Vầng dương soi sáng tâm hồn, trí tuệ
Hiếm có hoạt động văn hóa nào của con người lại được cổ kim đông tây quan tâm, bàn bạc nhiều như việc đọc sách.
Dẫu Ngày Sách Việt Nam (21-4) năm nay không rộn ràng như mọi năm vì đại dịch Covid-19, nhưng tinh thần ham mê đọc sách vẫn là một trong những cách tiếp cận, thâu tóm tinh hoa tri thức nhân loại hữu hiệu nhất.
Thời xa xưa, các bậc văn nhân, danh nho, kẻ sĩ coi sách quý hơn cả bạc vàng, như nhà bác học Lê Quý Đôn từng nói: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/ Không bằng kinh sử một vài pho”. Bởi thế mà khi nói đến sách là nói đến quyền sở hữu của những bậc quân tử, quan lại và tầng lớp xã hội bề trên thời phong kiến. Hình ảnh đọc sách cũng thường được liên tưởng đến thú vui tao nhã của các bậc quyền quý cao sang. Trong cùng thế kỷ 15, từ phương Tây, nữ nhà văn người Italy Christine de Pisan quan niệm “Đọc sách là một phần đối với bổn phận của người phong nhã”, thì ở phương Đông, đại văn hào nước Việt là Nguyễn Trãi cũng thưởng thức thú vui đèn sách qua hai câu thơ “Án sách cây đèn hai bạn cũ/ Song mai liên trúc một lòng xanh”. Đối với Cao Bá Quát, ông coi việc “Xem sách, đôi mắt như có vạn ngọn đèn” (“Khán thư song nhãn vạn niên đăng”). Đối với nhà tư tưởng chính trị vĩ đại dưới thời đại Khai sáng người Pháp Montesquieu (1689-1755), không những đề cao việc đọc sách khi khẳng định: “Thích đọc sách tức là biết đánh đổi những giờ phút buồn tẻ không thể tránh được trong cuộc đời lấy những giờ phút lý thú” mà ông còn chia sẻ: “Sau một giờ đọc sách thì nỗi đau khổ nào của tôi cũng biến mất”.
Là một dân tộc có bề dày lịch sử truyền thống Nho giáo và đề cao đạo học, người Trung Quốc quan niệm những người ham đọc sách tuy có thể chưa thành danh nhưng cũng đã có một tư cách cao thượng.
Tuy diễn đạt, ý tứ khác nhau, nhưng cả người phương Đông lẫn phương Tây xưa nay luôn đề cao giá trị của sách, ý nghĩa của việc đọc sách và coi sách vừa là người thầy hiểu biết, người bạn tri âm, vừa là người đồng hành thân thiết trong hành trang cuộc đời. Bởi không có gì khai trí dưỡng tâm, nâng đỡ tinh thần con người thuận lợi như những cuốn sách quý, như nhà tâm lý học xã hội người Pháp Gustave Le Bon (1841-1931) đúc kết: “Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt. Một người bạn tốt cho ta một điều hay”.
Sách không chỉ là gốc rễ của tri thức mà còn là một trong những cách thức học tập hiệu quả, như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”. Theo Bác, siêng xem sách và xem được nhiều sách là quý, nhưng không mang những kiến thức trong sách để vận dụng vào cuộc sống, lao động sản xuất thì chẳng khác nào “cái hòm đựng sách”. Nói thế để thấy, mục đích của đọc sách không phải chỉ để làm giàu kiến thức, làm giàu đời sống văn hóa tinh thần cho con người mà quan trọng hơn phải biến những điều đã đọc, học trong sách thành những nếp nghĩ hay, ứng xử đẹp, thói quen tốt, kỹ năng làm việc thuần thục hơn, hiệu quả hơn.
Ngẫm ra những lời khuyên nhủ, nhắn gửi, khơi gợi của các bậc danh nhân về việc đọc sách luôn như vầng dương soi sáng tâm hồn, trí tuệ con người qua bao năm tháng và còn nguyên giá trị đến hôm nay. Dù cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ hội cho sách điện tử lên ngôi và trở thành một trong những xu hướng đọc tiện lợi trong thời đại công nghệ số, có sức hấp dẫn với công chúng, nhất là giới trẻ, nhưng không vì thế mà những cuốn sách in suy giảm vị thế, vai trò của mình. Thông qua từng trang sách in, người đọc luôn tìm thấy ở đó sự lắng đọng sâu sắc, sự chiêm nghiệm tinh tế, sự liên tưởng phong phú hơn. Hay nói cách khác, đọc sách in sẽ góp phần tạo lập được nền tảng và chiều sâu tri thức bền vững hơn trong tâm trí, ký ức con người.