Vận tải hàng không hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ

Những biến động ở khu vực Biển Đỏ thời gian qua buộc nhiều chủ hàng quyết định kết hợp vận tải đường biển và hàng không để giảm thiệt hại vì trì hoãn giao hàng. Điều này đang thúc đẩy giá cước vận chuyển hàng hóa bằng máy bay tăng đáng kể trong những tuần gần đây.

Nhu cầu vận chuyển hàng bằng đường biển kết hợp với hàng không từ châu Á đến châu Âu đang tăng lên khi tuyến giao thương hàng hải qua kênh đào Suez, nằm phía trên Biển Đỏ, bị gián đoạn. Ảnh: AUUSanAKUL/ Shutterstock

Nhu cầu vận chuyển hàng bằng đường biển kết hợp với hàng không từ châu Á đến châu Âu đang tăng lên khi tuyến giao thương hàng hải qua kênh đào Suez, nằm phía trên Biển Đỏ, bị gián đoạn. Ảnh: AUUSanAKUL/ Shutterstock

Việc vận tải đường biển bị chậm trễ đang thúc đẩy chi phí vận tải hàng không tăng cao khi các chủ hàng cố gắng duy trì dòng chảy hàng hóa sang châu Âu. Các công ty cung cấp dịch vụ hậu cần hàng không cho biết, trong tháng 1, nhu cầu về phương thức vận chuyển này tăng cao hơn bình thường 25-30%.

Theo Freightos, một công ty dịch vụ thông tin hậu cần, chi phí trung bình để vận chuyển 1 kg hàng hóa bằng hàng không từ Trung Đông đến châu Âu tăng 35% trong tháng trước, lên 2,03 đô la Mỹ.

Eytan Buchman, giám đốc tiếp thị của Freightos cho biết, nhiều chủ hàng buộc phải sử dụng đường hàng không để tránh chậm trễ do các hãng tàu biển thay đổi hải trình. Ông cảnh báo, các chuỗi cung ứng ở châu Á có thể bị gián đoạn bao gồm các chuỗi cung ứng sản xuất máy tính, ô tô.

Theo Mads Drejer, giám đốc hoạt động của Công ty dịch vụ hậu cần Scan Global Logistics ở Đan Mạch, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không ngày càng tăng cao. Những mặt hàng có giá trị cao, trọng lượng nhẹ như thời trang và thiết bị điện tử tiêu dùng có thể được vận chuyển trên máy bay chở hàng chuyên dụng hoặc trong khoang bụng của máy bay chở khách.

“Dù vận tải hàng không vẫn đắt hơn đáng kể so với vận tải đường biển, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận. Bởi theo họ, hậu quả của việc ngừng sản xuất vượt xa chi phí tăng thêm khi sử dụng vận tải hàng không”, Drejer nói.

Theo một số nhà cung cấp dịch vụ hậu cần, khách hàng đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến các lựa chọn kết hợp đường biển và hàng không. Theo đó, hàng hóa được vận bằng đường biển đến một trung tâm vận chuyển hàng không lớn, sau đó đưa lên máy bay để đi tiếp.

Kuehne & Nagel, công ty hậu cần có trụ sở tại Thụy Sĩ, cho biết công ty đưa ra phương án đưa hàng hóa đến Dubai bằng đường biển và sau đó sẽ tiếp tục vận chuyển bằng đường hàng không tới châu Âu. Gần đây, một khách hàng của công ty đã vận chuyển lô nông sản thu hoạch ở Kenya đến Dubai bằng đường biển và tiếp tục đưa lên máy bay đến Rotterdam (Hà Lan).

Sau khi triển khai, công ty nhận thấy sự quan tâm cao hơn từ nhiều khách hàng đối với phương án vận chuyển này. “Với hành trình từ các cảng của Trung Quốc đến Bắc Âu hiện mất từ 40-50 ngày, một số khách hàng đang thực sự xem xét các lựa chọn thay thế, bao gồm cả việc vận chuyển bằng máy bay”, Kuehne & Nagel cho biết.

Nhiều chủ hàng cho biết, vận chuyển hàng hóa một phần bằng đường biển giúp giảm chi phí vận tải hàng không tổng thể. Freightos ước tính, chi phí trung bình hiện tại để vận chuyển hàng hóa từ Thượng Hải đến châu Âu bằng máy bay là 3,76 đô la/kg, cao hơn 85% so với chi phí vận chuyển bằng đường biến tới Dubai, rồi đưa lên máy để sang châu Âu.

Đã có một số lo ngại sự gián đoạn vận chuyển hàng hải có thể làm tăng lạm phát. Isabel Schnabel, thành viên của Hội đồng điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu, nhận định căng thẳng địa chính trị là một trong những nguy cơ làm tăng lạm phát. “Căng thẳng địa chính trị có thể đẩy giá năng lượng hoặc chi phí vận chuyển hàng hóa lên cao. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải luôn cảnh giác”, bà nói hôm 10-1.

Theo Financial Times, Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/van-tai-hang-khong-huong-loi-tu-cuoc-khung-hoang-o-bien-do/