Vân Phong chuyển mình
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII), đến nay, Khu Kinh tế Vân Phong đã có những bước chuyển mình đáng khích lệ. Tuy chưa phát huy hết tiềm năng, nhưng đây chính là đòn bẩy để Vân Phong có những bước tiến nhanh hơn trong tương lai.
L.T.S:Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 14-10-2020 tại TP. Nha Trang. Đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Đại hội sẽ tổng kết, đánh giá chặng đường phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua (2015 - 2020), đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển 5 năm tới (2020 - 2025). Kể từ ngày 1-10 , Khánh Hòa Online sẽ đăng tải các bài viết, đánh giá những thành tựu nổi bật trong thực hiện các nghị quyết về kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVII đã đề ra; tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hướng về đại hội.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (khóa XVII), đến nay, Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong đã có những bước chuyển mình đáng khích lệ. Tuy chưa phát huy hết tiềm năng, nhưng đây chính là đòn bẩy để Vân Phong có những bước tiến nhanh hơn trong tương lai.
Thu hút nhiều dự án công nghiệp lớn
Đến nay, việc phát triển KKT Vân Phong đã có những chuyển biến tích cực. Khu vực nam Vân Phong đã phát triển rõ nét theo định hướng trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển như mục tiêu nghị quyết đề ra. Đến hết tháng 7-2020, khu vực này thu hút được 94 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 78.680,7 tỷ đồng (3,57 tỷ USD), vốn thực hiện khoảng 23.753,8 tỷ đồng (1,08 tỷ USD). Các dự án quy mô lớn đang triển khai xây dựng gồm: Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (2,58 tỷ USD), Khu Công nghiệp Ninh Thủy (294 tỷ đồng), Cảng tổng hợp Nam Vân Phong (984 tỷ đồng) và một số dự án lớn đã hoạt động như: Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (125 triệu USD), Nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam (350 triệu USD)...
Đối với khu vực bắc Vân Phong, mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng khu vực này trở thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, là trung tâm dịch vụ - du lịch lớn. Tuy nhiên, do dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chưa được Quốc hội thông qua, Chính phủ vẫn chưa có chỉ đạo cụ thể nên phải tạm dừng triển khai chờ chủ trương, hướng dẫn từ cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến tình trạng bị động trong việc xây dựng định hướng phát triển cho KKT Vân Phong và triển khai các nhiệm vụ đầu tư trong thời gian dài. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý tạm dừng chủ trương lập quy hoạch tổng thể phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong cho đến khi Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Tính chung trong giai đoạn 2016 - 2020, KKT Vân Phong thu hút mới được 41 dự án (33 dự án trong nước và 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài), điều chỉnh tăng vốn cho 14 dự án (10 dự án trong nước và 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký 64.167 tỷ đồng, vốn giải ngân đạt 16.464 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút tất cả 158 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 1,15 tỷ USD. Trong giai đoạn này, KKT đóng góp vào nguồn thu ngân sách đạt khoảng 20.950 tỷ đồng, chiếm khoảng 26,6% tổng thu của tỉnh; giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 32,85% của tỉnh; giải quyết việc làm cho 6.251 lao động.
Tiềm năng còn khá lớn
Bên cạnh những điểm sáng trong thu hút đầu tư, việc phát triển KKT Vân Phong về cơ bản vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ. Tiến độ triển khai một số dự án có quy mô lớn, có tính động lực còn chậm; thời gian triển khai các dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, KCN Ninh Thủy, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong, Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong… còn chậm, thậm chí có dự án phải dừng thực hiện do không có khả năng triển khai như Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong… Chính những điều này đã tác động không nhỏ đến môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến động lực phát triển của KKT Vân Phong.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, quy hoạch của KKT Vân Phong hiện nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng phát triển, nhiều khu vực tiềm năng chưa có quy hoạch xây dựng. Công tác tổ chức lập quy hoạch xây dựng các phân khu chức năng trong KKT để thu hút các dự án đầu tư động lực, có quy mô lớn gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn ngân sách, nên triển khai chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư. Các quy hoạch chuyên ngành triển khai trong KKT như: Quy hoạch đất đai, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch rừng… trong nhiều trường hợp thiếu sự đồng bộ, thống nhất với quy hoạch chung xây dựng của KKT Vân Phong đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gây khó khăn cho việc thẩm định, xem xét dự án đầu tư vào KKT. Ngoài ra, công tác quản lý đất đai tại các khu chức năng được quy hoạch xây dựng trong KKT cũng như tình trạng xây dựng tự phát diễn biến khá phức tạp, gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư các dự án về sau.
Ông Hoàng Đình Phi - Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong đánh giá, tuy còn một số chỉ tiêu chưa đạt theo kế hoạch Nghị quyết 08, song tính một cách tổng quan thì sự phát triển của KKT vẫn đang đi đúng hướng nghị quyết đề ra. Để có thể phát huy hết các lợi thế và tiềm năng tại khu vực vịnh Vân Phong, đồng thời giúp KKT Vân Phong thực sự phát huy vai trò vùng động lực phát triển, thời gian tới, Ban Quản lý KKT Vân Phong sẽ có những giải pháp cụ thể. Trong đó, đẩy mạnh tiếp cận, tìm kiếm các nhà tư vấn có năng lực và kinh nghiệm để tư vấn lập quy hoạch phát triển KKT Vân Phong; tập trung công tác thông tin, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, chiến lược phát triển của KKT Vân Phong đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế để có thể tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng cùng tham gia đầu tư nhằm tạo nên những thay đổi căn bản cho khu vực này.
Đình Lâm