngăn chặn, lập lại trật tự vận tải khiến loại xe trá hình ngày càng bành trướng, thách thức pháp luật...", ông Võ Phi Cường, đại diện tập thể xe buýt Huế-Đà Nẵng nhấn mạnh.

Đơn thư nêu rõ các xe có dấu hiệu vi phạm kinh doanh vận tải, chủ yếu mang BKS đầu 75 (Thừa Thiên-Huế), dòng xe 4-7 chỗ, xe Limousine và một số xe 16 chỗ. Khảo sát của tập thể xe buýt này cho thấy, loại xe trá hình bùng phát trên dưới 250 đầu xe.

Các xe công khai quảng bá trên mạng xã hội, lập "tổng đài" gom khách lẻ, đón, trả khách lẻ, lập hợp đồng khống cùng nhiều chiêu trò đối phó: Nhờ hành khách nhận là người quen, xác nhận “chở không lấy tiền” (thực chất thu từ 120 - 180 nghìn đồng/vé), thậm chí lấy lí do “đi làm từ thiện”… với nhiều cái tên nổi bật: Tân Quang Dũng, Taxi Hương Giang; Taxi miền Trung và xe lẻ của hàng trăm cá nhân khác...

Đại diện tập thể xe buýt này, đây là lần thứ 5 họ gửi đơn trong vòng hơn 2 năm qua (từ năm 2018). Ngày 9/1/2018, Văn phòng Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế có Công văn số 47 về việc tiếp nhận đơn và chuyển đến UBND tỉnh, Công an tỉnh để chỉ đạo kiểm tra, xử lý.

Ngày 11/1/2018, UBND Thừa Thiên-Huế có Văn bản số 233 thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh, Sở GTVT, UBND TP. Huế phối hợp kiểm tra, xử lý đúng quy định của pháp luật...

Tuy nhiên, theo ông Võ Phi Cường (P.Vĩ Dạ, TP.Huế), đại diện tập thể xe buýt Huế-Đà Nẵng, dù có rất nhiều đơn thư, văn bản chỉ đạo qua về, nhưng đến nay vấn nạn xe trá hình không hề giảm bớt mà ngày càng có nguy cơ bùng phát, tạo thành "điểm nóng" gây mất trật tự vận tải, cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi đó, xe buýt liên tục chịu sự quản lý, quy hoạch của cơ quan chức năng. Từ xe cố định bị điều chuyển thành xe buýt (đầu năm 2020).

Lực lượng TTGT Đà Nẵng kiểm tra, xử lý xe taxi BKS 75A-124.18 vi phạm quy định (ảnh chụp ngày 28/5)

Lực lượng TTGT Đà Nẵng kiểm tra, xử lý xe taxi BKS 75A-124.18 vi phạm quy định (ảnh chụp ngày 28/5)

Một năm cấp gần 1.200 phù hiệu hợp đồng, xe taxi "biến tướng"?

Ghi nhận PV, thực tế vấn nạn xe trá hình diễn biến phức tạp trên tuyến Huế-Đà Nẵng thời gian qua. Trong vai hành khách, PV không quá khó để có thể lên mạng facebook, gọi điện "tổng đài đặt vé" để làm khách lẻ trên các xe mang phù hiệu hợp đồng... Mọi việc diễn ra hết sức công khai. Các xe hầu hết mang BKS 75.

Con số thống kê từ Phòng Quản lý Vận tải - Đăng kiểm (Sở GTVT Thừa Thiên-Huế) cho thấy, riêng năm 2019, đã cấp 1.135 phù hiệu xe hợp đồng và 483 biển hiệu du lịch. 5 tháng đầu năm 2020, đã cấp 304 phù hiệu xe hợp đồng và 66 biển hiệu du lịch.

Đặc biệt, các đơn vị đăng ký phù hiệu taxi cũng gia tăng nhanh, trong bối cảnh taxi truyền thống đang "chết yểu" trước xe công nghệ. Mới đây, Huế cấp phép thành lập cho 3 đơn vị kinh doanh taxi: Chi nhánh HTX Hòa Bình Xanh, Công ty CP Hợp tác đầu tư Tín Việt và Công ty TNHH Du lịch Bảo Khang... Hiện, cả tỉnh có 13 đơn vị kinh doanh vận tải taxi, với 994 phương tiện được cấp phù hiệu.

