Vang danh anh hùng và nghĩa hiệp Tô Ký

Gia đình thiếu tướng Tô Ký đón Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đến thăm năm 1970 ở Hà Nội.

Ngày 5/9 vừa qua kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của thiếu tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang Tô Ký. Ông là nhân vật tiêu biểu sinh trưởng ở quê hương cách mạng Mười tám thôn vườn trầu, với một cá tính đặc trưng của tinh thần trượng nghĩa và hào hiệp, dũng cảm và ngang ngạnh, đa năng và khiêm nhường, nhiệt thành và huỵch toẹt, vô tư và gần gũi, thủy chung và năng động…

Cuộc đời tướng Tô Ký gắn liền với mảnh đất thép Hóc Môn - Củ Chi của Gia Định xưa, với Mười tám thôn vườn trầu lừng danh sử sách. Vốn liếng Nho học thời niên thiếu là nguồn tri thức có ảnh hưởng nhiều tới cách sống và ứng xử của ông sau nay, nhất là trong những thời điểm chông gai thử thách. Đồng thời, ông cũng học võ thuật và trở thành một người giỏi võ có hạng, giúp ông tự tin hành xử trong nhiều tình huống éo le, giúp đỡ người yếu thế hoạn nạn, khuất phục nhiều giang hồ hảo hán.

Khi phong trào cách mạng bùng lên ở quê hương Mười tám thôn vườn trầu, Tô Ký đã tham gia tổ chức Thanh niên Dân chủ, rồi được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông gan góc, hăng hái nên rất được tổ chức tin tưởng. Trong một lần đi phân phát truyền đơn cổ động đấu tranh, Tô Ký bị mật thám Pháp bắt giam tại Khám lớn Sài Gòn, kết án một năm tù ở và ba năm đày biệt xứ lên căng Tà Lài nằm sâu trong rừng Cát Tiên, bên bờ sông Đồng Nai.

Thiếu tướng Tô Ký

Thiếu tướng Tô Ký

Xỏ vàm “Ngưu ma vương” và dùng truyện Tàu thuyết phục lính mã tà

Nhằm chuẩn bị tổ chức vượt ngục, cần có sự ủng hộ che chở của bà con người dân tộc Mạ sống quanh vùng, Chi bộ Đảng Cộng sản nhà tù Tà Lài mà trực tiếp là Bí thư Trần Văn Giàu phân công Tô Ký đi thu phục “Ngưu ma vương”.

Lúc ấy, trong đàn trâu một gia đình người Mạ bên sông Đồng Nai có một con trâu cổ to lớn, hung dữ, chưa xỏ vàm, dù chủ trâu đã mời nhiều thợ vàm trâu giàu kinh nghiệm tới xỏ nhưng vẫn không thành. Con trâu cổ này không kéo cày, kéo gỗ mà chỉ ăn no ngủ khì, làm mỗi hai việc: canh giữ cọp và nhảy cái truyền giống. Vùng này nhiều cọp và trâu cổ từng chém chết một con cọp già nhăm nhe mấy chú trâu nghé. Chủ trâu cũng hứa ai mà xỏ vàm trâu cổ được thì sẽ thưởng một đùi heo rừng và một ché rượu cần.

Trần Văn Giàu khéo léo chỉ đạo bắn tin chuyện xỏ vàm trâu cổ để thu hút cả sếp Tây, lính mã tà và nhiều bà con người Mạ tới coi. Đúng hẹn, bến sông người đông như ngày hội. Theo đề nghị của Tô Ký, chủ trâu lùa hết mấy mươi con trâu ra bến. Nhanh nhẹn và tự tin, Tô Ký xuất hiện như một đấu sĩ sắp lên võ đài, chỉ mặc độc chiếc quần xà lỏn, tay cầm sợi dây mây vót nhọn.

