Vận tải lao đao vì giá dầu
Giá dầu tăng cao, giá dịch vụ lại chưa thể tăng theo khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang phải gồng mình chống chọi, nhiều đơn vị chấp nhận thua lỗ để duy trì bạn hàng và có thể cắt giảm số lượng xe hoạt động trong thời gian tới.
Từ 15 giờ ngày 5.9, Liên Bộ Công thương - Tài chính thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ, trong đó giá dầu tăng cao.
Khó khăn chồng chất
Theo điều chỉnh, giá dầu diesel 25.180 đồng/lít, tăng 1.430 đồng; dầu hỏa 25.440 đồng/lít, tăng 1.390 đồng. Đây là lần đầu tiên giá dầu cao hơn giá xăng, khiến các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn bởi hầu hết các phương tiện đều chạy bằng dầu.
Công ty TNHH Thương mại vận tải Hoàng Sơn 68 ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) có hơn 30 xe container chuyên vận chuyển hàng hóa. Cung đường vận chuyển dài từ Hải Dương đến các cửa khẩu giáp với các nước Lào, Trung Quốc nên việc giá dầu tăng mạnh đã khiến chi phí vận chuyển tăng thêm 20% so với trước đây. Theo ông Hoàng Văn Hương, Giám đốc công ty, hiện nay giá dầu cao hơn cả giá xăng là một điều bất thường. Dù giá dầu đã tăng mạnh nhưng doanh nghiệp không thể ngay lập tức điều chỉnh tăng giá cước vận chuyển. Nguyên nhân do số lượng hàng hóa vận chuyển không tăng trong khi việc tăng ngay giá cước vận chuyển sẽ khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh với đơn vị vận tải khác. Do giá dầu nhiều lần được điều chỉnh tăng từ đầu năm đến nay nên khoảng 30-40% số xe của doanh nghiệp bị cắt giảm, phải nằm ở bến bãi nhiều tháng.
Không chỉ vận tải hàng hóa gặp khó, các doanh nghiệp vận tải hành khách cũng chung tình trạng. Với gần 40 xe buýt chạy nội tỉnh và liên tỉnh, sau "bão Covid-19" thì đợt tăng giá dầu này tiếp tục là một "cơn bão" mạnh đối với Công ty TNHH Huy Hoàng ở thị trấn Gia Lộc. Thời điểm này, công ty vẫn giữ nguyên giá vé đối với các tuyến buýt nội tỉnh và liên tỉnh, dao động từ 35.000-70.000 đồng/vé/chặng. Theo anh Nguyễn Công Tới, Giám đốc công ty, giá dầu phải ở mức dưới 20.000 đồng/lít thì doanh nghiệp mới có lãi. Hiện nay, doanh nghiệp vẫn phải trả nợ chi phí mua một số xe, do đó giá dầu tăng càng khiến doanh nghiệp chồng chất khó khăn. Theo tính toán của doanh nghiệp, đối với mỗi xe buýt chạy tuyến Thái Bình, tính cả chi phí hao mòn, sửa chữa, mỗi tháng mỗi xe lỗ từ 5-6 triệu đồng. Giá nhiên liệu tăng, dù phải bù lỗ nhưng các tuyến buýt của công ty vẫn duy trì hoạt động từng tuyến để giữ khách, tuân thủ đúng tuyến, thời gian, lịch trình. Công ty vẫn đang "nghe ngóng", nếu giá dầu tiếp tục điều chỉnh tăng mạnh thời gian tới sẽ phải điều chỉnh giá cước.
“Nín thở” đợi chờ
Theo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải), hiện nay giá cước vận tải được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự cạnh tranh giữa các đơn vị kinh doanh. Các đơn vị kinh doanh có quyền quyết định và tự định giá dịch vụ vận tải nhưng phải thực hiện nghiêm các quy định liên quan.
Trước đó, theo chu kỳ tháng 5, 6, 7, khi giá dầu liên tục tăng, một số đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định, bằng taxi và hành khách công cộng bằng xe buýt đã khai báo tăng giá cước. Hồi đầu tháng 8, khi giá dầu giảm, nhiều doanh nghiệp cũng khai báo giảm giá cước. Từ 15 giờ chiều 5.9, khi giá dầu tăng đến ngày 7.9, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái chưa nhận được thông tin về việc khai báo tăng giá của các đơn vị.
Đại diện Công ty TNHH Triệu Phố ở Thanh Miện cho biết doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn do chi phí vận chuyển bị đội lên do giá xăng dầu tăng. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất cũng gặp khó khăn về giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào tăng. Bởi thế, việc điều chỉnh giá cước vận chuyển ngay ở thời điểm này sẽ làm khó cho cả đôi bên. Các doanh nghiệp đều mong muốn Nhà nước có sự hỗ trợ hoặc có các biện pháp điều chỉnh bình ổn giá xăng dầu.
Ông Nguyễn Chính Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hòa HD ở Thanh Hà (chuyên vận tải thủy nội địa) cho biết khi giá dầu tăng, chi phí vận chuyển đã tăng 20%. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa có phương án tăng giá cước. Bởi với những hợp đồng đã ký kết, hai bên đã thỏa thuận về giá cước từ thời điểm ký hợp đồng, khi đó giá dầu thấp hơn hiện tại. Do vậy, dù giá dầu tăng nhưng công ty vẫn không thay đổi giá cước trong hợp đồng, chấp nhận chịu thiệt để giữ mối làm ăn. Đối với những hợp đồng chuẩn bị ký kết, công ty vẫn phải cân nhắc, tính toán về việc có điều chỉnh giá cước tăng hay không. Bởi lẽ, điều chỉnh tăng thì khả năng cạnh tranh sẽ bị giảm.
Thời gian qua, khi chưa kịp hồi phục do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các doanh nghiệp vận tải lại tiếp tục gặp khó khăn do giá dầu tăng. Tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp là chấp nhận chịu lỗ, lấy ngắn nuôi dài và “nín thở” chờ đợi sự ổn định của giá xăng dầu.
Toàn tỉnh có 6.805 đơn vị vận tải bằng đường bộ và đường thủy nội địa, gồm 833 đơn vị vận tải hành khách bằng đường bộ (13 đơn vị vận tải bằng xe buýt, 800 đơn vị vận tải bằng xe hợp đồng, 20 đơn vị vận tải bằng xe taxi) và 5.912 đơn vị vận tải hàng hóa bằng đường bộ (878 doanh nghiệp, 5.034 hộ kinh doanh cá thể); có 60 đơn vị vận tải hàng hóa đường thủy nội địa.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/van-tai-lao-dao-vi-gia-dau-213266