Vận tải biển lãi đậm ra sao trước khi giá cước 'lao dốc'?
Trong 2 năm dịch Covid-19, cước vận tải biển tăng đã giúp nhiều doanh nghiệp vận tải biển mang về lợi nhuận 'khủng'.
"Lợi nhuận bằng hàng chục năm cộng lại"
Thị trường vận tải biển thời gian qua bắt đầu có dấu hiệu “hạ nhiệt”, từ giá cước vận tải tới cước thuê tàu. Theo dữ liệu phân tích thị trường hàng hải Drewry, chỉ số container thế giới (WCI) giảm 10% trong tuần này, giảm tới 61% so với cùng kỳ.
Theo đó, chỉ số tổng hợp mới nhất của Drewry WCI là 4.014 USD/container 40 feet, thấp hơn 61% so với mức đỉnh 10.377 USD đạt được vào tháng 9/2021, nhưng vẫn cao hơn 8% so với mức trung bình 5 năm là 3.714 USD.
Các chuyên gia dự đoán, vận tải biển cuối năm tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro. Thị trường diễn biến xấu và giá cước vận tải đã qua đỉnh, dần trở lại mức như thời điểm trước dịch Covid-19. Giảm sâu nhất phải kể đến những tuyến dài đi Châu Âu, Mỹ…
Tại hội thảo về tiềm năng ngành cảng biển Việt Nam mới đây, Tổng Giám đốc CTCP Gemadept Nguyễn Thanh Bình khẳng định, lợi nhuận của các công ty sẽ giảm từ từ và phải quay lại mức bình thường vốn có. Tuy nhiên, ông Bình cũng nhấn mạnh: “2 năm qua, lợi nhuận của các hãng vận tải biển phải bằng hàng chục năm cộng lại”.
CTCP Gemadept cũng đã lập doanh thu vượt trội. Báo cáo tài chính của DN cho thấy trong năm 2020 - thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát và gây những ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế của các quốc gia, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 371 tỷ đồng, thấp hơn so với năm 2019.
Tuy nhiên sau đó, công ty nhanh chóng lấy lại được đà tăng trưởng. Năm 2021, lợi nhuận cả năm của Gemadept đạt 721 tỷ đồng, tăng 64% so với năm 2020.
Ngoài ra, tính tới tháng 7/2022, kết quả hợp nhất hoạt động kinh doanh của công ty này cho thấy, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đã đạt hơn 771 tỷ đồng, tăng hơn 91% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp đều báo lãi lớn
CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An là một trong những doanh nghiệp có mức tăng trưởng đột biến. Năm 2019, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ chỉ đạt 121,3 tỷ đồng, giảm 10,2% so với năm 2018.
Bước sang năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của Hải An tăng 13,94% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 138,2 tỷ đồng. Riêng lợi nhuận kinh doanh từ đội tàu tăng 18% vì “giá dầu nhiên liệu bình quân giảm, giá cước biển tăng”.
Tới năm 2021, công ty này bứt phá khi lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tăng vọt 322,14% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 445,5 tỷ đồng.
Được biết, Công ty đã đầu tư thêm tàu 3 tàu, bán 1 tàu làm tăng số tàu của đội tàu lên thành 8 chiếc, dẫn tới sản lượng đội tàu Hải An tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng đội tàu tăng dẫn tới sản lượng hoạt động khai thác cảng và depot cũng tăng.
“Giá cước vận tải đường biển nội địa tăng, giá cho thuê tàu định hạn tăng là yếu tố dẫn tới lợi nhuận sau thuế của công ty tăng mạnh”, Tổng Giám đốc CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An cho hay.
Tới năm 2022, lũy kế sáu tháng, tổng doanh thu của Hải An đạt hơn 1.581 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi mức cùng kỳ 2021 và lợi nhuận 587 tỷ đồng - tăng tới 220%.
Đối với “anh cả đỏ” CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco), lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 187,2 tỷ đồng vào năm 2020, gấp 3,8 lần so với năm 2019. Đến năm 2021, lợi nhuận sau thuế tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 488,5 tỷ đồng và gấp 2,6 lần năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2022, công ty có lợi nhuận sau thuế là 316,5 tỷ đồng.
Theo các báo cáo tài chính của Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC), năm 2021, khối vận tải biển của doanh nghiệp này đã có lợi nhuận sau nhiều năm thua lỗ kéo dài. Mức lợi nhuận là 869 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, khối vận tải biển tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Lợi nhuận toàn khối ước đạt 1.766,7 tỷ đồng, trong đó ghi nhận từ doanh thu tái cơ cấu tài chính khoảng 696 tỷ đồng (bao gồm: Vitranschart - 117 tỷ đồng; Bisco - 444 tỷ đồng; Vosco - 74 tỷ đồng; Vinaship - 61 tỷ đồng).
Đại diện VIMC nhận định, các đơn vị trong khối đã bám sát, tận dụng cơ hội thị trường tốt vào thời điểm cuối tháng 2 và đầu tháng 3 để kịp thời điều chỉnh, ký hợp đồng với mức tài chính cao, tiếp tục duy trì các hợp đồng định hạn với mức giá tốt trong Quý 2 (khi thị trường có nhiều biến động) như VIMC Shipping, Vosco. Hầu hết các đơn vị đều có lợi nhuận và vượt yêu cầu kế hoạch năm, đặc biệt Vinaship, Vosco, VLC, Inlaco Saigon hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận.