Vẫn nhức nhối việc bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng
Các chuyên gia cho rằng đã có nhiều hệ lụy, tồn tại dai dẳng ở kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng mà đến nay chưa thể giải quyết.
Nhức nhối việc bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng
Thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn chưa dừng đà suy giảm đáng kể sau những tiêu cực xảy ra hồi đầu năm liên quan đến kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), hay “lùm xùm” trong khâu tư vấn…
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.100 tỉ đồng, giảm 8,33% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ giảm 17%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2%.
Nhấn mạnh về tiêu cực tại kênh bancassurance, các chuyên gia cho rằng khi ngân hàng liên kết với công ty bảo hiểm thì ngân hàng được chi hoa hồng rất cao, trong khi khách hàng gặp nhiều bức xúc. Thậm chí, có đại biểu quốc hội đề nghị không nên cho phép ngân hàng thương mại liên doanh, liên kết bán bảo hiểm đối với công ty bảo hiểm.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng bảo hiểm bán qua ngân hàng rất phổ biến trên thế giới. Đây cũng là hình thức mang lại lợi ích cho cả ngân hàng, bảo hiểm lẫn khách hàng.
Tuy nhiên, ở Việt Nam thời gian qua, bancassurance gặp nhiều điều tiếng và gây bức xúc cho người dân, chủ yếu xuất phát từ việc ngân hàng "ép" người vay vốn phải mua bảo hiểm.
Ông Thịnh nêu rằng tình trạng này xuất phát từ việc ngân hàng vẫn có vị thế cao hơn người vay. Đặc biệt ở năm 2022, nhu cầu vay vốn của người dân cao nên phát sinh việc "ép" mua bảo hiểm mới được giải ngân.
Cũng nói với phóng viên, bà Hồ Thị Ngọc Như, Trưởng ban Hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM) cho rằng hiện nay chưa có giải pháp đủ mạnh để chấm dứt những vi phạm nhức nhối trên thị trường bảo hiểm.
“Tình trạng ép mua, mập mờ trong tư vấn bảo hiểm qua kênh ngân hàng, đặc biệt là bảo hiểm liên kết đầu tư diễn ra trên diện rộng với các chiêu thức tương tự nhau khiến dư luận rất bức xúc”, bà Như nói.
Nêu vấn đề này tại kỳ họp bất thường Quốc hội đang diễn ra, ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho biết tại hai kỳ họp trước đã phát biểu về việc ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ, cơ quan soạn thảo tiếp thu một phần nhưng vẫn còn băn khoăn.
Ông Thịnh cho biết mức chiết khấu tối đa cho đại lý bảo hiểm nhân thọ với 2 loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phổ biến là bảo hiểm nhân thọ tử kỳ và bảo hiểm hỗn hợp là 4% cho phí bảo hiểm năm đầu.
Theo ông Thịnh, tại các ngân hàng thương mại có liên kết lại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ có hiện tượng gợi ý ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng 1 năm bằng từ 2% đến 4% giá trị khoản vay. Nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu số hợp đồng bảo hiểm và chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.
"Theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%. Mà hủy năm đầu thì khách hàng mất không số phí đã nộp", ông Thịnh chỉ ra.
Đại biểu Thịnh nói rằng nhiều ngân hàng còn gợi ý khách hàng vay vốn nộp phí 2 năm đầu thì số tiền khách hàng vay vốn phải bỏ thêm còn lên đến 4 - 8% giá trị khoản vay. Lãi suất thực của vốn đưa ra nền kinh tế do phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ có thể tăng lên đến 50 - 100% trong 2 năm đầu so với lãi suất trên hợp đồng tín dụng.
Theo đại biểu Thịnh, chi phí trả trước của năm đầu tiên cho hợp đồng hợp tác độc quyền mà công ty bảo hiểm trả cho ngân hàng thương mại được công khai khi ký kết chiếm tỷ lệ lớn trong thu nhập trước thuế của ngân hàng thương mại. Giai đoạn từ 2018 đến 2022, thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm nhân thọ của các ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng thương mại.
Đề xuất không cho ngân hàng liên kết bán bảo hiểm
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng không nên cho phép ngân hàng thương mại liên doanh, liên kết bán bảo hiểm đối với công ty bảo hiểm. Thực tế đã có nhiều hệ lụy đã xảy ra và tồn tại dai dẳng đến nay chưa thể giải quyết.
Đại biểu Hòa đặt vấn đề khi ngân hàng liên kết với công ty bảo hiểm thì ngân hàng được chi hoa hồng rất cao, mà phần hoa hồng cao như vậy thực tế do công ty bảo hiểm thu tiền của khách hàng.
Mặt khác, theo ông Hòa, ngân hàng khi đã liên kết với công ty bảo hiểm thường sẽ buộc nhân viên ngân hàng vận động khách hàng vay tiền hay gửi tiền mua bảo hiểm. Khi không đạt chỉ tiêu thì chính nhân viên ngân hàng cũng bị làm khó.
Trong khi đó, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng để bảo vệ tốt quyền lợi của khách hàng, cần nghiên cứu luật hóa để có chế tài ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Ví dụ, xử lý các hành vi tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay khi có nhu cầu vay vốn của ngân hàng như các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu trong thời gian vừa qua.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng dự thảo Luật Tổ chức tín dụng chưa đảm bảo chấm dứt tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm, hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Đại biểu Thịnh đề nghị cần giao Chính phủ ban hành văn bản quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần kiểm soát hoạt động cho vay tại tất cả ngân hàng. Những hồ sơ đáp ứng đủ các điều kiện ràng buộc về mặt tín dụng, phải cho người dân, doanh nghiệp vay một cách đơn giản, thuận tiện.
"Khi cửa vay vốn rộng mở cho người đủ điều kiện, cửa ép mua bảo hiểm nhân thọ để được giải ngân khoản vay sẽ bị hẹp lại", ông Thịnh nói.