Vẫn thường trực nỗi lo mất an toàn thực phẩm ở lễ hội Xuân

Mùa lễ hội Xuân 2025 đang diễn ra ở nhiều địa phương, thu hút đông đảo du khách. Tuy nhiên, tại các lễ hội vẫn thường trực nỗi lo về nguy cơ mất an toàn thực phẩm, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng để chặn từ gốc mối lo này.

 Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra tại khu vực Lễ hội chùa Hương. Ảnh: Trần Thảo

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra tại khu vực Lễ hội chùa Hương. Ảnh: Trần Thảo

Đến hẹn… lại lo

Những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025, đoàn liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) tiến hành kiểm tra 36 cơ sở kinh doanh ăn uống trong các ki-ốt, các gian hàng bán bánh kẹo, bánh dầy giò tại khu vực đền Trần và đền Bảo Lộc.

Đoàn lấy 28 mẫu xét nghiệm, trong đó, test nhanh 12 mẫu hàn the trong giò chả tại các gánh hàng bán giò, chả, bánh giầy giò. Kết quả, 10 mẫu xét nghiệm âm tính với hàn the và 2 mẫu dương tính, đã tiến hành tiêu hủy tại chỗ 1kg giò ở cơ sở thuộc đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc) và 1 cơ sở thuộc đền Trần (phường Lộc Vượng).

Trước đó, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP các cấp của tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra tại 386 cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm tại các địa phương, đặc biệt tại khu vực diễn ra lễ hội.

Qua kiểm tra, các đoàn đã phát hiện 63 cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 300 triệu đồng, thu hồi và tiêu hủy nhiều loại thực phẩm, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục của Bộ Y tế...

Tại lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) năm nay có 97 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.

Qua kiểm tra 10/97 cơ sở, Đoàn liên ngành huyện Mỹ Đức đã xử phạt 1 cơ sở vi phạm và nhắc nhở các cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc quy định ATTP như: chưa cập nhật ghi chép sổ theo dõi nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm hàng ngày thường xuyên, đầy đủ;

thiếu thùng rác có nắp đậy kín trong khu vực sơ chế, chế biến thực phẩm; chưa có đầy đủ trang thiết bị che đậy, bảo quản thực phẩm chín, thực phẩm đã qua chế biến để tránh sự xâm nhập của côn trùng, động vật gây hại.

TS. Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết, tại các lễ hội, nguy cơ mất ATTP luôn tiềm ẩn bởi hầu hết những dịch vụ ăn uống thường mang tính thời vụ, kinh doanh tự phát, nhỏ lẻ nên kiến thức, kỹ năng về VSATTP của người bán hàng có thể chưa đầy đủ.

Các quầy hàng phần lớn đều được dựng tạm trên những khoảng đất hẹp hoặc bày bán trực tiếp ngoài trời, nơi có đông người đi lại khiến thực phẩm dễ bị bám bụi bẩn và mất vệ sinh. Nhiều chủng loại thực phẩm được sản xuất chế biến từ các cơ sở, cá nhân, hộ gia đình thường không đăng ký kinh doanh, dẫn đến chất lượng an toàn thực phẩm khó được đảm bảo.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như trang thiết bị để bảo quản nguyên liệu, chế biến thực phẩm không đầy đủ; dụng cụ đựng thức ăn không được vệ sinh sạch sẽ; thời tiết có mưa phùn, ẩm ướt dễ khiến cho thực phẩm bị nấm, mốc, nhiễm các mầm bệnh nếu không được bảo quản cẩn thận...

Món ăn tại một lễ hội xuân 2025 ở Lạng Sơn. Ảnh: Trường Hùng

Món ăn tại một lễ hội xuân 2025 ở Lạng Sơn. Ảnh: Trường Hùng

Chủ động giám sát, siết chặt quản lý

Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cả nước đã ghi nhận 710 trường hợp phải cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm tự chế biến, say rượu, trong đó có 438 ca phải nhập viện theo dõi và điều trị. Những con số trên cho thấy, khi nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao thì nguy cơ mất an toàn thực phẩm và ngộ độc thực phẩm cũng gia tăng.

TS. Nguyễn Hùng Long cho biết, để đảm bảo ATTP tại các lễ hội, cần kiểm tra liên tục để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những vi phạm về ATTP, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm tại các lễ hội.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong nhấn mạnh, để chặn từ gốc nguy cơ mất ATTP tại các lễ hội, trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện vi phạm phải xử lý thật nghiêm, thậm chí có thể tạm dừng hoạt động cơ sở.

Tại tỉnh Thái Nguyên, đại diện Sở Y tế tỉnh cho biết, từ ngày 27/12/2024 đến hết 25/3/2025, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh giao cho 3 ngành: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và PTTN và các huyện, xã triển khai kiểm tra liên ngành ATTP, tuyên truyền công tác bảo đảm ATTP mùa lễ hội Xuân 2025.

Các sở ngành, địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng của tỉnh, huyện đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó ưu tiên sử dụng hệ thống loa, đài truyền thanh ở xã, phường, khu phố để chuyển tải thông tin do Bộ Y tế cung cấp.

Trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về đảm bảo an toàn dịp Tết và lễ hội mùa xuân năm 2025. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Trong đó, giao chính quyền địa phương, nhất là ở các đô thị lớn, nơi lễ hội có đông người tham gia phải tăng cường kiểm soát ATTP, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các khu tổ chức lễ hội xuân. Thủ tướng nhấn mạnh, Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về sự cố mất ATTP, ngộ độc thực phẩm quy mô lớn xảy ra trên địa bàn.

Hoàng Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/van-thuong-truc-noi-lo-mat-an-toan-thuc-pham-o-le-hoi-xuan-20250221170532255.htm