Vàng miếng SJC sẽ giảm cả chục triệu đồng nếu bỏ độc quyền?
Các chuyên gia cho rằng việc bỏ cơ chế độc quyền vàng miếng SJC có thể làm giá vàng trong nước giảm ngay và tiến tới diễn biến sát với giá vàng thế giới.
Liên quan việc sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Cùng với đó, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngoài ra, NHNN cũng cho rằng hoạt động liên quan đến vàng trang sức mỹ nghệ nên coi là hoạt động kinh doanh thông thường và giao cho một bộ ngành khác để thống nhất quản lý từ khâu nhập khẩu, sản xuất (bao gồm cả nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ) đến khâu lưu thông trên thị trường.
Rút ngắn chênh lệch trong nước - thế giới
Trao đổi với Tri thức - Znews, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng giá vàng thế giới đang ghi nhận diễn biến tăng vọt chủ yếu do sự kỳ vọng của các nhà đầu cơ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến giá vàng thế giới và giá vàng trong nước biến động không đồng bộ với nhau.
Trong khi đó, giá vàng trong nước vẫn đang neo ở mức cao, chênh lệch giữa vàng thế giới và giá vàng trong nước cách xa nhau.
Vì thế, nếu giá vàng thế giới có tăng thêm mà giá vàng trong nước không biến động nhiều cũng là điều dễ hiểu.
Đánh giá về đề xuất chấm dứt tình trạng độc quyền vàng miếng, ông Thịnh cho biết chắc chắn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ rút xuống, thậm chí về mức tương đương nhau.
“Trường hợp Nhà nước bỏ độc quyền vàng miếng, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới nhiều nhất sẽ chỉ vào khoảng 2,5 triệu đồng/lượng", vị chuyên gia này đưa dự báo.
Đồng thời, theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh Nhà nước bỏ độc quyền vàng miếng cũng tỷ lệ thuận với nguồn cung tăng lên. Cầu vẫn như vậy nhưng nguồn cung thì dồi dào hơn, một lần nữa giúp giá vàng trong nước gần sát với giá vàng thế giới.
“Đặc biệt là với mặt hàng vàng miếng SJC. Nếu như trước đây cách tới cả mười mấy triệu/lượng so với thế giới thì khi bỏ độc quyền đi, giá sẽ về rất gần nhau", ông Thịnh đánh giá thêm.
Trước bối cảnh này, theo ông Thịnh, dễ hiểu là những nhà đầu tư đang ôm vàng miếng SJC mang "nỗi sợ" về sự rủi ro mất tiền. Bởi trường hợp bỏ độc quyền vàng miếng thì giá vàng SJC sẽ cắm đầu đi xuống.
Tuy nhiên, ông Thịnh vẫn nhấn mạnh rằng việc bỏ độc quyền vàng miếng không có nghĩa rằng Nhà nước cho phép nhập vàng một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát. Mà ngược lại, cơ quan quản lý sẽ có những biện pháp xử lý chặt chẽ vấn đề này.
Quản lý nhập khẩu/sản xuất vàng bằng quota
Đóng góp vào giải pháp quản lý thị trường vàng, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết Hiệp hội đã gửi một số đề xuất và kiến nghị tới nhà quản lý.
“Trước mắt chúng tôi kiến nghị việc cho phép 3 doanh nghiệp là PNJ, SJC, DOJI được nhập 1,5 tấn vàng/năm, tương ứng mỗi doanh nghiệp nhập 500 kg vàng/năm. Doanh nghiệp cũng chỉ được phép xin nhập trong phạm vi có kiểm soát", ông Khánh thông tin.
Vị Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nêu rõ sản xuất vàng miếng cần kiểm soát bằng quota (hạn mức - PV) sản xuất, việc nhập khẩu nguyên liệu cũng kiểm soát bằng quota nhập khẩu.
"Chẳng hạn, một năm doanh nghiệp được nhập bao nhiêu miếng vàng, không để tự do muốn nhập bao nhiêu thì nhập. Khi kiểm soát như vậy, các vấn đề về tỷ giá, ngoại hối cũng kiểm soát được", ông Khánh nhấn mạnh.
Nhập khẩu vàng sẽ giúp thị trường phong phú hơn. Lúc đó chắc chắn giá vàng SJC sẽ giảm
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam
Về góc nhìn cá nhân, ông Khánh đánh giá nếu Nhà nước bỏ độc quyền vàng miếng SJC sẽ ngay lập tức có tác động tới thị trường vàng Việt Nam.
“Nhập khẩu vàng sẽ giúp thị trường phong phú hơn. Lúc đó chắc chắn giá vàng SJC sẽ giảm. Có thể giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới nhưng chênh lệch sẽ rút ngắn lại. Người dân có lợi và thị trường vàng cũng sẽ bình ổn hơn”, ông Khánh đánh giá.
Về tính cấp thiết của việc bỏ độc quyền vàng miếng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhìn nhận đây là điều kiện tiên quyết để sau này cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.
“Cho PNJ, DOJI sản xuất vàng miếng để cạnh tranh với SJC thì phải cho 2 doanh nghiệp này nhập vàng nguyên liệu. Ngược lại, cho PNJ và DOJI nhập thì cũng phải cho SJC nhập vàng nguyên liệu về để sản xuất thêm.
Bên cạnh bỏ độc quyền vàng SJC, nếu có sự thay đổi về chính sách nhập khẩu vàng nguyên liệu, các doanh nghiệp sẽ sản xuất ra nhiều hơn, nhà đầu tư cũng có thể sẽ bán ra vàng miếng nhiều hơn", vị chuyên gia chia sẻ thêm.
Theo đó, từ tất cả yếu tố này, ông Khánh cho rằng chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam với vàng thế giới sẽ thu hẹp lại. Còn mức giảm của giá vàng trong nước bao nhiêu sẽ tùy vào nguồn cung đưa ra thị trường.