Vấn vương thành cổ
Là công trình kiến trúc quân sự được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, Thành cổ Biên Hòa đang được UBND TP.Biên Hòa triển khai các phương án nhằm sớm đưa vào khai thác, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc quân sự của thành cổ duy nhất tại khu vực miền Nam còn sót lại.
Thành cổ Biên Hòa (còn gọi là Thành Kèn, nằm trên đường Phan Chu Trinh, P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2013. Đến nay, công trình này đã được trùng tu, tôn tạo, giữ gìn được nét kiến trúc riêng của mình.
* Tôn tạo thành xưa
Sau cuộc đại trùng tu vào năm 2013, Thành cổ Biên Hòa như được khoác “chiếc áo mới”, nằm nổi bật ở góc đường Phan Đình Phùng. Nhiều người dân thành phố cũng đang háo hức được vào tham quan công trình lịch sử nằm ngay giữa trung tâm thành phố để hiểu hơn về truyền thống văn hóa, lịch sử của ông cha từ thời xa xưa, đặc biệt là được tìm hiểu về không gian sinh hoạt tại thành cổ trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta, hiện đang được TP.Biên Hòa sưu tầm, tái hiện.
Không chỉ thể hiện một cách nổi bật những giá trị lịch sử, Thành cổ Biên Hòa còn được đánh giá là một công trình kiến trúc vừa mang tính nghệ thuật, vừa có giá trị về mặt quân sự. Hình thành từ thời nhà Nguyễn, trải qua nhiều cột mốc lịch sử của đất nước, thành cổ mang dáng dấp kiến trúc biệt thự của Pháp với cửa vòm, gờ chỉ, mái ngói đỏ, ống khói… được xây dựng từ nguyên liệu đá ong đặc trưng của Biên Hòa xưa.
Ông Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin - thể thao (VHTT-TT) TP.Biên Hòa cho biết, việc khôi phục lại Thành cổ Biên Hòa trở thành điểm tham quan, tìm hiểu là để những giá trị, ý nghĩa của di tích đặc biệt này góp phần giúp người dân, đặc biệt là lớp trẻ hiện nay hiểu hơn về lịch sử đấu tranh của dân tộc cũng như tinh thần đấu tranh chống đế quốc, thực dân của nhân dân ta trong quá khứ. Hiện tại, Trung tâm VHTT-TT Biên Hòa đang trình UBND thành phố chủ trương khai thác những giá trị hiện tại của thành cổ. Đồng thời sưu tầm thêm các vật dụng, hiện vật nhằm tái tạo lại hình ảnh hoạt động của thành cổ.
“Hiện nay chúng tôi đang quản lý toàn bộ khu thành cổ, trong đó 2 tòa nhà chính trong thành là nhà Đông và nhà Tây đã được trùng tu xong, cùng với những công trình hiện hữu, chúng tôi sẽ tìm các phương án để khuyến khích người dân tìm đến với di tích như: mở thư viện phục vụ người dân đến đọc sách, xây dựng hệ thống cây xanh, khu sinh hoạt chung cũng như các khu triển lãm, trưng bày hiện vật lịch sử… nhằm thu hút sự chú ý của người dân” - ông Tình cho biết thêm.
* Bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống
UBND TP.Biên Hòa đang triển khai đề án Khai thác và phát huy giá trị di tích Thành cổ Biên Hòa. Theo đó, mục tiêu là vừa quản lý, bảo tồn di tích vừa khai thác phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, gắn liền với mục tiêu giáo dục truyền thống của TP.Biên Hòa. Một lý do khác của những kế hoạch này là nhằm chủ động tạo được các nguồn thu để tái đầu tư cho các hoạt động của di tích.
Ông Nguyễn Thanh Hải (KP.2, P.Quang Vinh) chia sẻ, là một người dân sống lâu năm ở TP.Biên Hòa, bản thân ông rất muốn tham quan thành cổ để tìm hiểu những giá trị về kiến trúc cũng như ý nghĩa lịch sử của công trình nhưng mỗi khi đi ngang ông Hải lại ngại ngần quay đầu vì cảm giác không gần gũi, khó tiếp cận. Hơn nữa ngoài căn nhà cổ có kiến trúc đẹp mắt nằm lặng lẽ nhiều năm qua thì thành cổ không có các hoạt động cũng như không gian mở để tạo sự gần gũi với người dân hơn.
Trao đổi về những kế hoạch sắp tới cho Thành cổ Biên Hòa, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết, hiện nay thành phố đang lấy ý kiến các cơ quan chức năng về đề án Khai thác và phát huy giá trị thành cổ, ngay sau khi đề án hoàn thiện, TP.Biên Hòa sẽ tiến hành thực hiện.
Theo ông Dũng, không chỉ bảo tồn và phát huy những giá trị thành cổ, TP.Biên Hòa còn muốn Thành cổ Biên Hòa trở thành nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ người dân thành phố cũng như biến nơi đây thành một trong những điểm tham quan, du lịch thú vị của thành phố. “Chúng tôi mong muốn thành cổ sẽ trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cho người dân thành phố, là nơi tổ chức các hoạt động ngoại khóa trong giáo dục. Quan trọng hơn nữa, Thành cổ Biên Hòa về lâu dài sẽ trở thành một trong những điểm kết nối với các tuyến tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh để phát huy hết những giá trị vốn có của nó” - ông Dũng chia sẻ.
Thành cổ Biên Hòa có tên gọi Thành Cựu từ thuở mới khai sinh vào thời nhà Nguyễn. Thành Cựu được xây dựng vào năm Gia Long thứ 15 (năm1816). Lần đầu tiên thành được xây bằng đất. Đến năm Minh Mạng thứ 15 (năm1834), Thành Cựu được xây lại bằng đá ong đỏ và đổi tên là Thành Biên Hòa.
Năm 1861, thực dân Pháp chiếm thành cổ làm nơi đóng quân, có tên gọi là Thành Xăng Đá (phiên âm từ tiếng Pháp là Soldat, tức thành lính). Vào những buổi sáng, những người lính trong thành thường sử dụng kèn, đứng trên nóc nhà chính phía Tây để thổi kèn báo thức đến toàn dân. Tiếng kèn báo thức trở nên quen thuộc, vang cả một vùng nên được người dân địa phương đặt cho cái tên thân mật là Thành Kèn. Một giao lộ trong lòng thành phố, gần khu vực thành cổ, hiện nay cũng được gọi là ngã ba Thành Kèn.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/trangdiaphuong/202003/van-vuong-thanh-co-2995959/