Vang mãi ký ức hào hùng

66 năm đã đi qua, nhưng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là một bản anh hùng ca bất hủ về tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng, về trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam trong đấu tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc. Trong những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi về huyện Thuận Châu, trò chuyện với các nhân chứng lịch sử - những người đã đóng góp công sức cho chiến dịch Điện Biên Phủ, để tìm hiểu thêm về quá khứ hào hùng của cha ông.

Ông Nguyễn Văn Bể giới thiệu kỷ vật về Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Ông Nguyễn Văn Bể giới thiệu kỷ vật về Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Năm nay, ông Lò Văn Tun, ở bản Dân Chủ, xã Chiềng Pấc đã 90 tuổi, nhưng trời phú cho sức khỏe và sự minh mẫn, nên ký ức về những năm tháng tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, ông vẫn nhớ như in: Ngày ấy, trong bản có đàn ngựa thồ khoảng 12 con, chúng tôi đã dùng để vận chuyển lương thực từ huyện Phù Yên qua ngã ba Cò Nòi lên Điện Biên. Vì quân địch bắn phá liên tục, nên chúng tôi phải di chuyển vào ban đêm suốt cả chiến dịch để bảo đảm an toàn cho người và hàng.

Cung đèo Pha Đin hôm nay.

Cung đèo Pha Đin hôm nay.

Giữa mưa bom bão đạn, những chàng trai thanh niên xung phong, cô gái dân công hỏa tuyến hăng hái tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ; không quản khó khăn, vất vả, không sợ hy sinh, họ âm thầm “xẻ núi, bạt đồi”, gánh, thồ... bằng đủ các phương tiện để nhanh chóng đưa đạn dược, thực phẩm, nhu yếu phẩm đến với bộ đội nơi tiền tuyến. Cũng trong những ngày đáng nhớ ấy, chàng trai Lò Văn Tun và cô gái Lò Thị Khuýn đã “bén duyên”. Bà Khuýn vốn là người cùng bản, kém ông 7 tuổi. Thời đó, con gái Thái trong bản đi dân công nhiều lắm! Bà Khuýn cũng hăng hái đi dân công tham gia chặt cây làm nhà kho, lán ở cho bộ đội, sửa đường giao thông, giã gạo và chuyển gạo lên xe cho bộ đội từ Thuận Châu lên chiến trường Điện Biên Phủ. Cẩn thận giở cho chúng tôi xem từng tấm huy chương, bằng khen, giấy khen của Trung ương, tỉnh, huyện đã tặng 2 vợ chồng, bà Khuýn nhớ lại: Những lần tham gia dân công hỏa tuyến, tôi và ông Tun có cơ hội gặp gỡ và hiểu nhau hơn. Một năm sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, chúng tôi nên vợ chồng. Giờ đây, tuổi đã cao, mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng mỗi khi nhớ về những ký ức thời đi dân công khiến tôi cảm thấy tự hào.

Còn cựu chiến binh Nguyễn Văn Bể, sinh ra và lớn lên tại xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên cũng đã tình nguyện tham gia đóng góp sức lực của mình cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, sau đó gắn bó cuộc đời với mảnh đất Thuận Châu, hiện ở bản Xi Măng, xã Chiềng Pấc. Theo lời ông Bể: Năm 1951, ông đã xung phong đi bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, được biên chế thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 - là đơn vị chủ lực đánh chiếm cứ điểm Đồi A1. Tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng vai trò của người lính thông tin đã đảm bảo mọi thông tin, lệnh, chỉ thị của cấp trên được truyền đi nhanh chóng, kịp thời, giữ bí mật để phục vụ công tác triển khai chiến thuật, phương án tác chiến.

Ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất là trận đánh Đồi A1 in đậm trong trí nhớ của ông. Đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng tuyến 5 quả đồi phía Đông bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh. Tại đây, địch bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự, trận địa kiên cố, vững chắc. Nhớ lại những thời khắc lịch sử ấy, ông Bể bồi hồi: Đến chiều ngày 6/5/1954, pháo tại các trận địa của ta bắn dồn dập vào các vị trí trọng yếu của địch, quân địch khi đó chống trả quyết liệt, ta và địch giành nhau từng tấc đất. Với khí thế tiến công không ngại hy sinh, đơn vị chúng tôi đã làm chủ Đồi A1, góp phần cho chiến dịch toàn thắng.

Thời gian trôi qua, mảnh vải dù cùng ông Bể tham gia chiến dịch lịch sử năm ấy, nay đã sờn rách nhưng vẫn được ông Bể lưu giữ làm kỷ vật. Ông Bể tâm sự: Tận dụng những mảnh vải dù của thực dân Pháp thả xuống cánh đồng Mường Thanh, chúng tôi thu lại và chia nhau mỗi người một mảnh để làm vải ngụy trang trong chiến dịch. Mỗi lần cầm trên tay mảnh dù ấy, tôi như sống lại những kỷ niệm về một thời trai trẻ, những kỷ niệm về một thời gian khổ nhưng hết sức hào hùng.

Những tháng năm oanh liệt đó, cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc Thuận Châu đoàn kết, đồng lòng thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, huyện Thuận Châu đã có 240 thanh niên xung phong; 3.600 người tham gia dân công hỏa tuyến vận chuyển hàng hóa và đạn dược cho tiền tuyến; 420 người trực tiếp tham gia mở đường, sửa đường tại cung đèo Pha Đin và đóng góp 56.700 ngày công cho chiến dịch. Ngoài ra, Thuận Châu còn đóng góp cho chiến dịch 2.107 tấn gạo, 185 tấn thịt, 210 tấn rau và trên 261.000 ngày công vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, sửa chữa đường..., góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Câu chuyện của những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và chiến sỹ Điện Biên năm xưa về những tháng năm lịch sử, “cả nước cùng nhau ra trận” làm nên chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/vang-mai-ky-uc-hao-hung-30956