Vẫn nhức nhối bản quyền trong môi trường số
Trong môi trường thương mại điện tử, việc bảo vệ bản quyền ngày càng phức tạp. Các tác phẩm nghệ thuật, phần mềm, bài viết, hình ảnh, video và các sản phẩm trí tuệ khác dễ dàng bị sao chép, phân phối.
Sách giả lấn cả vào các sàn thương mại
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ bản quyền trong thương mại điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong vấn nạn vi phạm bản quyền.
Ở thị trường xuất bản điện tử, sách lậu, sách giả đã lấn cả vào các sàn thương mại điện tử có uy tín, nhiều sách được rao bán trên TikTok, Facebook… Đây là vấn đề khiến cho những người làm xuất bản dè chừng khi triển khai xuất bản sách điện tử. Nhiều website chuyên tìm cách tải, số hóa, thậm chí “đóng vai” người dùng sách điện tử của các đơn vị phân phối chính quy, từ đó lấy những bản điện tử và ngang nhiên đóng gói thành sản phẩm đem bán trên website riêng của họ.
Trong lĩnh vực biểu diễn, tình trạng xâm phạm quyền tác giả cũng diễn ra phức tạp, có chiều hướng tinh vi và thách thức lớn hơn, gồm cả các show trong nước và quốc tế. Nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn thiếu ý thức tự giác, tự nguyện trong nghĩa vụ trả tiền bản quyền, gây khó khăn cho trung tâm và các tác giả.
Vấn nạn vi phạm bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh cũng diễn biến phức tạp với việc nở rộ tình trạng bình luận phim trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok... Hầu hết là những trích đoạn ngắn, có những video dài gần chục phút, thu hút nhiều lượt xem. Những video trên danh nghĩa bình luận kiểu này đã tiết lộ những nội dung chính của phim, khiến đơn vị làm phim thiệt hại không nhỏ.
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, ý thức xã hội về bản quyền trong nhiều đơn vị, cá nhân còn thấp, đặc biệt là thói quen sử dụng nội dung miễn phí, từ phim, nhạc đến phần mềm, mà không quan tâm đến nguồn gốc hay tính hợp pháp của tác phẩm đó. Hiện pháp luật đã có những quy định liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, song việc thực thi còn chưa hiệu quả. Việc xử phạt và mức xử phạt chưa đủ sức răn đe khiến nhiều tổ chức, cá nhân vẫn ngang nhiên vi phạm. Ngoài ra còn do các yếu tố khác như thách thức từ công nghệ và môi trường số; lợi ích kinh tế và sự cạnh tranh từ các nền tảng.
Tăng cường chống xâm phạm
Đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 trên 9 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán, ký kết 2 hiệp định song phương và 14 hiệp định kinh tế, thương mại tự do song phương, đa phương với các quốc gia, khu vực kinh tế khác nhau trên thế giới có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan. Các thỏa thuận này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của các tác giả và nhà sáng tạo mà còn tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc để xử lý các vi phạm.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức trong việc thực thi và bảo vệ bản quyền trong thương mại điện tử, đặc biệt là khi đối diện với những vi phạm không giới hạn về địa lý và thời gian. Những hành vi xâm phạm bản quyền trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng như việc xử lý các vi phạm trên không gian mạng, đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác mạnh mẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các nền tảng trực tuyến.
Theo bà Oanh, để giải quyết vấn đề này, cần có một hệ thống quản lý bản quyền toàn diện, kết hợp giữa các chính sách pháp lý, công nghệ và sự hợp tác quốc tế. “Cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường các biện pháp giám sát và xử lý vi phạm, đồng thời các nền tảng thương mại điện tử cũng cần phải áp dụng các công cụ và công nghệ hiện đại để giám sát và ngăn chặn hành vi xâm phạm. Các hệ thống nhận dạng nội dung, theo dõi bản quyền tự động và công cụ nhận diện hình ảnh là những giải pháp công nghệ hữu ích giúp phát hiện và ngừng các hành vi xâm phạm ngay từ khi chúng xuất hiện” - bà Oanh nhấn mạnh.
Về vấn đề này, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành, từ đó nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Bên cạnh đó, sửa đổi, tăng mức phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền; quy định thêm về các hình thức xử phạt bổ sung nhằm tăng tính răn đe, góp phần ngăn ngừa hành vi xâm phạm và hậu quả xảy ra.
Về vấn đề vi phạm bản quyền trong môi trường số, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, trước tiên, cần nâng cao nhận thức cộng đồng; Các chiến dịch tuyên truyền cần được triển khai rộng rãi để người dân hiểu rằng vi phạm bản quyền không chỉ gây hại cho ngành công nghiệp sáng tạo mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Cùng với đó, hệ thống pháp luật cần được cải thiện để tăng tính răn đe. Mức xử phạt cần được nâng cao và áp dụng nghiêm minh hơn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/van-nhuc-nhoi-ban-quyen-trong-moi-truong-so-10296212.html