Văn Quan: Chủ động phòng trừ nấm bệnh hại cây hôìTin khácDự án Khu đô thị mới Mai Pha: Lắng nghe để tạo đồng thuận (kỳ 3)Dự án Khu đô thị mới Mai Pha: Lắng nghe để tạo đồng thuận (kỳ 2)

Từ tháng 5/2022 đến nay, một số diện tích cây hồi trên địa bàn huyện Văn Quan có hiện tượng vàng lá, phần chóp và mép lá bị cháy khô do nấm gây hại. Để giảm thiểu thiệt hại do bệnh gây ra, các cơ quan chuyên môn của huyện và người dân đang tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ, tránh để lây lan ra diện rộng.

Ông Sầm Văn Từ, thôn Bản Dạ, xã Bình Phúc cho biết: Gia đình tôi có hơn 200 cây hồi đã cho thu hoạch năm thứ 5, từ đầu tháng 5/2022, hơn một nửa diện tích hồi của gia đình tôi có hiện tượng vàng lá, phần mép lá bị cháy khô. Ngay khi phát hiện tôi đã thông tin với cán bộ nông, lâm xã. Sau đó được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xuống hướng dẫn thực hiện một số biện pháp phòng trừ như: phun thuốc, phát quang rừng để phòng trừ nấm bệnh.

Người dân xã Bình Phúc kiểm tra nấm bệnh trên cây hồi

Người dân xã Bình Phúc kiểm tra nấm bệnh trên cây hồi

Không chỉ tại rừng hồi của ông Từ, hiện nay, hiện tượng nấm bệnh hại cây hồi xuất hiện trên một số diện tích hồi của xã. Ông Linh Văn Chuyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Phúc cho biết: Hiện toàn xã có gần 1.000 ha hồi, trong đó có khoảng 7 ha bị nhiễm nấm gây hại. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND xã đã thông tin đến phòng chuyên môn huyện và được cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng trừ. Cùng với đó, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ nông, lâm và các thôn tuyên truyền đến người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ.

Qua trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Văn Quan được biết, Bình Phúc là xã đầu tiên của huyện phát hiện hiện tượng nấm bệnh trên cây hồi. Ngay sau khi nhận được thông tin, trung tâm đã báo cáo Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đồng thời, cử cán bộ đến lấy mẫu và gửi giám định. Qua đó, xác định cây hồi có hiện tượng vàng lá, phần chóp và mép lá bị cháy khô nguyên nhân do nấm PestalotiaSP gây hại.

Hiện nay, huyện Văn Quan có khoảng 14.000 ha hồi. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, hiện nay, diện tích cây hồi bị nhiễm bệnh khoảng 1.200 ha. Tỷ lệ trung bình 10 – 20%, cao 40 – 50% lá. Trong đó, diện tích bị nhiễm nhiều nhất tại các xã: An Sơn, Khánh Khê, Bình Phúc, Yên Phúc, Liên Hội.

Trước tình hình đó, ngày 1/7/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản về việc tăng cường điều tra phát hiện và phòng, trừ bệnh cháy đầu lá trên cây hồi gửi UBND các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc thực hiện một số nội dung như: tăng cường bám sát cơ sở, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; mở rộng tuyến điều tra nắm bắt tình hình bệnh hại trên địa bàn; tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng chủ động phòng trừ bệnh; nghiên cứu xây dựng hướng dẫn phòng trừ bệnh cháy đầu lá trên cây hồi…

Tại huyện Văn Quan, để phòng trừ hiện tượng nấm gây hại, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên theo dõi, dự báo tình hình sâu bệnh. Đồng thời, có văn bản hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện phòng trừ; tham mưu UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn chăm sóc, phòng trừ nấm hại cây hồi.

Bà Dương Ái Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Đây là loại nấm bệnh lần đầu xuất hiện, do vậy chưa có nghiên cứu, quy trình phòng trừ cụ thể. Nấm lây lan nhanh, gây rụng lá, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây hồi, vì vậy, trung tâm tiếp tục cử cán bộ theo dõi chặt chẽ, dự báo kịp thời tình hình nấm bệnh gây hại cho người dân. Ngoài ra, tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ theo các loại nấm thông thường như: phát quang rừng hồi, sử dụng thuốc phun trừ nấm, thu gom lá bị bệnh để tiêu hủy, chăm sóc, bón phân cho cây… tránh để bệnh lây lan diện rộng. Đến nay, sau hơn 2 tháng thực hiện các biện pháp phòng trừ, một số diện tích rừng nhiễm bệnh tỷ lệ đã giảm.

Hiện nay, cây hồi đang trong giai đoạn chuẩn bị cho thu hoạch quả. Dự báo trong thời gian tới, điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh, gây hại, do đó, người dân cần chủ động theo dõi, thực hiện các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

KIM HUYÊN

NHÓM PV KINH TẾ

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/512879-van-quan-chu-dong-phong-tru-nam-benh-hai-cay-hoi.html