Vẫn 'nóng' tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) tại Bắc Giang những năm gần đây từng bước được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao hơn bình quân toàn quốc.

Ảnh hưởng đến chất lượng dân số

Tỷ số GTKS phản ánh sự cân bằng về giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Tỷ số này ở mức sinh học thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái. Những năm gần đây, Việt Nam là một trong 3 quốc gia mất cân bằng GTKS cao nhất trong khu vực châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tại Bắc Giang, chênh lệch giới tính bắt đầu diễn ra từ năm 2004 với 110 trẻ trai/100 trẻ gái, sau đó liên tục tăng cao.

Mất cân bằng GTKS sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Ảnh: Cô và trò cơ sở mầm non tư thục An Khánh, thị trấn Bích Động (Việt Yên). Mai Toan.

Mất cân bằng GTKS sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Ảnh: Cô và trò cơ sở mầm non tư thục An Khánh, thị trấn Bích Động (Việt Yên). Mai Toan.

Năm 2019, tỷ số này của tỉnh báo động khi ở mức cao nhất cả nước với 126,3 bé trai/100 bé gái, đe dọa nghiêm trọng đến chất lượng dân số. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiều biện pháp đã được triển khai, từng bước khống chế tốc độ gia tăng và kiểm soát tỷ số GTKS. Đến năm 2022, tỷ số GTKS của tỉnh giảm còn 116 bé trai/100 bé gái song vẫn ở mức rất cao, cao hơn bình quân chung cả nước. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, trong đó các huyện Yên Dũng, Yên Thế, Lục Ngạn, Lục Nam có mức độ chênh lệch GTKS cao hơn bình quân toàn tỉnh (hơn 120 bé trai/100 bé gái).

Nguyên nhân là do chính sách an sinh xã hội chưa bảo đảm, chất lượng đời sống của người cao tuổi, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi còn khó khăn; phần lớn không có lương hưu, sống phụ thuộc vào con cháu. Tư tưởng “trẻ cậy cha, già cậy con”, “dưỡng tử phòng lão” tồn tại nặng nề, nhiều người mong muốn sinh con trai để nương tựa lúc về già. Một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn nặng tâm lý “trọng nam”, muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Ý thức chấp hành quy định pháp luật về dân số chưa nghiêm, nhiều người lạm dụng khoa học công nghệ để thực hiện hành vi lựa chọn giới tính ngay từ trước giai đoạn mang thai.

Dự báo Việt Nam sẽ thừa khoảng 1,5 triệu nam giới từ 15-49 tuổi vào năm 2034. Tình trạng này kéo dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng làm tăng áp lực trong hôn nhân như kết hôn sớm hoặc muộn, kết hôn có yếu tố nước ngoài ra tăng; gia tăng tệ nạn xã hội (buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, mại dâm, bạo lực gia đình).

Mất cân bằng GTKS gây ra nhiều hệ lụy nặng nề đối với đời sống xã hội, sức khỏe của phụ nữ, trẻ em. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dự báo Việt Nam sẽ thừa khoảng 1,5 triệu nam giới từ 15-49 tuổi vào năm 2034. Tình trạng này kéo dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng gây áp lực trong hôn nhân như tình trạng kết hôn sớm hoặc muộn, kết hôn có yếu tố nước ngoài; gia tăng tệ nạn xã hội (buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, mại dâm, bạo lực gia đình).

Nghiêm trọng hơn, nhiều phụ nữ bị ép buộc sinh thêm con hoặc phá thai, bất chấp sức khỏe và tính mạng hoặc bị lạm dụng, ngược đãi, phụ tình, ruồng bỏ khi không sinh được con trai. Về lâu dài, sức khỏe của bà mẹ và trẻ em bị ảnh hưởng do mang thai hoặc nạo phá thai nhiều lần, tỷ lệ chết ở trẻ sơ sinh gia tăng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu tình trạng mất cân bằng GTKS không có giải pháp can thiệp hiệu quả ngay hôm nay sẽ tác động tiêu cực đến chất lượng dân số mai sau và để lại nhiều hệ lụy nặng nề và lâu dài cho xã hội.

Cần quyết liệt hành động

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch kiểm soát tình trạng mất cân bằng GTKS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Tỉnh xác định mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng tỷ số GTKS, phấn đấu giảm dần hằng năm và đạt mức cân bằng tự nhiên. Tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá mức 115 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2025 và 111 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2030.

Ra mắt Câu lạc bộ Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại Cụm công nghiệp Xương Giang (TP Bắc Giang).

Ra mắt Câu lạc bộ Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại Cụm công nghiệp Xương Giang (TP Bắc Giang).

Cụ thể hóa Kế hoạch, cuối năm 2022, Sở Y tế phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội; Sở Thông tin và Truyền thông ký chương trình "Hợp tác liên ngành về phòng ngừa và ứng phó với lựa chọn GTKS trên cơ sở định kiến về giới". Theo đó, các sở, ngành tích cực lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tuyên truyền chính sách dân số lồng ghép trong triển khai phong trào thi đua toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tuyên truyền về bình đẳng giới, tăng cường thực thi pháp luật về dân số.

Sau hơn nửa năm phối hợp thực hiện, công tác truyền thông, tư vấn được chú trọng; hướng đến các nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức sinh con một bề là gái, người có uy tín trong dòng họ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Tại khu dân cư, các tổ chức chính trị xã hội thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới trong các buổi sinh hoạt. Nhấn mạnh về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của mất cân bằng GTKS và bình đẳng giới đối với đời sống xã hội.

Thời gian qua tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm chính dân số có một phần do người dân lợi dụng kẽ hở trong quy định để lách luật, việc xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, thiếu triệt để. Năm 2022, toàn tỉnh có hơn 4,5 nghìn cặp vợ chồng sinh con thứ ba, trong đó có 319 cán bộ, đảng viên. Tỷ lệ trẻ sinh ra là bé trai chiếm 67%. Khắc phục vấn đền này, Chi Cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chính sách dân số.

Cùng đó, các cấp, ngành, địa phương quan tâm triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em. Thường xuyên động viên khích lệ, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái trong học tập, chăm sóc sức khỏe sinh sản; khuyến khích phụ nữ tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với trách nhiệm của ngành y tế, các địa phương cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm của người đứng đầu các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội, cơ quan thông tin tuyên truyền và đội ngũ cán bộ làm công tác cung cấp dịch vụ y tế. Cùng đó là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm chính sách dân số, đặc biệt là những hành vi can thiệp lựa chọn GTKS .

Lê Tố Quyên, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/408094/van-nong-tinh-trang-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh.html