Vẫn thừa, thiếu giáo viên
Bảo đảm tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ cán bộ, giáo viên (CBGV)... luôn là yêu cầu đặt ra nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, hiện tình trạng thừa, thiếu GV ở các bậc học đang khiến ngành giáo dục tỉnh ta đứng trước nhiều khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Giáo viên Trường Mầm non Dân Lý (Triệu Sơn) chăm sóc học sinh trong giờ nghỉ trưa.
Sau nhiều lần điều động, thuyên chuyển tình trạng thừa, thiếu GV ở huyện Hà Trung vẫn đang là bài toán chưa có lời giải. Theo kết quả thống kê, năm học 2020-2021, toàn huyện hiện có 1.311 CBGV trong biên chế ở cả 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS, so với biên chế được tỉnh giao toàn huyện thiếu 81 người và so với nhu cầu năm học thiếu hơn 200 người. Trong đó, cấp mầm non thiếu 135 người, tiểu học thiếu 85 người. Do thiếu GV nên áp lực của mỗi GV đứng lớp hiện nay là rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học. Trong khi các trường mầm non, tiểu học thiếu GV thì ở cấp THCS, toàn huyện lại thừa 75 GV so với biên chế được giao là 367 GV. Những trường có nhiều GV thừa như THCS Hoạt Giang, Yên Dương, Hà Bình... Năm học 2020-2021, Trường THCS Hoạt Giang có 10 lớp với 288 học sinh, nhưng nhà trường có 25 CBGV, tính theo định biên trường dôi dư 2 GV. Thầy giáo Phạm Văn Tuấn, hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Nguyên nhân cơ bản của tình trạng thừa GV do lịch sử để lại cùng với đó là số học sinh mỗi năm một giảm. Việc thừa GV đã ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của nhà trường, đặc biệt là vấn đề cân đối, phân công công việc cho GV của ban giám hiệu; GV thuộc diện dôi dư cũng tâm lý, không yên tâm công tác ảnh hưởng đến chất lượng các giờ dạy...”.
Tại huyện Triệu Sơn tình trạng thừa, thiếu GV diễn ra ngay trong cùng bậc học. Hiện, bậc THCS có 700 CBGV, nếu so với biên chế tỉnh giao là 717 thì cấp học này còn thiếu 17 GV và so với nhu cầu thực tế thiếu 36 GV. Tuy nhiên, qua rà soát trong từng bộ môn, toàn huyện lại thừa hơn 10 GV THCS ở bộ môn Ngữ văn và Toán. Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Riêng đối với bậc mầm non và tiểu học, huyện thiếu GV với số lượng lớn. Trong đó, mầm non thiếu 215 người so với biên chế giao và thiếu 336 người so với nhu cầu thực tế; tiểu học thiếu 156 người so với biên chế và thiếu 216 người so với nhu cầu thực tế. Theo Quyết định số 3185/QĐ-UBND, ngày 23-8-2016 của UBND tỉnh về việc quy định định mức bình quân học sinh/lớp học và định mức biên chế cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hành chính của các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tại các trường mầm non, mỗi lớp chỉ nhận từ 10 đến 20 cháu tùy theo vùng miền đối với nhóm nhà trẻ và từ 22 đến 30 cháu đối với nhóm mẫu giáo. Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều trường mầm non trên địa bàn huyện Triệu Sơn con số này cao hơn nhiều do thiếu GV. Năm học 2020-2021, Trường Mầm non Dân Lý có 310 trẻ thuộc 11 nhóm lớp. Thế nhưng, nhà trường chỉ có 17 GV trực tiếp đứng lớp giảng dạy và chăm sóc trẻ. Nếu tính theo định biên trường thiếu 4 GV. Cô giáo Trần Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Dân Lý cho biết: “Giải pháp nhà trường đưa ra để bảo đảm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trong tình trạng thiếu GV là, 3 GV phụ trách 2 lớp học. Cùng với đó, ban giám hiệu cũng trực tiếp đứng lớp và hỗ trợ GV. Vẫn biết làm như vậy GV sẽ gặp nhiều khó khăn, áp lực và ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, song không còn cách nào khác”.
Qua rà soát, thống kê của ngành chức năng, với quy mô trường, lớp, số học sinh trong năm học 2020-2021 cũng như căn cứ định mức biên chế theo Quyết định 3185/QĐ-UBND ngày 23-8-2016 của UBND tỉnh và nhu cầu thực tế, ở cấp học mầm non toàn tỉnh thiếu gần 3.000 GV, tiểu học thiếu 2.597 GV. Đối với cấp THCS, nhiều huyện thừa, thiếu cục bộ, song toàn tỉnh vẫn thiếu 189 GV. Riêng khối THPT sau khi tuyển thêm 262 GV, toàn tỉnh vẫn thiếu hơn 550 người. Trong đó, 37 cán bộ quản lý, 269 GV và 247 nhân viên. Theo đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nguyên nhân chủ yếu của việc thừa, thiếu GV là do biến động về dân số cơ học tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp. Đối với mầm non, việc huy động trẻ ra lớp tăng cao, tốc độ nhanh do nhu cầu, cũng như việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Bên cạnh đó, công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí số lượng GV. Đặc biệt, việc phân cấp, phân quyền trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo ở nhiều địa phương còn nhiều bất cập...
Những con số trên cho thấy, mặc dù tình trạng thừa, thiếu GV cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua, song, các địa phương và cả ngành chức năng của tỉnh vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. GV thiếu nhưng sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp. Đây là nghịch lý giữa đào tạo và tuyển dụng và cũng là “nút thắt” chưa được tháo gỡ. Nhiều người cho rằng, để “gỡ nút thắt”, sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu GV thì việc tuyển dụng, điều động, sắp xếp CBGV cần phải được thực hiện một cách khoa học, hợp lý. Và, cần hơn nữa là một quyết sách của Trung ương, của tỉnh về bổ sung biên chế sự nghiệp hoặc linh động trong cơ chế hợp đồng nhằm thực hiện đúng định mức GV theo quy định, từng bước ổn định đội ngũ CBGV, nâng cao chất lượng GD&ĐT tỉnh nhà.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/van-thua-thieu-giao-vien/125571.htm