Vang mãi mùa thu tháng Tám

79 năm đã đi qua, những ngày mùa thu tháng Tám tổng khởi nghĩa lật đổ chế độ phong kiến, đánh đuổi thực dân xâm lược, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á vẫn mãi ngân vang như bài ca bất hủ. Và những bài học về chuẩn bị lực lượng, chớp thời cơ và huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân mà Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đời sống mới hiện nay.

Ký ức khó phai

Đón chúng tôi trong căn nhà đơn sơ trước một xưởng sản xuất, chế biến đồ gỗ là nụ cười thân thiện từ cụ Lê Đăng Vít năm nay đã ngoài 100 tuổi. Sau những câu chuyện đời thường dí dỏm, cụ Vít rạng ngời khi nghe chúng tôi đề cập đến Cách mạng tháng Tám và hành trình hoạt động cách mạng của mình. Theo lời kể đứt đoạn và qua tài liệu hoạt động kháng chiến còn được lưu giữ cẩn thận, được biết cụ Vít lớn lên ở vùng quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Ngày ấy, dân làng nghèo đói, cụ Vít cũng như phần đông trẻ em nông thôn khác đều phải đi ở cho địa chủ phong kiến, cuộc sống vô cùng cơ cực. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân đứng lên giành chính quyền, người dân quê cụ hưởng ứng mạnh mẽ. Cụ Vít chia sẻ: Tôi đi theo cách mạng, theo Bác Hồ. Cách mạng tháng Tám diễn ra, chính quyền vào tay nhân dân mới đánh đuổi được Nhật. Nhưng đuổi Nhật xong thì Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Do đó, sau khi khởi nghĩa giành chính quyền, Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 10-1945, tôi vào Vệ quốc đoàn, theo Chi đội Nam Long vào Nam đánh Pháp.

Ông Lê Ðăng Vít ở phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành chia sẻ về quá trình tham gia cách mạng

Ông Lê Ðăng Vít ở phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành chia sẻ về quá trình tham gia cách mạng

Ông Huỳnh Thế Thiện (93 tuổi) ngụ xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp xúc động khi gợi nhớ về những ngày mùa thu tháng Tám năm 1945. Trước Cách mạng tháng Tám, người dân phải chịu ách “một cổ hai tròng” khi bị bọn cường hào phong kiến và thực dân xâm lược áp bức. Cùng với những cuộc nổi dậy trên khắp cả nước, người dân miền Tây quê ông cũng đồng lòng đứng lên cướp chính quyền. Ông Thiện cho biết: Dưới chế độ phong kiến, đế quốc, 2 tầng thống trị bóc lột nên khổ lắm. Nông dân đầu tắt mặt tối, 1 năm làm cả 100 công ruộng nhưng bị địa chủ gom hết; nông dân không những không có cơm ăn, áo mặc mà còn bị đánh đập… Vì vậy, khi Bác Hồ kêu gọi đứng lên giành chính quyền, nhân dân cả nước đã nhất tề tham gia biểu tình, mít tinh đòi quyền lợi về cho người cày...

Những nhân chứng sinh động, bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng tháng Tám ghi lại trong các trang vàng lịch sử đã trở thành kho tư liệu quý giá để mỗi người dân, trong đó có các nhà khoa học thêm tôn trọng, trân quý, tiếp tục nghiên cứu, lưu trữ và gìn giữ cho các thế hệ mai sau.

Với một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình như Việt Nam, việc vùng lên giành độc lập là một sự nghiệp vô cùng to lớn, vĩ đại. Ðó là mốc son đánh dấu trang sử mới của dân tộc Việt Nam. Cách mạng tháng Tám được coi là bước ngoặt lịch sử, Việt Nam từ đêm trường nô lệ đã giành được chính quyền, trở thành nước độc lập. Một kỷ nguyên mới của dân tộc được mở ra sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

GS.TSKH Vũ Minh Giang,
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

Bài học về huy động sức dân

Bài học từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 tiếp tục được vận dụng trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước trên đường hội nhập và có vị thế, cơ đồ rộng lớn trên trường quốc tế. Nhiều vùng đất anh hùng trong kháng chiến tiếp tục kết thành sức mạnh tổng hợp, tự lực tự cường, vươn mình xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.

