Vạn Phúc: Ngời sáng làng cách mạng ven đô
Nằm bên dòng sông Nhuệ hiền hòa, phường Vạn Phúc (Hà Đông) không những nổi tiếng với nghề dệt lụa cổ truyền mà còn là địa chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam. Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng và hôm nay, làng cách mạng đang vững bước trong tiến trình phát triển với vai trò một điểm du lịch hấp dẫn của Hà Nội. Cảnh vật tươi sắc với nhiều đổi thay nhưng niềm tự hào về ngôi làng cách mạng ven đô trong lòng người dân nơi đây vẫn còn nguyên vẹn.
Làng Vạn Phúc bây giờ đã trở thành phường, nhưng khung cảnh của làng quê cách mạng năm xưa vẫn vẹn nguyên với cây đa, mái đình, với những con người cần cù, hồn hậu. Ông Nguyễn Tất Thanh, Thủ từ đền thờ Bác Hồ tại làng lụa Vạn Phúc kể cho chúng tôi nghe về truyền thống cách mạng của nhân dân làng Vạn Phúc khi xưa. ngôi làng có vị trí địa lý thuận lợi, người dân giàu lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết luôn tin tưởng, gắn bó với cách mạng.
Đặc biệt làng có nghề dệt lụa phát triển, từ xưa làng có nhiều thợ dệt từ các nơi đến làm thuê, khách đến mua hàng nên khi cán bộ cách mạng về hoạt động gặp nhiều thuận lợi hơn... cũng chính từ lẽ đó mà Vạn Phúc được chọn là An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ. Nơi đây đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông, Hà Nội và cả Bắc kỳ.
Khi xưa, nhiều gia đình trong làng từng là nơi ở và làm việc của cán bộ cách mạng. Tiêu biểu như nhà cụ Nguyễn Văn Chắt từng là nơi ở và làm việc của đồng chí Trường Chinh khi đồng chí về công tác tại Vạn Phúc vào tháng 7-1940, cũng là nơi nuôi dưỡng và bảo vệ an toàn cho đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Lê Liên…
Gia đình cụ Nguyễn Quang Oánh không chỉ là nơi sinh hoạt của đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào mùa thu năm 1939, trước khi đồng chí vào Nam dự Hội nghị Trung Ương lần thứ 6 mà còn là điểm Xứ ủy Bắc kỳ mở hội nghị cán bộ, do đồng chí Hoàng Văn Thụ chủ trì. Nhà cụ Ba Niệm là nơi nuôi giấu và bảo vệ an toàn cho đồng chí cán bộ cách mạng Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn… và là nơi đặt trụ sở in báo Cứu quốc do đồng chí Nguyễn Xuân Thủy phụ trách…
Đặc biệt, Vạn Phúc còn vinh dự được đón Bác Hồ về ở và làm việc cuối năm 1946 tại nhà cụ Nguyễn Văn Dương. Tại đây, Bác Hồ đã viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” hiệu triệu toàn dân tộc đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp.
Cho tới ngày nay, căn nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Dương vẫn được gìn giữ, những vật dụng Bác dùng năm xưa như chiếc giường, bàn làm việc, bàn tiếp khách, đôi tạ tay... đã trở thành những kỷ vật được lưu giữ cẩn thận.
Ghé thăm căn nhà, bước qua cánh cổng, đi vào sân là một cảm giác yên bình, lòng rất đỗi nhẹ nhõm, những nhành dâm bụt đang đâm chồi, nở hoa, những gốc hồng vừa được cắt tỉa để chuẩn bị bung những cánh hoa mới. Sau chiếc cổng là lối sâu lát gạch rêu phong như đưa chúng tôi trở về những tháng năm xưa.
Ngôi nhà gồm hai tầng, khi xưa, tầng hai được gia đình ông Dương dành cho Bác ở và làm việc từ ngày 3 đến 19 tháng 12/1946. Trải qua hơn 70 năm, ngôi nhà hiện giờ đã được sửa sang lại đôi chút nhưng vẫn không làm phai mất nét xưa, vẫn còn đây những kỷ vật thân thương về Người.
Với những địa chỉ đỏ cách mạng, ngày nay, trong thời bình nhằm ghi nhớ những giá trị mà cha ông đã để lại, đặc biệt nơi đây có nghề dệt lụa truyền thống, đó là thế mạnh riêng để Vạn Phúc có thể vững bước phát triển cùng Thủ đô và đất nước. Hiện nay, Vạn Phúc đang hình thành các tuyến phố đặc trưng như: phố lụa, phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh - đồ xưa... tạo nên một điểm du lịch làng nghề hấp dẫn. Từ làng An toàn khu năm xưa, nay đã trở thành điểm du lịch có sức hút với du khách trong và ngoài nước. Mỗi năm, Vạn Phúc thu hút hàng vạn lượt khách đến tham quan, mua sắm…
"Đó là niềm tự hào của người dân Vạn Phúc chúng tôi, mỗi người dân nơi đây đều ý thức rõ trách nhiệm phải gìn giữ, kế thừa truyền thống của làng và đưa Vạn Phúc trở thành phường phát triển vững mạnh trong tiến trình hội nhập", ông Nguyễn Tất Thanh, Thủ từ đền thờ Bác Hồ tại làng lụa Vạn Phúc chia sẻ với lòng đầy tự hào.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/van-phuc-ngoi-sang-lang-cach-mang-ven-do-95875.html