Vàng đi ngang quanh mốc 2.390 USD/ounce sau tuần 'rung lắc' mạnh
Giá vàng thế giới trong tuần gần cuối của tháng 7/2024 đã có thời điểm giảm sâu do áp lực chốt lời nhưng tăng trở lại sau khi có số liệu giá tiêu dùng cá nhân của Mỹ. Cuộc họp của Fed và BOJ tuần này tiếp tục là chỉ dấu quan trọng cho thị trường.
Giá vàng thế giới ghi nhận biến động mạnh trong tuần gần cuối tháng 7 khi có thời điểm giảm tới hơn 1% dưới áp lực chốt lời của các nhà đầu tư. Thị trường thận trọng trước các dữ liệu kinh tế. Cuối tuần trước, theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – một thước đo lạm phát quan trọng của Mỹ trong tháng 6 đã tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với dự báo mà giới chuyên gia đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones - theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ. Trước đó, PCE tháng 5 tăng 0,1% so với tháng trước và 2,6% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ đặt cược của các nhà giao dịch vào khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện hạ lãi suất điều hành vào tháng 9 tới. Theo công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch, không còn nhà giao dịch cho rằng Fed sẽ duy trì khung lãi suất điều hành hiện tại. Trong khi đó, phần đa đặt cược vào khả năng Fed hạ khung lãi suất quỹ liên bang 25 điểm cơ bản về khoảng 5-5,25%, thậm chí một số kỳ vọng Fed có thể hạ lãi suất sâu hơn (giảm 50 điểm cơ bản).Trong khi đó, tại Trung Quốc, PBoC đã bất ngờ tiến hành thay đổi chính sách cho vay trung hạn (MLF) và cắt giảm lãi suất sau một loạt đợt giảm lãi suất khác vào đầu tuần này.
Kết thúc cuối tuần trước, giá vàng giao ngay giao dịch ở khoảng 2.390 USD/ounce. Khởi đầu tuần mới, vàng thế giới có thời điểm chạm mốc 2.400 USD/ounce nhưng khá chóng vánh. Hiện giá vàng giao dịch tại 2.392 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8/2024 trên sàn Comex New York đạt 2.391,7 USD/ounce, xấp xỉ giá vàng giao ngay khi thời điểm đáo hạn hợp đồng tương lai đến gần.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC điều chỉnh vào đầu tuần trước và tiếp tục duy trì trong cả tuần. Giá vàng miếng SJC bán ra tiếp tục neo tại 79,5 triệu đồng/lượng, tiếp tục cao hơn 1 triệu đồng/lượng so với giá bán ra bình ổn của Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn tăng theo biến động trên thế giới và vẫn đang thấp hơn giá vàng miếng khoảng 1,5 triệu đồng/lượng. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng nhẫn mua vào ở mức 75,6 triệu đồng/lượng trong khi bán ra tại 77,05 triệu đồng/lượng. Tại Bảo tín Minh Châu, giá mua vào nhỉnh hơn 280.000 đồng mỗi lượng khi hãng này chấp nhận thu mua với giá 75,88 triệu đồng cho mỗi lượng vàng.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá không còn đối diện áp lực lớn như thời gian trước nhờ chỉ số US Dollar Index (DXY) đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ 6 tiền tệ mạnh vẫn đang đi ngang quanh 104,3 điểm
giá USD tự do tiếp tục giảm dù chỉ khoảng 10 đồng mỗi chiều. Khảo sát tại một số cửa hàng, mỗi USD đang được mua vào ở mức 25.620 đồng trong khi bán ra 25.720 đồng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đầu tuần nhích nhẹ tỷ giá trung tâm thêm 3 VND/USD, lên 24.252 VND/USD. Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại tăng tương ứng và vẫn vẫn đang yết tỷ giá bán ra ở mức kịch trần, cao hơn 5% so với tỷ giá trung tâm. Tại Vietcombank, tỷ giá đang được niêm yết ở mức 25.124 VND/USD (mua chuyển khoản) và 25.464 VND/USD (bán ra).
Chia sẻ tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư cuối năm 2024” do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá vàng hạ nhiệt thời gian tới. “Dự báo của tôi là vàng có thể lên mức 2.500 USD/ounce năm nay, và có thể lên tới 3.000 USD/ounce năm tới. Hiện tại không thấy có yếu tố nào có thể tác động làm giảm giá vàng”, chuyên gia này nhận định.
Tuy vậy, không luôn “đồng pha” với diễn biến thế giới, thị trường vàng trong nước hầu như đóng băng do nguồn cung rất hạn chế, người dân rất khó mua vàng. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thị trường vàng trong nước rất rủi ro, về lâu dài nên có giải pháp để thị trường vàng đi theo nguyên tắc cung cầu.