Đàn trâu được lùa hết xuống sông một lượt. Cầm dây mây nhảy gọn gàng lên lưng từng con trâu, nhanh như cắt Tô Ký phóng tới lưng con trâu cổ đang bơi chen chật chội giữa đàn trâu. Hai chân kẹp cổ trâu thật chặt, ông trườn dài thân mình ra phía đầu để nằm giữa hai cặp sừng dài nhọn, tay vươn tới nắm mũi trâu và lấy dây mây nhọn đâm cái sựt, rồi kéo dây thật nhanh buộc chặt vào mang tai trâu. Chân trâu cổ đang bơi chơi vơi giữa dòng nước, lại bị kẹt chặt giữa đàn trâu đông đúc, nên dù tức lồng lộn cũng không thể phản ứng gì được. Cả bến sông vang dậy tiếng vỗ tay, hò reo hoan hô Tô Ký!

Theo kế hoạch, vào một đêm sau Tết Tân Tỵ - năm 1941, một cuộc vượt ngục của những người tù cộng sản đã diễn ra. Nhờ chiếm được cảm tình của đồng bào người dân tộc Mạ sau vụ Tô Ký xỏ vàm trâu cổ, nên dù bọn cai ngục Pháp treo giải thưởng và ra lệnh cho người Mạ vào rừng tìm bắt tội phạm, nhưng ông cùng các đồng chí của mình vẫn an toàn ẩn náu và trốn thoát khỏi núi rừng Tà Lài.

Đoàn tù 8 người vượt ngục chia làm hai nhóm. Một nhóm 5 người cải trang chạy về hướng Sài Gòn. Còn nhóm 3 người là các ông Trần Văn Giàu, Châu Văn Giác và Tô Ký băng rừng trốn lên Đà Lạt. Tuy nhiên, do thực dân Pháp ra lệnh truy nã gắt gao, hình ảnh 8 tù nhân cộng sản dán khắp nơi, nên chẳng bao lâu sau riêng Tô Ký bị địch bắt trên cao nguyên và đưa về Sài Gòn giam giữ. Ở trong tù ông còn lấy thân mình che chở, đỡ đòn cho những bạn tù chính trị sức khỏe yếu bị địch tra tấn. Vì còn trẻ và chưa giữ vị trí quan trọng nào trong tổ chức nên Tô Ký chỉ bị tòa kêu án sáu tháng tù, đưa lên giam ở căng Bà Rá, rồi chuyển lên khám Tây Ninh.

Thời kỳ ở ngục Tây Ninh chủ yếu Tô Ký làm tạp dịch, lo chuyện bếp núc nấu ăn cho cai ngục và tù nhân. Nhờ tài ăn nói khéo léo, biết sử dụng thành ngữ Hán học dịch ra quốc ngữ, đặc biệt là thuộc làu nhiều truyện tích của Trung Hoa, nên ở đâu Tô Ký cũng làm quen thân dễ dàng các viên cai ngục và lính canh. Đêm đêm, bên chén nước trà, lính canh ngồi mê mẩn nhìn Tô Ký múa võ và kể chuyện Thuyết Đường, Hán Sở tranh hùng, Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy hử… Họ dần “ghiền” truyện tích, võ nghệ và nể phục ông. Vì lẽ đó, ngày 9/3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Tô Ký dễ dàng vận động thuyết phục lính mã tà giao súng cho tù chính trị để cùng bỏ trốn.

Ra Bắc về Nam và mãi mãi yên nghỉ ở vườn trầu

Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công, một đại đội gồm 120 lính Pháp của Trung đoàn số 5 thuộc địa đã trà trộn vào đơn vị đầu tiên của quân Anh - Ấn đến Sài Gòn, tái xâm lược nước ta.

Nhằm có một lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến, Tỉnh ủy Gia Định và Xứ ủy Nam Bộ đã quyết định thành lập Giải phóng quân liên quận từ ba đơn vị nhập lại. Ngày 1/11/1945, tại làng Mỹ Hạnh Bắc, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An ngày nay, Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa chính thức được thành lập. Tô Ký làm Chỉ huy trưởng và ông Trần Văn Trà làm Chính trị viên.

