'Vàng đang có môi trường hoàn hảo để tăng giá'
Nếu chiến tranh thương mại leo thang cao hơn, giá vàng có thể lên mức 1.600 USD/oz...
Nhiều chuyên gia cho rằng vàng đang ở trong một môi trường hoàn hảo để tăng giá, với thương chiến Mỹ-Trung leo thang, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, và các ngân hàng trung ương trên thế giới chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng chính sách tiền tệ.
Sáng 7/8 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao sau trên sàn COMEX ở Mỹ có thời điểm vượt 1.500 USD/oz, mức cao nhất kể từ năm 2013, nâng tổng mức tăng từ đầu năm đến nay lên 17%.
Theo hãng tin Bloomberg, vàng là một trong những tài sản hưởng lợi nhiều nhất từ biến động trên thị trường tài chính toàn cầu do xung đột thương mại ngày càng "nóng" giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mấy ngày gần đây, cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bị đẩy lên một ngưỡng cao mới, khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế lên nốt 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ rớt giá mạnh, và Mỹ chính thức gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.
"Vàng đang phát huy tốt vai trò một tài sản an toàn", Giám đốc phụ trách hàng hóa cơ bản và tỷ giá thuộc mảng quản lý tài sản của ngân hàng UBS, ông Wayne Gordon, nhận định. Theo dự báo của UBS, nếu chiến tranh thương mại leo thang cao hơn, giá vàng có thể lên mức 1.600 USD/oz.
Không chỉ tăng giá trong một môi trường kinh tế nhiều rủi ro, vàng còn hưởng lợi trong môi trường lãi suất giảm, bởi vàng là tài sản không mang lãi suất. Tháng trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có đợt hạ lãi suất đầu tiên trong 1 thập kỷ.
Sức ép mà thương chiến đặt ra cho tăng trưởng kinh tế làm gia tăng khả năng FED phải tiếp tục hạ lãi suất, cho dù trong cuộc họp kết thúc vào hôm 31/7, FED phát tín hiệu không hạ thêm lãi suất trong thời gian còn lại của năm. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo FED sẽ phải hạ lãi suất tổng cộng 3 lần trong năm nay.
Ngoài FED, nhiều ngân hàng trung ương lớn khác cũng đã và đang chuyển sang chính sách tiền tệ mềm mỏng. Ngân hàng Trung ương New Zealand ngày 7/8 hạ lãi suất về mức thấp kỷ lục 1%. Ngân hàng Trung ương Australia được dự báo sẽ tiếp tục hạ lãi suất vào tháng 9, sau đợt giảm lãi suất vào đầu tháng 6.
Những diễn biến về lợi suất trái phiếu trên toàn cầu đang chỉ báo rõ về xu hướng giảm lãi suất và nguy cơ suy thoái kinh tế. Theo dữ liệu của Bloomberg, tổng lượng trái phiếu có lợi suất âm trên thị trường toàn cầu vào thời điểm ngày thứ Hai tuần này là hơn 15 nghìn tỷ USD.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sụt giảm mạnh, và đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đang trong tình trạng đảo ngược - một dấu hiệu suy thoái kinh tế có thể sắp xảy ra.
Với lập trường cứng rắn mà cả Mỹ và Trung Quốc đang thể hiện, giới phân tích dự báo bi quan về khả năng hai nước có thể sớm đi đến một thỏa thuận thương mại.
Goldman Sachs nói không còn hy vọng Mỹ-Trung ký thỏa thuận trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Morgan Stanley thì cảnh báo rằng những đòn ăn miếng trả miếng bằng thuế quan có thể đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái vào khoảng giữa năm sau.
"Chuỗi sự kiện sau lời đe dọa áp thuế của ông Trump đã làm sụt giảm khả năng có một thỏa thuận Mỹ-Trung trong thời gian trung hạn", chiến lược gia Jingyi Pan của IG Asia Pte ở Singapore nhận định. "Trong bối cảnh như vậy, như một lẽ thường, nhà đầu tư tìm đến các tài sản an toàn. Bởi thế, giá vàng còn khả năng tăng cao hơn".
Nhiều nhà đầu tư kỳ cựu đã gom vàng trong thời gian gần đây. Hồi tháng 7, ông Mark Mobius, nhà sáng lập Mobius Capital Partners LLP, nói rằng giá vàng có thể vượt 1.500 USD/oz do lãi suất giảm xuống. "Tôi yêu vàng", ông Mobius nói khi đó.
Tỷ phú Ray Dalio, nhà quản lý quỹ đầu cơ hàng đầu thế giới, thì đã nhận định rằng thị trường có thể đang bắt đầu bước vào một thời kỳ rất có lợi cho giá vàng.
Bên cạnh chiến và lãi suất giảm, còn có những yếu tố khác hỗ trợ cho giá vàng, như nguy cơ Anh rời Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit, mà không có thỏa thuận, hay căng thẳng giữa Mỹ và Iran ở Trung Đông.
Chưa kể, các ngân hàng trung ương đang mạnh tay gom vàng. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc, Nga, Ba Lan, Kazakhstan… đều tăng mạnh nắm giữ vàng trong dự trữ ngoại hối quốc gia.