Văn phòng Chính phủ chuyển UBND tỉnh Hưng Yên giải quyết đơn thư liên quan mỏ cát của Công ty Quảng Bình
Liên quan đơn thư của đại diện Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Quảng Bình (Công ty Quảng Bình) về Dự án khai thác mỏ cát lòng sông Hồng tại xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu, Văn phòng Chính phủ đã có công văn chuyển về UBND tỉnh Hưng Yên xem xét giải quyết.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn về việc chuyển đơn của công dân gửi đến UBND tỉnh Hưng Yên.
Công văn cho biết, Văn phòng Chính phủ nhận được đơn thư của một số công dân gửi Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ nhận thấy có 9 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh Hưng Yên. Vì vậy, thực hiện quy chế lạm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ chuyển số đơn thư trên đến UBND tỉnh Hưng Yên để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong số các đơn thư được Văn phòng Chính phủ chuyển đến UBND tỉnh Hưng Yên có đơn của ông Ninh Văn Việt, đạidiện ty Quảng Bình về Dự án khai thác mỏ cát lòng sông Hồng tại xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu.
Như Báo Đại biểu Nhân dân đã thông tin trong nhiều kỳ báo, các nhà đầu tư, thành viên góp vốn của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Quảng Bình có đơn thư gửi đến nhiều cơ quan Trung ương và tỉnh Hưng Yên cho biết: “Trong suốt quá trình 12 năm qua, mặc dù chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tiền của và công sức để Công ty Quảng Bình thực hiện đầy đủ các thủ tục và có đầy đủ các giấy phép, chấp thuận cần thiết theo quy định của pháp luật trong việc khai thác mỏ cát Đông Ninh, tuy nhiên thực tế Công ty Quảng Bình vẫn chưa thể khai thác chính thức tại mỏ cát này”.
Ngày 27.10.2022, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 2450-UBND hủy bỏ quyết định số 1964/QĐ-UBND ngày 18.10.2013 của UBND tỉnh Hưng Yên về khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
“Như vậy bao nhiêu công sức, tiền bạc của Công ty Quảng Bình hơn 12 năm qua đã bị uổng phí, Công ty đã nộp đủ các khoản thuế, thực hiện đủ các yêu cầu của chính quyền tỉnh Hưng Yên để được cấp Giấy phép khai thác nhưng Quyết định 2450/QĐ-UBND đã đẩy Công ty vào nguy cơ phá sản, chúng tôi có nguy cơ mất trắng toàn bộ số vốn đã đầu tư vào Công ty Quảng Bình suốt thời gian qua”, các nhà đầu tư, thành viên góp vốn của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Quảng Bình bày tỏ lo lắng.
Ngày 12.7, Sở TN&MT Hưng Yên có công văn số 1537/STNMT-TNN do ông Nguyễn Đức Kiền, Phó giám đốc ký trả lời các thành viên góp vốn Công ty TNHH DV&TM Quảng Bình, cho biết không gia hạn cấp giấy phép khai thác mỏ cát tại xã Đông Ninh.
Doanh nghiệp kêu cứu, đưa ra nhiều căn cứ phản bác
Ngày 17.7, Công ty Quảng Bình đã lập tức có văn bản gửi Ban Dân nguyện Quốc hội, Bí thư tỉnh ủy Hưng Yên, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đưa ra nhiều căn cứ phản bác quyết định trên.
Công văn nêu: Ngày 12.7.2023, Sở TN&MT Hưng Yên đã có văn bản số 1537/STNMT-TNN (Văn bản 1537) trả lời đơn của ông Ninh Văn Việt và các thành viên góp vốn Công ty Dịch vụ và Thương mại Quảng Bình. Công ty Quảng Bình không đồng ý với Văn bản số 1537 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên như sau:
Việc bàn giao mốc giới khu vực khai thác: Văn bản 1537 có nêu “mặc dù đã tích cực tuyên truyền chủ trương của tỉnh, vận động nhân dân ủng hộ dự án, tuy nhiên vẫn không được nhân dân ủng hộ. Việc chưa bàn giao mốc giới là do tình hình an ninh, trật tự và có sự thống nhất, nhất trí của Công ty Quảng Bình tại Biên bản họp ngày 18.5.2019 và ngày 19.4.2019. "
Theo hồ sơ và quy trình cấp giấy phép quy định trong Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản khác liên quan, không có quy định nào yêu cầu cá nhân/tổ chức thực hiện dự án phải được cư dân sinh sống tại nơi khai thác đồng ý, chấp thuận. Tuy nhiên, để dự án được cấp phép và triển khai một cách thuận lợi nhất có thể, Công ty Quảng Bình đã chấp thuận yêu cầu của chính quyền để làm việc với người dân tại xã Đông Ninh, nơi thực hiện dự án khai thác khoáng sản và được đông đảo người dân đồng ý, chấp thuận.
