Vang mãi bản hùng ca Tây tiến

Đã hơn 70 mùa xuân qua đi kể từ khi đoàn binh 'không mọc tóc' hùng dũng cắt núi, băng rừng, vượt sông tiến về mặt trận Tây Bắc. Âm vang hào hùng, bi tráng vẫn còn vọng mãi những chiến công oanh liệt nơi miền biên viễn phía Bắc Tổ quốc.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Pany Yathotou, Chủ tịch Quốc hội Lào dâng hương tại Khu Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Pany Yathotou, Chủ tịch Quốc hội Lào dâng hương tại Khu Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến.

Ảnh: Đức Cường

Thời bi tráng của máu và hoa

Sau cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, nhưng vận mệnh của dân tộc đứng trước nguy cơ “ngàn cân treo sợi tóc”. Tại miền Bắc, quân Tưởng Giới Thạch kéo vào cùng với bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách Đại Việt phục quốc, mưu mô lập ra một chính phủ tay sai phản cách mạng. Ở Nam Bộ, quân Pháp núp bóng lực lượng đồng minh quân Anh và quân Ấn nổ súng xâm lược tại nhiều nơi. Phía biên giới Việt -Trung, hai tiểu đoàn lính Pháp kéo quân từ Vân Nam (Trung Quốc) tiến vào Bắc Lào, tràn sang đánh chiếm tỉnh Lai Châu, đóng giữ Điện Biên Phủ. Sau hiệp định sơ bộ 6/3/1946, thực dân Pháp đánh xuống Sơn La, hà hơi, tiếp sức nuôi dưỡng tay sai phản động ra sức chống phá cách mạng, đàn áp, bóc lột thậm tệ dân nghèo.

Xác định tầm quan trọng đặc biệt của địa bàn chiến lược vùng Tây Bắc, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định hình thành tổ chức đơn vị vũ trang và đưa nhiều cán bộ tiến lên Tây Bắc, phối hợp với lực lượng tại chỗ để giành và giữ chính quyền. Ngày 27/2/1947, trung đoàn Tây Tiến chính thức thành lập tại Mai Châu (Hòa Bình). Những chàng trai còn là học sinh, sinh viên, tuổi mười lăm, mười bảy phơi phới sức xuân, sôi sục khí thế lên đường, tiến vào vùng “rừng thiêng nước độc”. Hành trang của họ là sự thiếu thốn quân trang, quân dụng, vũ khí, thuốc men, chỉ ý chí và nhiệt huyết là có thừa.

Dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Hiến Mai, đặc phái viên Chính phủ và đồng chí Hoàng Sâm, tư lệnh chiến khu trực tiếp lãnh đạo, dù thế và lực còn non yếu, chưa có kinh nghiệm chiến đấu, sự chuẩn bị, trang bị về vũ khí còn thiếu thốn.., thế nhưng, các đơn vị Tây Tiến vẫn ngoan cường chiến đấu ngăn chặn địch, vừa củng cố phát triển lực lượng, vừa vận động đồng bào xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân. Hàng loạt chiến công vang dội, từ Chiềng Công, Mường Lát, Sầm Nưa, cho tới Mai Châu, Đà Bắc... đã được các chiến sĩ Tây Tiến lập nên.

“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” đó là tinh thần chung của bộ đội Tây Tiến. Trong những khó khăn chồng chất, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc, vừa chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, vừa đối mặt với kẻ thù hiểm ác, có biết bao nhiêu chiến sĩ “gục lên súng mũ bỏ quên đời”. Họ đã ra đi vì nghĩa lớn, nhẹ nhàng bước vào cõi bất tử. Mỗi ngọn núi, mỗi con suối trên dải đất biên cương phía Bắc đều thấm máu các anh đã hy sinh để bảo vệ. Lớp sau, kế lớp trước, những tráng sĩ vẫn vô cùng lạc quan, họ vẫn yêu cái đẹp, vẫn lãng mạn, hào hoa. Chính sự lạc quan, yêu đời vượt lên gian khổ, ác liệt ấy, những cán bộ, chiến sĩ Tây Tiến đã để lại cho đồng bào Tây Bắc, các dân tộc Lào anh em muôn vàn kỷ niệm khó quên, những mối tình quân dân sâu lặng, tình đồng chí, đồng đội còn vang vọng mãi với non sông, đất nước. Dọc biên cương Việt Lào ngược lên Tây Bắc sẽ còn in đậm mãi về giai đoạn hào hùng của dân tộc, đọng lại mãi với thời gian về dấu ấn đoàn quân Tây Tiến.

Viết tiếp bản hùng ca

Chiến tranh đã lùi xa, đa số thế hệ Tây Tiến, nay đã hội quân về miền thiên cổ. Những chứng tích về một thời vẻ vang của cha ông sẽ còn mãi để những thế hệ sau tiếp bước, tiếp tục kế thừa những di sản tinh thần, văn hóa, truyền thống của thế hệ đi trước, vượt lên trong thử thách, tiếp nối những vinh quang trong hiện tại và tương lai.

