Văn phòng công chứng: Có nên giữ nguyên mô hình công ty hợp danh?

2 phương án cho mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng (VPCC) đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến trong quá trình sửa đổi Luật Công chứng. Tuy nhiên, mỗi phương án đều có những ưu, nhược điểm riêng.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục công chứng, ảnh VPCC Văn Thị Mỹ Đức

Hướng dẫn người dân làm thủ tục công chứng, ảnh VPCC Văn Thị Mỹ Đức

Theo quy định của Luật Công chứng năm 2006, VPCC có thể hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh. Thực hiện quy định này, theo Bộ Tư pháp sau 08 năm thi hành Luật Công chứng năm 2006, trong tổng số hơn 600 VPCC được thành lập thì đa số hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, vì chủ doanh nghiệp tư nhân – Công chứng viên (CCV) duy nhất của VPCC có quyền tự quyết đối với hoạt động của VPCC. Tuy nhiên, do sự thiếu ổn định của VPCC khi CCV duy nhất chết, vì lý do sức khỏe hoặc lý do cá nhân không thể hành nghề công chứng, Luật Công chứng năm 2014 đã quy định VPCC chỉ hoạt động theo 01 mô hình là công ty hợp danh. Thực hiện quy định này, các VPCC được thành lập mới theo Luật Công chứng năm 2014 đều hoạt động theo loại hình công ty hợp danh; những VPCC theo loại hình doanh nghiệp tư nhân trước đây cũng phải thực hiện chuyển đổi thành công ty hợp danh, nếu không chuyển đổi được thì phải chấm dứt hoạt động.

Bộ Tư pháp cho biết, sau hơn 7 năm thực hiện Luật Công chứng năm 2014, bên cạnh những kết quả đạt được trong việc phát triển các VPCC quy mô lớn, thì việc VPCC chỉ được hoạt động theo loại hình công ty hợp danh cũng bộc lộ những điểm bất cập, hạn chế. Cụ thể, tại nhiều địa bàn do điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển thì số lượng và giá trị của các hợp đồng, giao dịch cũng hạn chế, nếu theo nhu cầu thực tế thì một VPCC chỉ cần 01 CCV nhưng vì quy định của Luật nên buộc phải có thêm 01 CCV hợp danh, dẫn đến tình trạng “hợp danh ảo”, chỉ ghi danh cho đủ số lượng nhưng không thực tế hành nghề.

Mặt khác, tình trạng hợp danh khiên cưỡng cũng là nguyên nhân của nhiều tranh chấp giữa các CCV hợp danh, việc thường xuyên chấm dứt tư cách thành viên hợp danh tại VPCC này để gia nhập VPCC khác… Trong khi đó, loại hình doanh nghiệp tư nhân cũng có cơ chế chịu trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân giống như công ty hợp danh. Đồng thời, việc cho phép có thêm loại hình doanh nghiệp tư nhân sẽ phù hợp với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, lượng việc công chứng chưa nhiều, VPCC chỉ cần 01 CCV cũng có thể đáp ứng. Ngoài ra, quy định này sẽ góp phần hạn chế tình trạng tranh chấp nội bộ giữa các thành viên hợp danh và tình trạng phải “mượn danh” đang xảy ra như hiện nay, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ với các nghề bổ trợ tư pháp khác như luật sư, đấu giá tài sản.

Bộ Tư pháp thấy rằng việc cho phép CCV lựa chọn mô hình tổ chức hoạt động của VPCC theo loại hình công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân một mặt tạo sự chủ động cho CCV trong việc chọn mô hình tổ chức phù hợp với điều kiện thực tế, mặt khác vẫn bảo đảm VPCC hoạt động theo loại hình công ty đối nhân, CCV chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với văn bản công chứng mà mình thực hiện.

Từ những lý do trên, Bộ Tư pháp đề xuất 02 phương án như trong dự thảo Luật để xin thêm ý kiến. Cụ thể, Phương án 1 là giữ nguyên 01 mô hình VPCC theo loại hình công ty hợp danh; Phương án 2 cho phép CCV lựa chọn thành lập VPCC theo loại hình công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân. Phương án 1 có ưu điểm là bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Công chứng hiện hành, không tạo sự biến động về tổ chức đối với các VPCC, tuy nhiên không giải quyết được khó khăn, vướng mắc do tình trạng hợp danh ảo, thường xuyên thay đổi thành viên hợp danh giữa các VPCC. Đối với phương án 2, ưu điểm là CCV có thể lựa chọn mô hình tổ chức VPCC phù hợp với lượng việc công chứng tại địa bàn, tuy nhiên sẽ cần có thời gian để ổn định lại tổ chức của nhiều VPCC do được phép chuyển đổi giữa loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân

Tương tự như quy định về mô hình tổ chức, quy định về tên gọi của VPCC cũng có sự thay đổi giữa Luật Công chứng năm 2006 và Luật Công chứng năm 2014. Cụ thể là theo Luật Công chứng năm 2006 thì tên gọi của VPCC do công chứng viên lựa chọn; Luật Công chứng năm 2014 quy định tên VPCC được đặt theo họ tên của một trong số các CCV hợp danh và không được trùng với tên VPCC đã có.

Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014, có nhiều ý kiến cho rằng quy định hiện hành về tên gọi của VPCC đã bộc lộ nhiều điểm vướng mắc, bất cập trong trường hợp tên của 02 CCV hợp danh tại một VPCC dự kiến thành lập lại trùng với tên của CCV hợp danh tại VPCC khác đã được lấy làm tên gọi của VPCC đó thì VPCC sắp được thành lập sẽ không thể có tên gọi theo quy định. Mặt khác, việc đặt tên VPCC theo tên CCV hợp danh dẫn đến VPCC thường xuyên phải thay đổi tên gọi khi CCV không còn hành nghề tại tổ chức đó gây tốn kém về thời gian, chi phí cho thủ tục thay đổi tên gọi, gây nhầm lẫn cho người yêu cầu công chứng về VPCC, VPCC không giữ được thương hiệu gây dựng lâu năm… Do đó, có nhiều ý kiến đề xuất cho phép đặt tên VPCC theo thỏa thuận giữa các thành viên hợp danh, bảo đảm không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mĩ tục của dân tộc.

Bình An

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/van-phong-cong-chung-co-nen-giu-nguyen-mo-hinh-cong-ty-hop-danh-post483727.html