Vang mãi hào khí Cách mạng Tháng Tám
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là kết quả của quá trình đấu tranh lâu dài, kiên cường, bất khuất của dân và quân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại Long An, những 'địa chỉ đỏ' gợi nhớ hào khí Cách mạng Tháng Tám lịch sử đang được thế hệ hôm nay giữ gìn, tôn tạo.
Mốc son chói lọi
Góp phần vào thành công của Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ Tân An thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất nội bộ, lãnh đạo nhân dân đi đầu trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Nam bộ.
Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930-2000), ngày 19/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Thủ đô Hà Nội.
Đêm 20 và sáng ngày 21/8/1945, Xứ ủy Nam kỳ họp Hội nghị mở rộng lần thứ 2 và 3 tại chợ Đệm, quyết định cho Tân An khởi nghĩa thí điểm. Đồng chí Nguyễn Văn Hoằng nhận mệnh lệnh của Xứ ủy về chỉ đạo khởi nghĩa tại Tân An. Khi đồng chí chưa về đến Tân An thì bỗng có tin đàng thổ dậy. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy phán đoán chớp thời cơ hành động. Đến 15 giờ ngày 21/8/1945, toàn bộ công sở, dinh cơ, trại lính, kho bạc, công xưởng,... về tay cách mạng.
Sáng ngày 22/8/1945, 4.000 người với tầm vông, giáo mác, mang dấu hiệu cờ đỏ sao vàng đổ về sân banh tỉnh lỵ tham gia cuộc mít-tinh chào mừng cách mạng thành công. Đoàn người vừa đi, vừa hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Đại diện Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh Tân An - Chủ tịch Nguyễn Văn Trọng tuyên bố: “Chính quyền Tân An đã về tay nhân dân!”.
Lần đầu tiên trong lịch sử, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công và nắm chính quyền trên toàn quốc; lật đổ ách thống trị của thực dân hơn 80 năm, chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến; mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi này đặt cơ sở vững chắc cho chế độ dân chủ cộng hòa, tạo thế, lực mới để Việt Nam chiến đấu và chiến thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; nâng cao lòng tự hào của dân tộc Việt Nam. Truyền thống trên tiếp tục được phát huy trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Địa chỉ đỏ” gợi nhớ Cách mạng Tháng Tám
Tại TP.Tân An ngày nay có 2 địa chỉ quan trọng nhắc nhớ những ngày Cách mạng Tháng Tám sục sôi, hào hùng là Nhà thuốc Minh Xuân Đường và Di tích lịch sử Nhà Tổng Thận. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP.Tân An - Nguyễn Hoàng Phi cho biết: “Nhà thuốc Minh Xuân Đường và Nhà Tổng Thận là những di tích lịch sử trên địa bàn TP.Tân An liên quan đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Với những ý nghĩa lịch sử đặc biệt, các di tích này luôn thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn, giáo dục truyền thống của thế hệ hôm nay. Vì vậy, thành phố luôn nỗ lực giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích”.
Nhà thuốc Minh Xuân Đường tọa lạc tại số 17, đường Nguyễn Duy, phường 1, TP.Tân An, do lương y Lê Minh Xuân làm chủ. Đây là trụ sở hoạt động bí mật của Đảng bộ Tân An thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1936-1945).
Vào cuối tháng 6/1945, Tỉnh ủy lâm thời tiến hành hội nghị mở rộng đầu tiên tại nhà thuốc Minh Xuân Đường. Hội nghị đã xúc tiến những nội dung quan trọng là vạch kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa ở tỉnh lỵ và phân công lãnh đạo giành chính quyền ở các quận. Có thể xem đây là hội nghị quan trọng có tính quyết định trong chuẩn bị lực lượng để giành chính quyền ở tỉnh lỵ Tân An và cả tỉnh sau đó.
Cũng tại nhà thuốc Minh Xuân Đường, Tỉnh ủy Tân An đã tổ chức hội nghị nhất trí sẵn sàng một nghị quyết hành động - gọi là “Nghị quyết đỏ”.
Tọa lạc tại số 19, đường Ngô Quyền, phường 1, TP.Tân An, Di tích lịch sử Nhà Tổng Thận là một trong những công trình kiến trúc cổ độc đáo mang phong cách Pháp từ cuối thế kỷ XIX tồn tại đến ngày nay. Theo Hồ sơ Di tích Nhà Tổng Thận thì đây là tư gia của Cai Tổng Trần Khắc Thận, được xây dựng vào năm 1892.
Năm 1935, do thua kiện vì tranh chấp tài sản gia đình, người con trai thứ ba của ông là Trần Khắc Lang phải bán nhà và điền sản ở Bình Lập (nay là khu vực trung tâm TP.Tân An) để trả nợ. Từ đó, nhà Tổng Thận thuộc sở hữu của chính quyền thuộc Pháp tỉnh Tân An. Năm 1941, phát xít Nhật chiếm đóng nhà Tổng Thận để làm trụ sở Bộ Chỉ huy Quân đội Thiên Hoàng ở Tân An.
Sau khi giành chính quyền thành công tại tỉnh lỵ Tân An vào ngày 22/8/1945, nhà Tổng Thận được chọn làm trụ sở công khai của Tỉnh ủy Tân An. Tại địa điểm này, Tỉnh ủy đã tổ chức 3 cuộc hội nghị để bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng về xây dựng chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám ở Tân An. Cuối tháng 10/1945, quân Pháp tấn công tỉnh lỵ Tân An. Để bảo đảm an toàn lực lượng, chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài, Tỉnh ủy rút khỏi nhà Tổng Thận, về Mộc Hóa.
Sau năm 1975, nhà Tổng Thận thuộc sự quản lý của UBND thị xã Tân An. Ngày 12/11/1998, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3148/1998/QĐ.UB xếp hạng nhà Tổng Thận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2009, nhà Tổng Thận được đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo để phục vụ công tác giáo dục truyền thống và tham quan du lịch của tỉnh.
Chị Trần Thị Ngọc Lan (phường 2, TP.Tân An) chia sẻ: “Tôi có dịp đến tham quan những lịch sử gắn liền với quá trình hoạt động của Tỉnh ủy Tân An và mốc son Cách mạng Tháng Tám. Đến đây, tôi càng thêm tự hào về truyền thống đấu tranh của thế hệ cha anh và nguyện phát huy sức trẻ, tiếp tục rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn để có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho quê hương”.
Năm tháng đi qua, những “địa chỉ đỏ” vẫn được giữ gìn, tôn tạo như một lời nhắc nhớ về những mất mát, đau thương của chiến tranh và quá khứ đấu tranh hào hùng của dân tộc không thể lãng quên. Phát huy hào khí Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An tiếp tục đoàn kết, xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/vang-mai-hao-khi-cach-mang-thang-tam-a162015.html