Vàng lấy lại ngưỡng 1.900 USD/ounce, chờ cơ hội bứt phá
Giá vàng quốc tế sáng ngày 15/10 lấy lại ngưỡng 1.900 USD/ounce sau chuỗi nhiều phiên giảm giá và mặt hàng kim quý này đang được kỳ vọng sẽ bứt phá thời gian tới.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á ở mức 1891,5 USD/ounce, giảm gần 1 USD so với giá mở phiên sáng ngày hôm qua.
Vàng tăng giá trở lại do giá USD suy yếu và những bất ổn xung quanh cuộc bầu cử Mỹ. Đồng thời, hôm qua là ngày công bố Chỉ số giá tiêu dùng CPI ở Hoa Kỳ - một chỉ báo quan trọng đo lường giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 9, chỉ số này tăng ở mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua, cho thấy ít sự lo ngại về việc lạm phát tăng nhanh khi nền kinh tế phục hồi.
Chỉ số giá tiêu dùng sau khi loại bỏ các hàng hóa nhạy cảm như thực phẩm và chi phí xăng dầu, thường được các nhà điều hành của Fed xem là một chỉ báo đáng tin cậy hơn về xu hướng của giá cả, đã tăng 0,2% trong tháng 9 sau khi tăng 0,4% trong tháng 8 trước đó.
Tính trong cả năm, chỉ số giá cơ bản trên đã tăng 1,7% theo số liệu công bố bởi Bộ Lao động Mỹ vào thứ 3. Chỉ số CPI tổng thể cũng tăng 0,2%, sau khi tăng 0,4% trong tháng 8. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số trên đã tăng 1,4%, trong khi đó mức tăng trong tháng 8 là 1,3%.
Chính những yếu tố trên sẽ tác động tích cực lên giá mặt hàng kim quý vàng. Thị trường vàng thế giới trong tuần vừa rồi khá trầm lắng khi chỉ các ETF tại khu vực châu Âu mua vào 9,1 tấn, trong khi châu Á bán ra 0,1 tấn.
Nếu như trước đây, các quỹ đầu tư ETF vào vàng khu vực Bắc Mỹ giao dịch sôi động nhất cùng lượng mua vào kỷ lục thì tuần vừa rồi gần như hoàn toàn yên lặng.
Còn diễn biến tuần nay, các quỹ ETF nắm giữ lượng vàng lớn nhất thế giới. SPDR Gold Trust cũng chỉ mới mua hơn 6,4 tấn.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã đảo chiều cùng với thông tin kết quả thăm dò cho thấy ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden đang dẫn đầu cuộc bầu cử và nhà đầu tư đang lo lắng với viễn cảnh hàng loạt chính sách sẽ thay đổi, thậm chí có thể tạo nên cơn địa chấn mới.
Tâm lý lo ngại gia tăng thúc đẩy nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ tiền mặt để có được thế chủ động. Hiện chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones đã về mốc 28.514 điểm, tương ứng mất gần 166 điểm. Trong khi đó, Nasdaq cũng đã mất hơn 95 điểm về 11.768,7 điểm, S&P500 mất 23,3 điểm về 3.488,67 điểm.
Tuy nhiên, Ngân hàng CIBC (Canada) dự đoán giá vàng đạt trung bình 2.300 USD/ounce vào năm 2021, quy đổi tương đương hơn 64,5 triệu đồng/lượng. Nhưng CIBC cho rằng kim loại quý sau đó sẽ thụt lùi còn 2.200 USD/ounce vào năm 2022...
Đối với thị trường vàng trong nước, tính đến 8h30 sáng nay, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ở cả 4 khu vực TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hà Nội ở mức giá 55,85 - 56,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giá không đổi so với đóng phiên chiều qua.
Giá vàng miếng PNJ, nhẫn trơn PNJ, miếng vàng 24K Phúc, Tài, Lộc được PNJ niêm yết ở mức 53,4 - 53,9 triệu đồng/lượng, giá ổn định so với cuối phiên chiều qua.
Đến 10h giá vàng SJC do Công ty SJC niêm yết ở mức 55,8 - 56,3 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ ở chiều mua vào và tăng nhẹ ở chiều bán ra so với đầu giờ sáng
Sáng nay, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ở mức hơn 3,1 triệu đồng/lượng (chưa loại trừ phí, thuế), tính theo tỷ giá quy đổi tại Ngân hàng Vietcombank sáng nay ở mức 23.270 đồng/USD.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vang-lay-lai-nguong-1900-usdounce-cho-co-hoi-but-pha-d131398.html