Vang dội chiến thắng Bình Ca
Trong Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947, quân, dân Tuyên Quang đã có nhiều trận thắng lớn; trong đó, chiến thắng Bình Ca mở đầu cho những trận thắng trên mặt trận sông Lô góp phần bảo vệ an toàn Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương. Dòng Lô xanh đã trở thành bản hùng ca về ý chí và tinh thần dân tộc, tạo niềm tin cho quân và dân ta trước kẻ thù xâm lược.
Đầu tháng 10/1947, thực dân Pháp huy động 12.000 quân tinh nhuệ gồm 5 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 3 đại đội cơ giới với 800 xe cơ giới, 2 phi đội gồm 40 máy bay ném bom trinh sát, vận tải, 1 thủy đội gồm 40 tàu chiến, ca nô và một số đơn vị lính thủy đánh bộ thực hiện tiến công lên căn cứ Việt Bắc.
Trên cơ sở phán đoán âm mưu, hành động của thực dân Pháp, ngày 8/10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi chiến sĩ, đồng bào ra sức tiêu diệt địch.
Ngày 9/10/1947, quân Pháp do Trung tá Commumal chỉ huy từ Hà Nội ngược sông Hồng, sông Lô lên Tuyên Quang, bao vây Việt Bắc từ phía Tây. Lực lượng dự bị của địch nằm sẵn ở các sân bay sẵn sàng nhảy dù xuống những nơi phát hiện có cơ quan đầu não của ta. Với lực lượng hùng hậu như vậy, Bộ chỉ huy Pháp cho đây là “một kế hoạch hoàn hảo, có khả năng đi đến kết thúc chiến tranh”.
Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm “đánh mạnh ở mặt sông Lô và đường số 4, phá vận tải, tiếp tế của địch, phục kích các đường rừng, đánh đường sông; tại căn cứ của địch luôn quấy rối, đối với vị trí nhỏ bao vây tiêu diệt. Các Khu đánh mạnh để phối hợp với Việt Bắc”.
Chỉ thị của Trung ương Đảng và quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch đã trở thành khẩu hiệu hành động và ý chí chiến đấu của quân và dân ta trên toàn chiến trường Việt Bắc.
Với nhiều chiến thắng quân sự quan trọng, quân và dân Tuyên Quang đã anh dũng chiến đấu góp phần làm thất bại hoàn toàn cuộc tấn công của thực dân Pháp.
Bến Bình Ca, thuộc thôn Bình Ca, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là trọng điểm giao thông trên quốc lộ 13A (nay là quốc lộ 37) nối Việt Bắc với Tây Bắc, là cửa ngõ An toàn khu của Trung ương. Ngày 11/10/1947 dưới sự yểm trợ của máy bay, đoàn tàu địch đã qua Việt Trì, Đoan Hùng vượt sông Lô tiến về Tuyên Quang.
Ngày 12/10/1947, đoàn tàu chiến của quân Pháp đi vào khu vực bến Bình Ca. Trung đội 12 thuộc Đại đội 4 của Tiểu đoàn 42 đã dùng súng Badôka do quân giới Việt Nam sản xuất đã bắn chìm pháo thuyền LCVP (là tàu đổ bộ loại loại trung dài 11m, chở được một trung đội trang bị 01 pháo 20mm, trọng tải tối đa 15 tấn) của Pháp.
Ngày 13/10/1947, khi Pháp đổ bộ lên bến Bình Ca nhằm đi vào Tân Trào, quân ta chờ quân Pháp lọt vào trận địa phục kích và giật bom mìn, đồng loạt nổ súng, ném lựu đạn tiêu diệt 20 lính Pháp, đánh lui cuộc đổ bộ của quân Pháp vào Bình Ca.
Chiến thắng Bình Ca là chiến thắng mở đầu cho những chiến công trên sông Lô, bước đầu bảo vệ vững chắc cửa ngõ phía Tây của An toàn khu.
Cố Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca có kể lại rằng: Tiểu đoàn Bình Ca là một bộ phận của Trung đoàn Thủ đô được lệnh hành quân cấp tốc lên Việt Bắc. Khi giặc Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn thì chúng tôi nhận mệnh lệnh của Bộ Tổng tham mưu, do một sĩ quan đi ngựa đến bìa rừng gọi tên tôi và Tiểu đoàn trưởng Vũ Phương ra nhận lệnh. Tôi chạy ra, đứng nghiêm chào và được nhận một bì thư. Khi mở ra là một mệnh lệnh được viết bằng tay với nội dung: “Tiểu đoàn 42 sống chết với con đường Bình Ca - Thái Nguyên”. Ở dưới ký tên Văn. Chỉ một câu ngắn gọn như vậy.
Sau chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông năm 1947, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư khen Tiểu đoàn 42 với nội dung “Trận Bình Ca tiểu đoàn 42 đã đánh lui một trận đổ bộ của giặc, xung phong cướp súng, bắn chìm pháo thuyền, ghi một chiến công đầu tiên mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên sông Lô.” Lời khen này đã được thêu trên lá cờ chiến thắng của tiểu đoàn.
Với quân và dân tỉnh Tuyên Quang Tuyên Quang, chiến thắng tại bến Bình Ca là động lực để người dân nơi đây thêm vững tin vào kháng chiến, là tiền đề cho những trận đánh lớn trên mặt trận sông Lô sau này.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vang-doi-chien-thang-binh-ca-post765292.html