Ghi nhận PV cho thấy, thay vì sử dụng chiêu thức dùng xe phù hiệu hợp đồng chạy trá hình gom khách lẻ, một số đơn vị vận tải chuyển hướng sang xe taxi gom khách, hòng lách luật. Điển hình, chiều 28/5, PV theo một khách nữ đặt vé trên chiếc xe BKS 75A-124.18, được cấp phù hiệu xe taxi (logo “Miền Trung Taxi”, Công ty Tuấn Khánh), nhưng tổng đài này vô tư xác nhận đặt chỗ khách lẻ, không bật máy tính tiền.

Lúc này, trên xe có một hành khách khác, ấn định mức giá 120.000 đồng/người trên hành trình từ TP Huế vào Đà Nẵng. Chiếc xe vô tư chạy từ Huế qua hầm Hải Vân, chỉ đến khi gặp tổ liên ngành TTKS (TTGT, CSGT, CSTT Đà Nẵng) mới bị phát hiện, kiểm tra.

Lực lượng TTKS Đà Nẵng kiểm tra, phát hiện taxi 75A-124.18 (Miền Trung taxi) không bật đồng hồ tính tiền nhằm mục đích gom khách lẻ

Lực lượng TTKS Đà Nẵng kiểm tra, phát hiện taxi 75A-124.18 (Miền Trung taxi) không bật đồng hồ tính tiền nhằm mục đích gom khách lẻ

Chánh thanh tra Sở GTVT Đà Nẵng Nguyễn Trung Nghĩa trực tiếp hiện trường, làm rõ lỗi vi phạm không sử dụng đồng hồ tình cước đối với loại hình taxi khi chở khách của taxi BKS 75A-124.18, thì một chiếc taxi khác của Taxi Miền Trung cũng qua hầm Hải Vân chạy về Đà Nẵng.

Trích xuất dữ liệu qua trạm thu phí, trong khoảng 10 ngày gần đây, xe taxi BKS 75A-124.18 chạy quay đầu liên tục trên tuyến Huế-Đà Nẵng với tần suất trung bình 4 chuyến/ngày.

Theo Sở GTVT Thừa Thiên-Huế, Miền Trung Taxi (Công ty Tuấn Khánh) được cấp phép ngày 10/5/2018, số lượng phương tiện taxi là 6 xe.

Phòng Quản lý Vận tải - Đăng kiểm (Sở GTVT Thừa Thiên-Huế) cho hay, theo quy định hiện hành, việc thẩm định hồ sơ cấp phù hiệu cho các phương tiện kinh doanh vận tải đều thông qua bộ phận một cửa và nếu đầy đủ thủ tục thì không có lý do gì từ chối.

Tuy nhiên, theo chuyên gia quản lý nhà nước lĩnh vực GTVT, pháp luật hiện hành quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương, cơ quan chức năng trong công tác quy hoạch, quản lý, giám sát hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải. Nếu làm tốt sẽ hạn chế vi phạm, đảm bảo trật tự vận tải.

Thống kê từ phía Sở GTVT Thừa Thiên-Huế, từ đầu năm 2020 đến nay thu hồi phù hiệu đối với 72 trường hợp vi phạm tốc độ 5 lần/1 nghìn km, còn các trường hợp vi phạm về thời gian lái xe liên tục thì theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP chỉ nhắc nhở, chưa có con số về lỗi xử lý xe trá hình. Thanh tra Sở GTVT tỉnh có kế hoạch kiểm tra của năm 2020 đối với các đơn vị vận tải, nhưng bị gián đoạn do ảnh hưởng Covid-19

Báo Giao thông vừa có loạt tin, bài về vấn nạn trá hình bùng phát trên tuyến Huế- Đà Nẵng và miền Trung. Hầu hết các xe trá hình, núp bóng xe hợp đồng mang BKS 75 (Thừa Thiên-Huế), 76 (Quảng Ngãi)… nhưng chỉ có liên ngành Đà Nẵng căng sức dẹp loạn. Thống kê TTGT Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay xử lý gần 100 trường hợp xe chở khách trá hình.

Nhóm P.V

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/van-nan-xe-tra-hinh-o-mien-trung-hue-cap-gan-1200-phu-hieu-hop-dongnam-d467622.html