Văn Yên tập trung di dời dân vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đang diễn ra, huyện Văn Yên đã chủ động các phương án ứng phó đồng thời khắc phục hậu quả mưa bão, đặc biệt là di dời dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Khu vực xã Yên Phú, Đại Phác của huyện Văn Yên do mực nước suối Thia dâng cao gây ngập úng diện tích lúa cuối vụ và nhiều diện tích hoa màu khác.

Khu vực xã Yên Phú, Đại Phác của huyện Văn Yên do mực nước suối Thia dâng cao gây ngập úng diện tích lúa cuối vụ và nhiều diện tích hoa màu khác.

Huyện Văn Yên có địa bàn rộng, nhiều đồi núi, khe suối, độ dốc cao, dân cư không tập trung nên nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá luôn thường trực, nhất là mùa mưa bão. Trên địa bàn huyện cũng có 121 điểm nguy cơ thiên tai.

Để ứng phó với thiên tai, trước mắt là bão số 3 và hoàn lưu sau bão, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, huyện đã xây dựng phương án, nhanh chóng di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cảnh báo các hộ dân tại các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống, ngập sâu di chuyển, tạm trú đến nơi an toàn.

Thực hiện theo phương châm vận động di dời và kiên quyết cưỡng chế di dời ngay các hộ gia đình có nguy cơ cao về sạt lở đất đến nơi an toàn nhằm đảm bảo tính mạng của người dân, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng phương án di dời dân sống trong vùng nguy hiểm.

Lãnh đạo huyện Văn Yên đã trực tiếp xuống các địa bàn trong điểm nắm bắt tình hình, kiểm tra công tác ứng phó và chỉ đạo công tác di dời trước khi bão đổ bộ và đất liền. Đồng thời, huyện chỉ đạo các địa phương bố trí nguồn lực, trang thiết bị cùng các điều kiện cần thiết, thực hiện phương án phòng chống thiên tai theo các cấp độ với phương châm "4 tại chỗ” bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Các lực lượng chức năng kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy siết; tuyên truyền, triển khai các biện pháp để người dân không vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ.

Ông Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Chúng tôi chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, khu vực khai thác khoáng sản; chủ động triển khai ngay việc di dời những hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của người dân”.

Chỉ trong đêm ngày 7/9, các địa phương của huyện Văn Yên đã di dời, sơ tán 1.229 người dân sống trong khu vực có nguy cơ cao quét và sạt lở đất đến nơi an toàn; trong đó có 111 người sống trong khu vực ngập lụt trên báo động 3 và 209 người sống trong khu vực nguy cơ cao lũ quét, 994 người sống trong khu vực nguy cơ cao sạt lở đất.

Đến thời điểm trước khi bão ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh Yên Bái, số người dân được di dời đến nơi an toàn trên địa bàn huyện Văn Yên lên tới trên 1.300 người.

Các lực lượng tại chỗ đã hỗ trợ người dân di chuyển đồ dùng sinh hoạt, bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ dân, huy động sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, trước mắt là anh em trong gia đình, dòng tộc đảm bảo đời sống sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân.

Ông Hoàng Kim Chung - Chủ tịch UBND xã Đại Phác cho biết: "Trong đêm 7/9, chúng tôi đã di dời 2 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở taluy cao, 15 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt về nơi an toàn. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã sẽ tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến thời tiết duy trì ứng trực 24/24 giờ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại mưa lũ gây ra”.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 trong đêm ngày 7/9, trên địa bàn huyện Văn Yên có mưa to đến rất to. Diễn biến mưa lũ ở các huyện phía Tây của tỉnh cũng đang diễn biến rất phức tạp. Mưa lớn nhiều giờ khiến nước ở các lưu vực tiếp tục đổ mạnh về suối ngòi Hút qua các xã Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Đông An. Nước ở suối Thia cũng đang dâng nhanh do nhà máy thủy điện Đồng Sung xả lũ làm ảnh hưởng đến các xã Đại Phác, An Thịnh, Yên Phú, Yên Hợp, Xuân Ái.

Nước sông suối dâng cao đã gây ngập úng, gẫy đổ gần 153 ha lúa mùa cuối vụ, 26 ha ngô và rau màu, 5 ha quế, làm ngập 150 mét cầu, cống, ngầm tràn.

Ngoài ra, từ đêm 6/9 cho đến nay, các khu vực trong huyện Văn Yên đã có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to kèm theo gió lốc đã làm 83 nhà dân ở các xã Xuân Tầm, Phong Dụ Thượng, Đông Cuông bị tốc mái; gãy đổ 2 cột điện ở xã Đông Cuông và Châu Quế Hạ.

Trên các tuyến đường liên xã, liên thôn, cây cối gãy đổ gây tắc đường cũng đã làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Trước những thiệt hại ban đầu do mưa bão gây ra, các tổ công tác của huyện Văn Yên đã trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 tại các địa phương theo phương châm "4 tại chỗ” đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, tổ chức di dời các hộ nằm trong khu vực nguy cơ cao đến nơi an toàn, đặc biệt là các hộ nguy cơ sạt lở cao, các hộ dân ở các khu vực chân đồi có taluy cao, ven suối…

Bùi Minh – Thu Nhài

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/328447/van-yen-tap-trung-di-doi-dan-vung-nguy-co-cao-den-noi-an-toan.aspx