Cách đây vừa đúng 20 năm, vào mùng 2 Tết Kỷ Mão - năm 1999, thiếu tướng Tô Ký bất ngờ nhắm mắt xuôi tay ở tuổi bát tuần. Cả đời vào tù ra khám, xông pha trận mạc, ra Bắc vào Nam, bây giờ thì “hùm xám” Tô Ký đã trở về an nghỉ tại khu vườn ấu thơ yên tĩnh quê hương Mười tám thôn vườn trầu. Quanh ông vẫn âm vang những huyền thoại về một danh tướng nghĩa hiệp và anh hùng được mãi mãi truyền tụng.

Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, Giải phóng quân liên quận còn làm công tác vận động chính trị, dân vận, phân hóa các lực lượng ô hợp để thống nhất các đơn vị vũ trang. Giải phóng quân liên quận đã trở thành lực lượng nòng cốt thành lập các Chi đội 12, 14 và 15. Lúc chuẩn bị đón cái Tết kháng chiến đầu tiên năm 1945-1946, Chi đội trưởng Tô Ký đã đưa Chi đội 12 làm cuộc “chinh Đông” qua Tân Uyên phối hợp với Chi đội 10 của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ bày binh bố trận ngăn chặn giặc Pháp từ Biên Hòa tấn công lên chiến khu Đ. Bị phục kích bất ngờ, quân Pháp chịu một số tổn thất và thoái lui không dám lấn chiếm căn cứ địa kháng chiến.

Bấy giờ, tình hình quân sự ở Sài Gòn - Nam Bộ rất phức tạp, nhất là lực lượng Bình Xuyên. Tô Ký đã đích thân đến các đơn vị, gặp từng chỉ huy để tìm cách thuyết phục, dàn xếp nhằm ổn định lực lượng đồng lòng chống Pháp. Giữa lúc Tô Ký đang rối bời thì tướng “độc nhãn” Nguyễn Bình xuất hiện với danh nghĩa Đặc phái viên Trung ương, như một vị cứu tinh cho Nam Bộ đang thời kỳ “hỗn quân hỗn quan”. Tô Ký cùng Trần Văn Trà, Huỳnh Văn Nghệ đã giúp Nguyễn Bình từng bước thống nhất các lực lượng vũ trang Nam Bộ, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi.

Năm 1954, tập kết ra Bắc, Tô Ký lần lượt nhận nhiệm vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy Sư đoàn 338, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Chính ủy kiêm Bí thư Quân khu ủy Quân khu Hữu Ngạn, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 3. Đứng trước tình hình căng thẳng do bộ đội tập kết từ miền Nam muốn sớm trở về giải phóng quê hương, Tô Ký đã gặp gỡ thuyết phục ổn thỏa từng đơn vị, cá nhân chờ chỉ thị của Trung ương. Sau đó, ông điều động 4.000 quân dự bị về miền Nam chiến đấu, tiếp nhận và điều trị hàng vạn thương binh từ chiến trường…

Thiếu tướng Tô Ký cũng chỉ huy bộ đội xây dựng 7 nông trường kinh tế, tích cực tham gia công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, đắp đê Chương Mỹ, Mai Lâm… Đặc biệt, khi nước nhà thống nhất, sắp nghỉ hưu, nhờ uy tín và tính cách “Anh Ba” Nam Bộ, ông còn được biệt phái sang đặc trách công tác dầu khí ở phía Nam, sát cánh cùng tướng Đinh Đức Thiện xây dựng ngành kinh tế mũi nhọn còn non trẻ này. Tô Ký để lại nhiều giai thoại xúc động khi lo chạy tiền, lương thực, thực phẩm, vải vóc… giữa hoàn cảnh đầy khó khăn thiếu thốn để nuôi người lao động. Ông được ngành dầu khí xem như “cây đũa thần” mang lại nhiều điều kỳ diệu.

PHAN HOÀNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/230197/vang-danh-anh-hung-va-nghia-hiep-to-ky.html