Vận tải công cộng TPHCM: 20 năm chặng đường phát triển

Hiện nay TP.HCM với trên 16.000 chuyến xe buýt hoạt động phục vụ vận chuyển khoảng 800.000 lượt hành khách mỗi ngày, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông

Ông Đậu An Phúc, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng phát biểu tại buổi lễ.

Ông Đậu An Phúc, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng phát biểu tại buổi lễ.

Ngày 12/9, Sở GTVT TP.HCM tổ chức chương trình kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (Trung tâm) với sự tham dự của ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, các sở, ban, ngành thành phố cùng cán bộ, công nhân viên Trung tâm.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm ông Đậu An Phúc, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng cho biết: “Ngày 12/9/1996, UBNDTP.HCM chính thức có Quyết định 4196/QĐ-UBND thành lập Trung tâm với mục tiêu phát triển VTHKCC trên địa bàn Thành phố. Qua đó xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại. Chặng đường 20 năm là khoảng thời gian dài đánh dấu bước trưởng thành và phát triển của Trung tâm, dẫu có lúc phát triển nhanh cũng như những lúc khó khăn nhưng Trung tâm vẫn luôn nỗ lực góp phần vào việc phát triển thành phố, giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông”.

Quá trình phát triển của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, chúng ta có thể thấy rõ qua 20 năm được thành lập và hoạt động, trong đó mốc thời gian đáng chú ý là từ năm 2002, khi hoạt động xe buýt trên địa bàn thành phố được chính quyền thành phố trợ giá. Trung tâm đã đóng góp vai trò quan trọng cho việc phát triển xe buýt thành phố, xe buýt đã dần lấy lại được niềm tin và tạo thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng. Mô hình hoạt động xe buýt của TP.HCM cũng đã được nhiều tỉnh thành khác trên cả nước nghiên cứu áp dụng. Hiện nay với trên 16.000 chuyến xe buýt hoạt động phục vụ vận chuyển khoảng 800.000 lượt hành khách mỗi ngày, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn là phương thức chủ lực để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Trong thời gian vừa qua, Trung tâm luôn chú trọng phát triển và ứng dụng các công nghệ, công nghệ thông tin trong quản lý điều hành hoạt động xe buýt. Đổi mới xe buýt, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách của đội ngũ lái xe, gắn camera giám sát, ứng dụng công nghệ GPS theo dõi xe trên đường, đang tiến hành đầu tư thẻ thông minh, … Các hành động trên nhằm ngày càng thay đổi hình ảnh của xe buýt theo hướng cung cấp dịch vụ dẫn đầu, các mục tiêu giải pháp đều hướng đến một mục đích chung là lấy hành khách là đối tượng phục vụ, sự đi lại của người dân là tiêu chí hàng đầu.

Theo ông Phúc những việc mà ngành giao thông vận tải đã và đang nỗ lực thực hiện nhằm kéo hành khách trở lại với xe buýt. Thế nhưng, trước những nỗ lực ấy, khối lượng hành khách vẫn sụt giảm liên tục qua những năm gần đây. Nhận thức vấn đề này, bên cạnh những cố gắng chuyển biến từ phía nội tại của ngành thì rất cần những quyết sách nhằm tạo điều kiện cho xe buýt hoạt động, đảm bảo thời gian vận hành, tính đúng giờ cho người dân sử dụng xe buýt. Cụ thể cần phải có các làn đường dành riêng cho xe buýt, vấn đề quan trọng nữa đó là trả lại vỉa hè bị lấn chiếm, tạo điều kiện cho việc tiếp cận xe buýt của người dân được thuận lợi hơn.

Cùng với những nỗ lực trong thời gian qua, cùng với sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, xây dựng các tuyến tàu điện ngầm, cácphương thức vận tải tiên tiến hiện đại trên thế giới như BRT, quyết tâm chính trị thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Chúng tôi tin tưởng trong thời gian tới, vận tải hành khách công cộng sẽ là phương thức chủ lực để giải quyết bài toán kẹt xe, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Góp phần xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, ông Phúc khẳng định.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh Trung tâm có vai trò then chốt để quản lý và phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh Trung tâm có vai trò then chốt để quản lý và phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định: “Vai trò của dự án 1318 xe buýt tại TP.HCM là rất quan trọng và việc hình thành Trung tâm có vai trò then chốt để quản lý và phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng. Vận tải hành khách công cộng được xem là giải pháp nền tảng để giải quyết vấn đề ATGT, rủi ro gặp tai nạn khi đi xe máy là rất cao, nên vai trò của vận tải công cộng là rất quan trọng”.

Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới xe buýt TP.HCM không đơn thuần là những chuyến xe chạy trong nội đô thành phố mà phải phát triển, mở rộng các tuyến xe buýt đi các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Bình Thuận, Bình Phước… như vậy vừa giảm tải ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, ông Hùng nhấn mạnh.

Các đại biểu trao hoa và tặng quà lưu niệm cho các lãnh đạo nguyên là Giám đốc, Phó giám đốc Sở GTVT và Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng.

Các đại biểu trao hoa và tặng quà lưu niệm cho các lãnh đạo nguyên là Giám đốc, Phó giám đốc Sở GTVT và Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng.

Tại lễ kỷ niệm, Sở GTVT cũng trao tặng giấy khen cho 37 tập thể và 12 cá nhân đã có thành tích trong việc góp phần xây dựng và phát triển Trung tâm. Ngoài ra Trung tâm cũng đã tặng giấy khen cho 101 viên chức, người lao động đã góp phần vào sự nghiệp phát triển Trung tâm.

Tại lễ kỷ niệm, Sở GTVT cũng trao tặng giấy khen cho 37 tập thể và 12 cá nhân đã có thành tích trong việc góp phần xây dựng và phát triển Trung tâm. Ngoài ra Trung tâm cũng đã tặng giấy khen cho 101 viên chức, người lao động đã góp phần vào sự nghiệp phát triển Trung tâm.

Văn Quyết

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/van-tai-cong-cong-tphcm-20-nam-chang-duong-phat-trien-d31785.html