Vận tải phục hồi vượt bậc trong năm 2022
Năm 2022, sản lượng các loại hình vận tải đều phục hồi, phát triển vượt bậc, chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ được đẩy mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, tiết kiệm chi phí xã hội.
Thông tin được Bộ GTVT đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Bộ GTVT diễn ra chiều 13/1.
Phục hồi cả 5 lĩnh vực vận tải
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, năm 2022, sản lượng vận tải hàng hóa 12 tháng ước đạt 2.009 triệu tấn, tăng 23,7% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hóa 12 tháng ước đạt 441,3 tỷ tấn.km, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Vận chuyển hành khách 12 tháng ước đạt 3.664 triệu lượt khách, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2021; luân chuyển hành khách 12 tháng ước đạt 171,8 tỷ hành khách.km, tăng 78,3% so với cùng kỳ.
Trong đó, vận tải hàng không tăng 3%, đường bộ tăng 22,7%, đường thủy tăng 26,9%, đường biển tăng 27,9%, đường sắt tăng 9%.
Vận tải hàng không phục hồi hoàn toàn trong năm 2023
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không bắt đầu phục hồi từ quý I/2022 và sẽ về bằng thời điểm trước dịch COVID-19 trong năm 2023.
Theo đó, trong năm 2023, các hãng hàng không dự kiến vận chuyển 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022. So với cùng thời điểm trước dịch COVID-19 (năm 2019) tăng xấp xỉ 1% về hành khách và 14,2% về hàng hóa.
Trong đó, vận chuyển hành khách 12 tháng lĩnh vực hàng không tăng 224,6%, đường biển tăng 56,7%, đường sắt tăng 205,6%, đường bộ tăng 51,6%, đường thủy tăng 52,9%.
"Kết quả trên cho thấy hoạt động vận tải năm 2022 đã phục hồi trên cả 5 lĩnh vực, đáng chú ý là vận tải hành khách ngành hàng không và đường sắt tăng trưởng 3 con số.
Vận tải đường sắt bắt đầu có lãi sau 2 năm liên tục thua lỗ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Còn theo đánh giá của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới", ông Nguyễn Danh Huy thông tin.
Về vận tải biển, trong bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022 có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới theo công bố của Tạp chí Lloyd's List (Anh), Việt Nam có 3 cảng lọt trong top này gồm: Lạch Huyện (Hải Phòng), Cát Lái (TPHCM) và Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Phấn đấu tăng sản lượng vận tải thêm 7% năm 2023
Về kế hoạch vận tải trong năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GTVT, bảo đảm tính minh bạch, tính nhất quán, tính ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả hoạt động vận tải trong nước, tập trung phục hồi vận tải quốc tế đặc biệt phục hồi các đường bay quốc tế, vận tải liên vận đường sắt.
Năm 2023, Bộ GTVT phấn đấu sản lượng vận tải năm 2023 về hàng hóa (Tấn) tăng khoảng 7%, hành khách tăng khoảng 8% so với năm 2022. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển dự kiến đạt khoảng 755 triệu tấn, tăng khoảng 4% so với năm 2022.
Phan Trang