Vang mãi khúc tráng ca

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 đã đi vào lịch sử giữ nước oai hùng của dân tộc Việt Nam. Nơi đây mỗi gốc cây, ngọn cỏ đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu của quân và dân ta, khắc ghi biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nửa thế kỷ đã trôi qua song những âm hưởng về cuộc chiến đấu oanh liệt ấy vẫn còn nguyên trong ký ức, tâm tưởng của những người trong cuộc. Sau chiến tranh, những người lính năm xưa vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất cao đẹp của 'Bộ đội Cụ Hồ', gương mẫu, đoàn kết trong nhiều hoạt động, tương trợ, giúp nhau chí tình đồng đội.

KỶ NIỆM 50 NĂM SỰ KIỆN 81 NGÀY ĐÊM (28/6 - 16/9/1972) BẢO VỆ THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ

Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Phú Thọ thăm lại chiến trường xưa, dâng vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong trận chiến đấu khốc liệt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chính quyền Mỹ-Ngụy coi tuyến phòng thủ Quảng Trị là “con đê ngăn chặn” vững chắc nhất ở miền Nam Việt Nam. Ngày 1/5/1972, quân ta tiến công giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Không chấp nhận mất Quảng Trị, dưới sự viện trợ tối đa của đế quốc Mỹ, chính quyền Sài Gòn đã dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị, mục tiêu số một là chiếm lại Thành cổ.

Ngày 13/6/1972, Nguyễn Văn Thiệu quyết định mở cuộc hành quân “tái chiếm Quảng Trị” mang mật danh “Lam Sơn 72”, huy động bốn sư đoàn mạnh nhất, trong đó có toàn bộ sư đoàn dù và sư đoàn lính thủy đánh bộ thuộc lực lượng cơ động chiến lược, tương đương 13 trung đoàn bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, năm thiết đoàn và nhiều đơn vị không quân, pháo hạm của Mỹ. Ngày 14/6/1972, địch bắt đầu mở cuộc hành quân “tái chiếm lại Quảng Trị” với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có, được mệnh danh là “mùa hè đỏ lửa”.

Cuộc chiến đấu giữa ta và địch tại Quảng Trị trong 81 ngày đêm, từ 28/6 đến 16/9/1972 diễn ra vô cùng ác liệt, suốt cả ngày lẫn đêm. Hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Bom đạn đã phá hủy hoàn toàn thị xã Quảng Trị. Thành cổ cũng bị phá nát. Quân ta bất chấp hiểm nguy, gian khổ đập tan các đợt phản kích của địch, nhất là tại các chốt quan trọng như: Long Quang, nhà thờ Trí Bưu, ngã ba Long Hưng, ngã ba Cầu Ga… Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống, quân ta đã tiêu diệt hai sư đoàn cơ động chiến lược của địch, diệt 26.000 tên, bắt sống 71 tên, đánh thiệt hại nặng 19 tiểu đoàn, phá hỏng 349 xe quân sự, trong đó có 200 xe tăng và thiết giáp, bắn rơi 205 máy bay, thu 500 súng các loại.

Đại diện lãnh đạo Hội trao kinh phí hỗ trợ xây nhà nghĩa tình đồng đội cho hội viên Ngô Xuân Lộc ở xã Hiền Quan, huyện Tam Nông.

Nhờ cuộc chiến đấu ngoan cường 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã góp phần tạo nên bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán, ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần tạo tiền đề để quân và dân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Năm 2013, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Phú Thọ được thành lập và đi vào hoạt động với phương châm “Nghĩa tình đồng chí, tri ân đồng đội”, thu hút trên 1.000 hội viên tham gia.

Trải qua chín năm hoạt động, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Phú Thọ đã tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như tổ chức cho 828 lượt hội viên trở lại thăm chiến trường xưa, thắp hương cho đồng đội; tặng 1.165 huy hiệu Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị cho hội viên; hỗ trợ làm 83 căn nhà tình nghĩa cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn; tặng 10 xe lăn cho hội viên nghèo; thăm hỏi, tặng quà trên 1.000 lượt hội viên khi đau ốm, mừng thọ và trong các dịp lễ tết; đóng góp ủng hộ phòng chống dịch bệnh COVID-19… với tổng kinh phí gần 5 tỉ đồng.

Ngoài ra, khi thăm lại chiến trường xưa, Hội đã vận động các nhà tài trợ xây dựng tượng đài chiến thắng của Bộ đội đặc công tại Chi khu Mai Lĩnh, tu bổ nghĩa trang Hải Phú, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho 50 hộ dân… trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với tổng trị giá hơn 5,7 tỉ đồng. Đồng thời tích cực kết nối thông tin trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đưa 12 hài cốt liệt sĩ về quê nhà.

Trải theo thời gian, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Phú Thọ vẫn luôn nỗ lực thực hiện tốt đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân liệt sĩ, nghĩa tình đồng đội, tích cực tham gia phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, gương mẫu trong mọi phong trào ở địa phương, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Mai Phương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/vang-mai-khuc-trang-ca/186913.htm