Mặc dù đã có những biên bản làm việc thể hiện Công ty Quảng Bình thống nhất chưa bàn giao mốc giới từ năm 2019 nhưng sau khi làm việc với người dân và được đông đảo người dân và chính quyền xã Đông Ninh ủng hộ, năm 2022 Công ty Quảng Bình đã nhiều lần gửi cho Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đề nghị bàn giao mốc giới. Tuy nhiên, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên lại có lý do như đã nêu tại Văn bản 1537 là “vẫn còn có ý kiến chưa đồng thuận, nếu tiền hành bàn giao mốc giới sẽ không đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn và đề nghị tiếp tục vận động nhân dân, khi có sự đồng thuận mới tiến hành bàn giao mốc giới.”
Như vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên không những yêu cầu nhà đầu tư vận động người dân trên địa bàn thực hiện dự án đồng thuận cho thực hiện dự án đã được cấp phép đúng thủ tục mà còn yêu cầu nhà đầu tư đạt chấp thuận 100%, không có ý kiến chưa đồng thuận.
“Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên cung cấp cho Công ty Quảng Bình căn cứ pháp lý của yêu cầu Công ty Quảng Bình phải có sự đồng thuận 100% của người dân xã Đông Ninh thì mới được bàn giao mốc giới thực hiện dự án khai thác cát tại xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Trường hợp không đưa ra được căn cứ pháp lý cho yêu cầu trên thì những việc làm, những yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đang đề ra với Công ty Quảng Bình là hoàn toàn trái pháp luật”, Công văn của doanh nghiệp đề nghị.
Theo công văn, việc không tiếp tục gia hạn giấy phép: Thời điểm ban hành Quyết định số 1964/QĐ-UBND về việc phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh ("Quyết định số 1964") là ngày 18.10.2013, tức là UBND tỉnh Hưng Yên đã căn cứ vào các tiêu chí quy định tại Điều 12 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP để khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Ngày 27.10.2022 UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 2450/QĐ-UBND hủy bỏ Quyết định số 1964/QĐ-UBND ngày 18.10.2013 của UBND tỉnh Hưng Yên về khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh (“Quyết định số 2430”) cần căn cứ theo các tiêu chỉ quy định tại Điều 22 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29.11.2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.
Theo đó, tại điểm g) khoản 1 Điều 22 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP quy định: “Điều 22. Khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản
1. Khu vực có khoảng sản được khoanh định là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật khoáng sản khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:
g) Khu vực hoạt động khoáng sản đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm
quyền cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản.”
Theo nội dung quy định nêu trên, khu vực hoạt động khoáng sản đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản thì phải được xếp vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoảng sản.
“Tuy nhiên, UBND tỉnh Hưng Yên lại bỏ qua tiêu chí nêu trên khi xem xét điều chỉnh khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thành khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản, không gia hạn giấy phép khai thác, đồng thời cũng không rà soát, xem xét quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan là đang trái với quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020, trường hợp nhà đầu tư đã có quyết định cho thuê đất nhưng chậm được bàn giao đất thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được tính từ ngày bàn giao đất trên thực địa”, Công văn của Công ty Quảng Bình bày tỏ.
Công văn cho rằng: “Như vậy, căn cứ theo các quy định trên, Công ty Quảng Bình chưa được bàn giao đất trên thực địa thì chưa bắt đầu tính thời hạn hoạt động của dự án, nghĩa là dự án khai thác cát của Công ty Quảng Bình đã được cấp vẫn còn thời hạn thực hiện.
Tuy nhiên trên giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn nên không thực hiện được các thủ tục đầu tư. Chính vì vậy, ngày 01.12.2022. Công ty Quảng Bình có đơn và hồ sơ xin Gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản không chấp thuận gia hạn với lý do đã có Quyết định số 2450 hủy bỏ Quyết định số 1964 đưa mỏ cát xin gia hạn ra khỏi khu vực không đấu giá quyền khai khác khoáng sản.
Một dự án đang còn thời hạn thực hiện mà các cơ quan nhà nước lại điều chỉnh khu vực thực hiện dự án từ không thuộc khoanh định khu vực không đấu giá ra khỏi khu vực không đấu giá, không xem xét các dự án đang còn thời hạn thực hiện tại thời điểm ra quyết định. Điều này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến việc Công ty Quảng Bình tiếp tục thực hiện dự án đang còn thời hạn theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế, từ trước đến nay Công ty Quảng Bình dù đã thực hiện rất nhiều thủ tục theo yêu cầu của chính quyền nhưng chưa được khai thác cát hoàn toàn không phải do lỗi của Công ty. Vậy mà đến thời điểm này, vì Quyết định số 2450 mà Công ty Quảng Bình đang không được tiếp tục thực hiện dự án đã bỏ công sức trong suốt 13 năm qua, không được đảm bảo quyền lợi theo đúng quy định của pháp luật.
Vì vậy, để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư chúng tôi, tạo sự ổn định và hấp dẫn cho môi trường đầu tư tại tỉnh Hưng Yên, một lần nữa Công ty Quảng Bình đề nghị các Quý Cơ quan xem xét, có ý kiến, đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên hủy bỏ Quyết định số 2450/QĐ-UBND ngày 27.10.2022 hoặc loại trừ khu vực mỏ cát Đông Ninh do Công ty Quảng Bình đang thực hiện các thủ tục đầu tư ra khỏi phạm vi áp dụng của Quyết định này”.
Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát và thông tin kết quả giải quyết vụ việc nói trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.