Vẫn nhức nhối nạn bạo hành trẻ em

Một số chuyên gia nhận định, trên thế giới, cứ 2 trẻ em thì có 1 trẻ bị bạo hành. Còn tại Việt Nam hơn 68% trẻ độ tuổi từ 1 – 14 đã từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo hành ở nhà, 20% trẻ 8 tuổi bị bạo hành ở trường. Một thực trạng đáng buồn là phần lớn các vụ xâm hại, bạo lực lại do những người thân quen của trẻ gây ra, chiếm trên 90% số vụ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bạo hành trẻ em ngày càng nghiêm trọng

Thời gian qua tại TPHCM liên tục xảy ra những vụ bạo hành trẻ em gây bức xúc dư luận xã hội. Điển hình như vụ bé gái 8 tuổi sống tại chung cư cao cấp Saigon Pearl (quận Bình Thạnh) bị bạo hành đến tử vong. Bé gái 8 tuổi thường bị “dì ghẻ” chửi mắng, đánh đập. Thậm chí, có ngày bé gái bị hành hạ dã man trong 4 giờ đồng hồ.

Đặc biệt, qua phục hồi camera, cơ quan điều tra phát hiện, cha đẻ của bé gái chứng kiến “dì ghẻ” bạo hành, đánh đập bé nhưng không can ngăn. Người cha cũng thừa nhận, chính mình cũng có lần cầm cây đánh con.

Càng đau lòng hơn khi mới đây nhất, tại TPHCM lại xảy ra một vụ bé 1 tuổi bị bạo hành tử vong. Trước đó, sáng ngày 27/5 chị V. (37 tuổi, trú tại quận Bình Tân) giao con là cháu K. (1 tuổi) cho người phụ nữ tên T. (21 tuổi) trông giữ trẻ như mọi ngày. Đến gần trưa cùng ngày, T. gọi cho chị V. báo cháu bé ho, sặc sữa, tím tái. Chị V. vội vàng chạy về đưa con đi bệnh viện cấp cứu nhưng cháu đã tử vong. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, cháu bé bị đa chấn thường vùng bụng, nghi do bị bạo hành. Khi công an lấy lời khai chị T. cho hay, khi cháu K. bị ói, sặc sữa nên dùng tay đánh liên tục vào vùng bụng cháu. Thấy cháu tím tái nên T. hốt hoảng gọi cho mẹ cháu về để cùng đưa đi bệnh viện.

TS. Nguyễn Minh Nhựt - Phó trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TPHCM, cho biết, thống kê năm 2017 thành phố có 47 vụ xâm hại trẻ em, đến năm 2019 giảm xuống còn 25 vụ, nhưng đến năm 2020 tăng lên 40 vụ. Tuy nhiên, con số này có thể chưa hoàn toàn phản ánh thực tế do văn hóa yên lặng và khả năng nhận thức của trẻ về vấn đề xâm hại.

Đại diện Ban Văn hóa xã hội, HĐND TPHCM khẳng định, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố trong 5 năm qua có chiều hướng giảm về số vụ nhưng tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại, độ tuổi trẻ trong các vụ xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ, tập trung nhiều ở độ tuổi từ 10 – 16 và phần lớn là trẻ gái. Hình thức xâm hại chủ yếu là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, kế đến là hình thức khác như: đánh đập, chửi bới,...

Ngăn ngừa bạo hành và bảo vệ trẻ

PGS. TS Phan Thị Hồng Xuân – Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM chia sẻ, trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương. Môi trường xung quanh có tác động rất lớn đối với quá trình hình thành tính cách của trẻ. Không chỉ trong gia đình mà nhà trường, các cơ sở chăm sóc giáo dục tư thục cũng là môi trường gắn bó lâu dài với trẻ, chưa kể đến những mối nguy hại từ bên ngoài xã hội.

“Bạo lực trẻ em làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ hoặc nguy hại hơn có thể dẫn đến nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng. Các hành vi bạo lực có thể làm trẻ chậm phát triển, thậm chí làm quá trình phát triển thể chất của trẻ trở nên bất thường, gây nên những biến chứng sau đó” - PGS. TS Đinh Phương Duy - Hội Khoa học tâm lý – Giáo dục TPHCM nhận định.

Đề cập đến giải pháp bảo vệ quyền trẻ em, TS. Nguyễn Minh Nhựt kiến nghị, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao kiến thức, nhận thức, kỹ năng trong bảo vệ trẻ em đối với các thành phần trong xã hội. Đặc biệt quan tâm đến đối tượng là người nhập cư từ các tỉnh, thành khác, người dân tại các khu nhà trọ, người dân tại các khu chung cư các cấp, khu nhà phố biệt lập,... Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh học sinh, hạn chế tình trạng bạo lực học đường.

“Cần nghiên cứu bổ sung quy định bắt buộc lắp đặt camera giám sát tại cơ sở giáo dục, các trung tâm và các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố để góp phần răn đe các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, tăng cường giám sát của gia đình, xã hội với công tác chăm sóc trẻ em, cũng như là nguồn chứng cứ để cơ quan công an điều tra, xử lý khi có vụ việc xâm hại xảy ra” - ông Nhựt nêu giải pháp.

Một thực trạng đáng buồn là phần lớn các vụ xâm hại, bạo lực lại do những người thân quen của trẻ gây ra, chiến trên 90% số vụ. Trẻ sống ở khu vực nhà trọ, kể cả chung cư cao cấp, sống với cha dượng hoặc sống trong gia đình có các đặc điểm như: bạo hành vợ chồng, ly hôn, thất nghiệp,... có nguy cơ bị xâm hại và bạo hành cao.

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-nhuc-nhoi-nan-bao-hanh-tre-em-5694532.html