Vang mãi bản hùng ca thời đại
a
Tượng đài chiến thắng Tu Vũ là “địa chỉ đỏ” thường xuyên được các cựu chiến binh, lực lượng vũ trang, ĐVTN và người dân đến tham quan, tìm hiểu truyền thống lịch sử.
(baophutho.vn) - Tròn bảy thập niên trước, với chiến thuật sáng tạo, ý chí chiến đấu sắt đá, quả cảm phi thường, các chiến sỹ Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) cùng quân và dân Thanh Thủy đã giáng đòn sấm sét, đập tan cứ điểm “bất khả xâm phạm” Tu Vũ, mở rộng vùng kháng chiến, làm phá sản hoàn toàn âm mưu xây dựng “Xứ Mường tự trị” của quân xâm lược. Hào khí chiến thắng thể hiện tinh thần anh hùng cách mạng qua thời gian đã và đang được Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân huyện Thanh Thủy gìn giữ, phát huy lên tầm cao mới trong việc tập trung nguồn lực xây dựng quê hương giàu đẹp, trù phú, xứng đáng với truyền thống anh hùng, hiện thực hóa mong muốn của thế hệ cha ông đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc…
Chiến công bên dòng Đà giang
Ngược dòng lịch sử, sau thất bại ở mặt trận biên giới Thu Đông 1950, bị tấn công liên tiếp ở trung du và một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thực dân Pháp lâm vào thế bị động phải phòng ngự. Để giành lại quyền chủ động trên chiến trường, mùa đông năm 1951, Pháp mở cuộc tiến công lên Hòa Bình với âm mưu xây dựng “Xứ Mường tự trị”. Thực dân Pháp đã tập trung quân và trang bị vũ khí xây dựng cứ điểm Tu Vũ thuộc xã Tân Tiến, huyện Thanh Sơn (nay là xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy) thành một cứ điểm quân sự “Bất khả xâm phạm”, vị trí trọng yếu trong việc bảo vệ tuyến hành lang phòng ngự dọc sông Đà. Ngoài ra, cứ điểm Tu Vũ còn được sự yểm trợ của hỏa lực từ núi Chẹ, Đá Chông, Thủ Pháp… và được tăng viện lực lượng từ canô, tầu chiến theo đường sông Đà.
Xác định đây là một mắt xích quân sự quan trọng nằm trong tuyến phòng thủ then chốt của địch trên dọc tuyến sông Đà và là hướng tiến công chủ yếu của ta đánh địch ở Hòa Bình, Tổng Quân ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ cho quân và dân vùng Tây Bắc, đặc biệt là quân và dân tỉnh Phú Thọ phối hợp với Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) đánh địch bên tả ngạn sông Đà, tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ, đánh quân tăng viện trên sông từ Tu Vũ đến thị xã Hòa Bình. Với quyết tâm “phải thắng và chỉ được thắng”, đêm 10/12/1951, Trung đoàn 88 và lực lượng vũ trang địa phương được lệnh tiến công tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ mở đầu cho Chiến dịch Hòa Bình. Theo kế hoạch hiệp đồng, đúng 20 giờ, Trung đoàn 88 chia làm ba mũi tiến công chiếm lĩnh trận địa. Phát hiện bị bao vây tiêu diệt, địch tập trung hỏa lực từ trong cứ điểm và ở ba vị trí yểm trợ kháng cự quyết liệt, tạo thành một vành đai lửa bao quanh cứ điểm. Bị pháo địch bắn dữ dội, nhưng với tinh thần anh dũng, kiên cường, quyết chiến, quyết thắng, cán bộ, chiến sỹ bí mật tiếp cận mục tiêu, triển khai lực lượng, hình thành thế bao vây, cắt gỡ hàng rào dây thép gai, dùng hỏa lực chế áp quân địch, thọc sâu chia cắt tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch… Sau hơn 5 giờ chiến đấu, Trung đoàn 88 và lực lượng vũ trang địa phương đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Tu Vũ; tiêu diệt 159 tên trong Tiểu đoàn Âu - Phi tinh nhuệ của địch, 12 tên bị bắt sống, gần 100 tên tháo chạy, phá hủy bốn xe tăng, xe thiết giáp, một tàu chiến, bảy ụ súng; thu 10 súng đại liên và nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng khác...
Chiến thắng Tu Vũ đã làm rung chuyển tuyến phòng thủ sông Đà của quân đội Pháp, mở màn chiến dịch lớn của bộ đội chủ lực ta trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tạo tiền đề cho các trận tiến công lớn sau này như Chiến dịch Tây Bắc và Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư khen ngợi cán bộ, chiến sỹ và nhân dân địa phương, trong đó khẳng định: “Không có trận Tu Vũ thì không có trận Him Lam, Độc Lập”…
Huyện Thanh Thủy đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới với hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, đồng bộ.
Thành tựu tự hào
70 năm đã trôi qua, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng nhưng chiến thắng Tu Vũ vẫn mãi là mốc son chói sáng lưu danh trong sử sách và in đậm trong tâm trí những bậc cao niên-nhân chứng của một thời bi thương mà hào hùng của dân tộc, lan tỏa sâu rộng tới các thế hệ kế cận. Hào khí anh hùng cách mạng của cha ông trong chiến thắng Tu Vũ đã thắp sáng niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ người dân Thanh Thủy bền gan vững chí, chung sức đồng lòng xây dựng, bảo vệ quê hương. Trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, với tinh thần thi đua “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đã nỗ lực lao động sản xuất, đóng góp hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm tiếp viện cho tiền tuyến. Hàng vạn thanh niên Thanh Thủy đã xung phong nhập ngũ, chiến đấu anh dũng tại khắp các chiến trường, không tiếc máu xương để cùng dân tộc làm nên đại thắng Điện Biên Phủ 1954, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 thu non sông về một mối.
Đất nước hòa bình, độc lập, truyền thống anh hùng cách mạng đã và đang được Đảng bộ, chính quyền và người dân Thanh Thủy gìn giữ, phát huy lên tầm cao mới thể hiện qua việc nỗ lực vượt khó, sáng tạo trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương, xây dựng quê hương giàu đẹp, cuộc sống mới thanh bình. Sau 70 năm, đặc biệt là sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo và hơn 10 năm tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới, diện mạo kinh tế-xã hội của Thanh Thủy đã có nhiều chuyển biến tích cực. Là huyện thứ hai trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cuộc sống mới tốt đẹp hơn đã và đang hiện hữu trên khắp các vùng quê Thanh Thủy. Chất lượng cuộc sống toàn diện của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đến nay thu nhập bình quân của người dân Thanh Thủy đã đạt 46,6 triệu đồng/năm. Tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,02%. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động dịch vụ và công nghiệp. Lĩnh vực văn hóa xã hội được chú trọng, an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đưa ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Theo đó, huyện sẽ tiếp tục chú trọng tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển các thế mạnh về du lịch, dịch vụ; tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, phát triển các sản phẩm thế mạnh của huyện theo hướng đặc sản; giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; tạo cảnh quan xanh- sạch- đẹp để thu hút du khách…
Lộ trình hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu chắc chắn còn nhiều khó khăn, nhưng với niềm tin, sức mạnh tổng hợp từ truyền thống anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết cộng hưởng cùng sự chỉ đạo sáng tạo, tư duy đổi mới của Đảng bộ, chính quyền huyện, nỗ lực vượt khó, chung tay góp sức của người dân, chắc chắn Thanh Thủy sẽ tiếp tục có những thành tựu tự hào trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tô thắm thêm trang vàng lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương…
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/202112/vang-mai-ban-hung-ca-thoi-dai-181531