Vẫn xếp cuối bảng, visa vừa lâu vừa đắt, nản lòng khách đến Việt Nam
Mặc dù năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cải thiện đáng kể, song chúng ta vẫn đứng cuối bảng xếp hạng về chỉ số thị thực. Chờ lâu, phí đắt đỏ, diện miễn hẹp,... khiến khách quốc tế nản lòng khi xin visa vào Việt Nam.
Xin visa Việt Nam: Vừa lâu vừa đắt
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới đây công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019. Theo đó, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam cải thiện đáng kể, từ hạng 67/136 lên hạng 63/140 so với năm 2017, tăng 4 bậc. Sự tiến bộ này được ghi nhận hơn hẳn các nước trong khu vực, khi số ít tăng 3 bậc, phần lớn giữ nguyên, thậm chí còn giảm.
Trong đó, có một chỉ số quan trọng là thị thực tăng 63 bậc, từ 116 lên 53, có sự bứt phá ngoạn mục, tiến bộ nhanh nhất trong các chỉ số. Rõ ràng, 2 năm qua, chính sách về thị thực của Việt Nam được cải thiện rất nhiều, giúp ngành du lịch phần nào cởi bỏ được khó khăn, điển hình như áp dụng thị thực điện tử từ 40 lên 80 quốc gia; gia hạn miễn visa cho 5 nước Tây Âu thêm 3 năm,...
Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), nhận xét, Việt Nam vẫn xếp hạng bét khu vực về chỉ số visa trong bảng xếp hạng. Ở đây có câu chuyện: Tại sao chúng ta được chấm điểm tốt nhưng ngành du lịch vẫn nói đi nói lại chuyện thị thực?
Để tìm hiểu lý do, quý 1/2019, Hội đồng tư vấn du lịch đã tiến hành khảo sát khách quốc tế đến Việt Nam, các công ty lữ hành, tổ chức phi chính phủ,... từng xin visa vào Việt Nam. Kết quả cho thấy, có nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi Việt Nam cần cải thiện hơn nữa về chính sách visa.
Đầu tiên là phí thị thực, theo quy định của Nhà nước là 25 USD/người. Tuy nhiên, ông Hoàng Nhân Chính cho hay, qua khảo sát, chỉ 18% số khách được hỏi nộp dưới 30 USD, còn phần lớn trên 30 USD, thậm chí có khách mất trên 90 USD, tức gấp gần 4 lần so với quy định. Điều này có nghĩa, họ phải chi những khoản phí khác, chẳng hạn như phí dịch vụ.
Hơn nữa, lượng khách quốc tế được hưởng chính sách miễn thị thực tương đối ít, chỉ 8%.
Thời gian xin thị thực khá lâu, nếu làm thị thực điện tử bình thường là 5 ngày. Song, thực tế khách phải chờ từ 6-14 ngày, hoặc trên 14 ngày cũng có.
Chưa kể, thông tin chính thức để hướng dẫn cho khách nước ngoài xin visa vào Việt Nam vẫn còn nguồn chưa đáng tin cậy. Hiện 15% số khách được hỏi biết thông tin qua đại sứ quán, 14% qua Tổng cục Du lịch, 26% qua các công ty du lịch,… còn lại là những kênh thông tin phi chính thức, hay khách phải tìm qua công cụ tìm kiếm.
Khảo sát cũng cho thấy, lượng khách đến Việt Nam theo tour từ 16 ngày trở lên chiếm rất nhiều, trong khi chính sách miễn thị thực của Việt Nam lại chủ yếu từ 15 ngày trở xuống.
Về quy trình xin thị thực, các nước khác phần lớn là dễ hơn so với Việt Nam, chỉ Myanmar là khó tương đương chúng ta. Ngay cả Campuchia, Lào, khách du lịch quốc tế xin visa còn dễ hơn. So sánh với một số quốc gia trong khu vực, chính sách visa của Việt Nam được đánh giá là chưa đủ thông thoáng và rất kém cạnh tranh.
4 vấn đề cần chuyển biến
Bộ Công an đang đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt là Luật Xuất nhập cảnh). Liên quan đến vấn đề thị thực, Hội đồng tư vấn du lịch đề xuất cần thay đổi 4 hạn chế chính. Ông Hoàng Nhân Chính cho hay, những khuyến nghị này đã được TAB tập hợp gửi lên Thủ tướng Chính phủ.
Đầu tiên là cải thiện thị thực điện tử (e-visa). Cần xác định rõ một trang web chính thức cho dịch vụ thị thực điện tử, do cơ quan Xuất nhập cảnh Bộ Công an. Ngoài ra, nên ưu tiên tên miền bằng tiếng Anh, trong đó có phần chuyển đổi ngôn ngữ tiếng Việt.
