Văn Quán viết tiếp truyền thống cách mạng

Xã Văn Quán (Lập Thạch) là địa phương giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây đã từng diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu những mốc son lịch sử của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến của đất nước. Nối tiếp truyền thống cách mạng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Văn Quán luôn đoàn kết xây dựng quê hương vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Ngành nghề dịch vụ ở xã Văn Quán phát triển ổn định, giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Trường Khanh

Ngành nghề dịch vụ ở xã Văn Quán phát triển ổn định, giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Trường Khanh

Những trang sử vẻ vang

Theo lịch sử Đảng bộ xã Văn Quán, trước năm 1945, những thủ đoạn chiếm hữu ruộng đất, áp bức, bóc lột của bọn cường hào, ác bá đã khiến đời sống của nhân dân trong xã vô cùng cực khổ.

Trong bối cảnh ấy, ngày 13/5/1945, tổ chức Việt Minh của xã được thành lập đã thổi lên ngọn lửa cách mạng, tính tự tôn dân tộc, làm dấy lên khát vọng giành độc lập, tự do trong quần chúng nhân dân, chuẩn bị cho thời kỳ cách mạng mới.

Diện mạo xã Văn Quán ngày một khởi sắc với hạ tầng giao thông đồng bộ, kinh tế ngày một phát triển. Ảnh: Trường Khanh

Diện mạo xã Văn Quán ngày một khởi sắc với hạ tầng giao thông đồng bộ, kinh tế ngày một phát triển. Ảnh: Trường Khanh

Dưới sự chỉ đạo của cán bộ Việt Minh huyện Lập Thạch, hàng trăm quần chúng nhân dân yêu nước ở làng Bình Sơn, Lai Châu (Văn Quán) và các xã trong huyện đã vùng lên phá kho thóc của nhà giàu để chia cho dân nghèo.

Tháng 8/1945, thực hiện Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng, trước khí thế cách mạng sôi nổi của cả nước, tại đình Ngõa, làng Lai Châu, dưới sự chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh, quần chúng nhân dân trong huyện đã tổ chức cuộc mít tinh lớn, hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh đánh Nhật cứu nước”.

Khi thời cơ giành chính quyền đã đến, 8 giờ sáng 17/8/1945, Tổ chức Việt Minh và nhân dân trong xã mang theo cờ, biểu ngữ, cùng với nhân dân các xã trong huyện tấn công huyện lỵ Vọng Sơn (nay thuộc xã Triệu Đề) buộc bọn quan lại phải đầu hàng, giao toàn bộ tài liệu và 18 khẩu súng cho lực lượng khởi nghĩa. Ngày 18/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong huyện Lập Thạch kết thúc thắng lợi, lật đổ chính quyền thực dân phong kiến.

Từ đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, phong trào cách mạng đánh đuổi thù trong, giặc ngoài, cải tạo và xây dựng kinh tế - xã hội của Văn Quán nói chung, Lập Thạch nói riêng tiếp tục phát triển với khí thế sôi nổi, tạo đà cho công cuộc đổi mới không ngừng phát triển.

Tiếp nối truyền thống anh hùng

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Văn Quán đã nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Văn Quán Nguyễn Đình Hạng cho biết: Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhân dân xã Văn Quán từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho phù hợp với thời kỳ mới.

Trong nông nghiệp, xã đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thực hiện cơ giới hóa, áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung.

Hiện nay, xã đã quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa với diện tích gần 100 ha, cho thu nhập trên 70 triệu đồng/ha/năm; hơn 30 hộ chăn nuôi gia cầm đẻ, với quy mô từ 2.000 - 5.000 con.

Các ngành nghề truyền thống và các loại hình dịch vụ phát triển ổn định, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, trên địa bàn xã có 2 làng nghề làm mây tre đan; hơn 500 hộ làm nghề dịch vụ, hơn 900 lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, hàng trăm hộ có ô tô làm dịch vụ vận tải.

6 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp của xã đạt gần 41 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Với nỗ lực của nhân dân và chính quyền địa phương, năm 2018, xã Văn Quán đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn của xã có nhiều thay đổi với đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông; hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh; các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, xây dựng; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 41 triệu đồng/năm, tăng hơn 26 triệu đồng so với năm 2011.

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy, chính quyền xã Văn Quán đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đô thị loại V. Mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn, trở ngại, song, với truyền thống cách mạng, xã Văn Quán sẽ vững bước vươn lên, hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thanh Huyền

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/82408/van-quan-viet-tiep-truyen-thong-cach-mang.html