Trong xây dựng đời sống mới, nhất là khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bài học về tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường tiếp tục được phát huy mạnh mẽ. Sợi chỉ đỏ đại đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân đang được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, quần chúng nhân dân vận dụng hiệu quả.

Được thuận chủ trương làm đường cấp phối sỏi đỏ, cán bộ, ban điều hành ấp Thuận An, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú đã vận động người dân trên địa bàn tổ 6 tự nguyện hiến đất, cưa cây điều, cao su và đóng góp thêm tiền, ngày công để làm đường. Hiện nay, hơn 3km đường cấp phối sỏi đỏ trị giá hơn 1 tỷ đồng đã hoàn thành, tạo thuận lợi trong việc đi lại, giao thương cho người dân.

79 năm đã đi qua, khí thế của những ngày mùa thu Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn hừng hực trong mỗi người dân Việt Nam, hiện hữu trên mỗi con đường, góc phố. Trong ảnh: Một góc khu dân cư ở thành phố Ðồng Xoài hôm nay - Ảnh: N.T

Bà Ngô Thị Nhung ở ấp Thuận An là một trong những người dân đi đầu và hiến phần lớn diện tích đất, cây trồng cùng Nhà nước làm đường. Bà Nhung chia sẻ: Mỗi gia đình tự nguyện chặt một số cây trồng, hiến một phần đất để làm đường thì không chỉ góp phần đi lại thuận tiện, thúc đẩy giao thương phát triển mà sau này con cháu cũng có điều kiện thuận lợi để phát triển hơn.

Tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm đã được nhân rộng và thể hiện cụ thể ở ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Thuận Tân, xã Thuận Lợi. Khi Nhà nước triển khai xây dựng tuyến đường cấp phối sỏi đỏ rộng 12m, dài 3,5km đi qua ấp Thuận Tân nối liền các xã Đồng Tiến, Đồng Tâm, quốc lộ 14 và trung tâm thành phố Đồng Xoài, đa phần các hộ dân đồng lòng hưởng ứng. Ông Nông Văn Huấn ở ấp Thuận Tân cho biết: Nhà nước làm đường, người dân phấn khởi lắm. Dù thiệt hại gần 400m2 đất cao su đang thu hoạch, tôi cũng tự nguyện chặt bỏ để Nhà nước đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Ông Lê Đình Tám, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thuận Lợi cho biết: Thuận Lợi là cái nôi của phong trào cách mạng từ những năm 1929 khi có Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên được thành lập, với tên gọi Chi bộ Phú Riềng. Phát huy thành quả của Cách mạng tháng Tám và thấm nhuần lời dạy của Bác về sức mạnh đại đoàn kết, những năm qua, xã Thuận Lợi đã đưa ra các nghị quyết sát, đúng với tình hình thực tế, chú trọng đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy tinh thần đó, năm 2020, Thuận Lợi đã về đích nông thôn mới và từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Hiện Thuận Lợi đang tích cực phát huy sức mạnh đoàn kết, phấn đấu đạt mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao.

Nhìn lại những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã giành được trong thế kỷ XX, Đại hội IX của Đảng khẳng định: "Chúng ta tự hào về dân tộc ta, một dân tộc anh hùng, thông minh và sáng tạo; tự hào về Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện - một lòng một dạ chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân".

Và có một Việt Nam thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, một Việt Nam đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tiềm lực và khả năng ngày càng to lớn như hôm nay, chúng ta càng thấy ý nghĩa trọng đại và tầm vóc lớn lao của Cách mạng tháng Tám.

Cẩm Liên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/161543/vang-mai-mua-thu-thang-tam