Hơn nữa, cần nâng thời hạn miễn thị thực theo mức tiêu chuẩn là 30 ngày nhằm góp phần thu hút du khách đường dài.
TAB cho rằng, thay vì đề nghị miễn thị thực 30 ngày thì trong dự thảo Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi nên để là “miễn thị thực tối đa 30 ngày”. Như vậy, Chính phủ có thể quyết định tùy theo từng nước để áp dụng miễn thị thực 15 ngày hay 30 ngày.
Hiện nay, theo ông Chính, cơ quan chức năng lo ngại khách quốc tế trốn ở lại Việt Nam làm việc hoặc vì mục đích khác, nhưng kể cả khi miễn thị thực chúng ta vẫn có thể từ chối công dân bất kỳ nước nào nếu thấy có nguy cơ. Ví như ở Đức, một khi đã bị đưa vào danh sách đen, vi phạm luật về xuất nhập cảnh thì đương nhiên khó có cơ hội xin visa vào nước này hoặc bất cứ nước nào trong khối Schengen hay liên minh châu Âu, ông Chính dẫn chứng.
TAB cũng đề xuất bỏ quy định “Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày”. Điều này giúp khách quốc tế đến và xuất cảnh Việt Nam có thể thực hiện một chuyến đi tới một nước láng giềng trong thời gian họ lưu trú.
Ngoài ra, nên cải tiến các thủ tục xin thị thực tại cửa khẩu.
Hiện nay có rất nhiều công ty, tổ chức trá hình làm dịch vụ chính thức xin thị thực cho khách du lịch và thu mức phí quá cao một cách tùy tiện. TAB đề nghị, nếu Bộ Công an đồng ý cho các công ty dịch vụ tồn tại thì cần đưa ra quy định về mức phí dịch vụ, cũng như quyền hạn trách nhiệm của họ để bảo vệ quyền lợi cho khách du lịch. Cần phân biệt rõ phí thị thực chính thức và phí dịch vụ, không nên để lập lờ, làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam.
Cuối cùng, thông tin và truyền thông rõ ràng, minh bạch, đầy đủ; các khái niệm, định nghĩa cần thống nhất để các cơ quan như đại sứ quán, cửa khẩu, cơ quan xuất nhập cảnh giải thích với khách.
Liên quan đến vấn đề miễn visa đơn phương, TAB cho hay đến hết 31/12/2019, một loạt quốc gia như Nga, Nhật, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển sẽ hết hiệu lực.
“Chúng tôi có nhận được thông tin Chính phủ sẽ cân nhắc không gia hạn nữa, nếu đúng như vậy quả thực rất nguy hiểm”, ông Chính lo ngại. Bởi, thị trường Hàn Quốc đứng thứ 2 trong số các thị trường có khách nhiều nhất đến Việt Nam (22%), chỉ sau Trung Quốc (32%); Nhật Bản xếp thứ ba, Nga xếp thứ 6,... Lượng khách của 3 thị trường này đã chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. 3 thị trường trên còn nằm trong số chi trả cao, hơn cả Trung Quốc và một số nước ASEAN, nếu giảm lượng khách thì đóng góp của ngành du lịch sẽ giảm ngay.
Ngoài ra, TAB đề nghị bổ sung 6 quốc gia trọng điểm về du lịch như Úc, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ và Bỉ vào danh sách miễn thị thực. “Du lịch Việt Nam cần thị trường và chính sách đơn phương miễn visa cho một số quốc gia chính là cú hích để nâng cao khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực”, TAB nhận định.
Theo TAB, trong 24 nước được Việt Nam đơn phương miễn visa miễn đơn phương 3 năm đến 30/6/2020 có 5 nước Tây Âu (Anh, Đức, Italy, Pháp, Tây Ban Nha); miễn visa đến 31/12/2019 cho 4 nước Bắc Âu (Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển), 2 nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) và Nga. Đây đều là những thị trường lớn của du lịch Việt Nam (châu Âu chiếm trên 6% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam), Nhật Bản (chiếm 5,4%), Hàn Quốc (chiếm 22%), Nga (chiếm 3,9%).
Nhờ chính sách miễn thị thực đơn phương, các thị trường khách này đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Giai đoạn 2004-2018, lượng khách Nhật Bản tăng trung bình 8%/năm, Hàn Quốc tăng 20%/năm; Giai đoạn từ 2005-2018, lượng khách từ các nước Tây Âu tăng 9%/năm; từ 7/2015-2018, lượng khách từ các nước Bắc Âu tăng trung bình 15%/năm.