Toàn cảnh Khu Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, Mộc Châu.

Toàn cảnh Khu Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, Mộc Châu.

Ảnh: Đức Cường

Trở lại với “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”, địa danh “Mường Hịch cọp trêu người”, nơi ra đời đoàn quân Tây Tiến, cũng là nơi đặt trụ sở của Mặt trận Tây Tiến khi xưa, nay là xã anh hùng Mai Hịch, trù phú, bình yên, chỉ mai mốt sẽ trở thành xã nông thôn mới. Lòng chảo Mai Châu giờ sở hữu vẻ đẹp mê hồn của phố xá, làng mạc, đồng lúa trĩu bông thẳng cánh cò bay. Chính tinh thần Tây Tiến mà ngay từ những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, người Mai Châu đã biết làm homestay ở Bản Lác và trở thành điểm đến đầy thú vị đối với du khách. Năm 2015, Bản Lác được Tạp chí Business Insider của Mỹ đánh giá là nơi có nền văn hóa bản địa rất đáng khám phá và là một trong 10 địa điểm du lịch mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị. Thung lũng Mai Châu lãng mạn trong thơ Quang Dũng, giờ như thỏi nam châm thu hút hàng chục nghìn khách quốc tế mỗi năm, trong đó có không ít những con, cháu của thế hệ lính Pháp từng đối đầu với những tài tử Tây Tiến oai hùng hơn 70 năm trước. Vẫn còn đó thấp thoáng vẻ hoang sơ, bảng lảng sương bay, lãng mạn, bâng khuâng dội về từ lịch sử.

Quốc lộ 6 độc đạo, cheo leo vách đứng, giờ thênh thang xe cộ ngược xuôi. Dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu rồi đây sẽ lại kết nên sợi dây phát triển mới, vắt qua những hào hùng của lịch sử nối liền đến tương lai, đẩy lùi những gian khó vào quá vãng xa xôi, kéo Tây Bắc gần hơn với Thủ đô Hà Nội.

Dưới chân núi Pha Luông huyền thoại, giờ đây Châu Mộc đã là hòn ngọc quí của ngành du lịch, là biểu tượng tương lai của miền biên viễn Tây Bắc tổ quốc. Vóc dáng của Khu du lịch quốc gia đang mỗi ngày hiện hữu gần hơn với hàng loạt dự án du lịch triệu đô: Khu du lịch rừng thông bản Áng, resort Thảo Nguyên, khách sạn Mường Thanh, khu du lịch Thác dải yếm... Nông trường quốc doanh Mộc Châu thánh thót “tiếng hát thanh xuân trên đồng cỏ” của các chiến sĩ năm nào, giờ là làng chè xanh mướt, thủ phủ của sản phẩm chè shan tuyết nức tiếng đã vươn ra toàn cầu, là đại bản doanh của Mộc Châu Milk đang vươn mình chinh phục thương hiệu quốc gia.

Khu Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến - Điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Khu Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến - Điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Ảnh: Đức Cường

Tiếng dội về từ lịch sử, tiếng dội về từ quá khứ hào hùng, bi tráng đang mỗi ngày ngân lên khúc ca của tương lai. Xung quanh quần thể khu lưu niệm di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến nguy nga, soi khắc bóng hình lên nền trời xanh thẳm, các thế hệ con cháu đồng bào Thái, Mường, Mông, Dao... đang mỗi ngày thi đua học tập, rèn luyện dưới mái trường chuẩn Quốc gia mang tên Tây Tiến. Những kỹ sư, doanh nhân, nhà khoa học... của thế kỷ 21 đang từng ngày được bồi đắp ý chí và khát vọng của cha ông, vững vàng đứng lên, nâng đôi vai của lịch sử để gánh vác và kiến thiết sự hùng cường cho miền cương thổ thiêng liêng Tổ quốc.

Xưa kia, các thế hệ cha anh không cam chịu làm nô lệ, đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm, viết nên bản hùng ca Tây Tiến bằng máu của tim mình, bằng ý chí và khát vọng hòa bình, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hôm nay, chúng ta phải có trách nhiệm viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc, quyết tâm phát huy tinh thần Tây Tiến, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo thực hiện công cuộc đổi mới, lập nên kỳ tích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng miền Tây ngày càng giàu mạnh, ấm no, thịnh vượng.

Những ngày đầu xuân mới, trong âm vang của bản hùng ca chiến thắng vọng về, chúng ta kính cẩn nghiêng mình tri ân các chiến sĩ Tây Tiến đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh và để lại cho con cháu muôn đời bản hùng ca oai hùng khắc vào lịch sử. Chúng ta nguyện nhận lãnh xứ mệnh viết nên trang sử mới cho miền Tây yêu dấu.

Trường Chinh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/vang-mai-ban-hung-ca-tay-tien-37576