Vàng qua cơn sốt?
Thị trường vàng trong nước không còn sức nóng như hơn một tháng trước đây.
Không còn cảnh xếp hàng, chen lấn trước các điểm giao dịch ngân hàng để đăng ký mua vàng như những ngày đầu tháng 6, cũng không còn xuất hiện những phiên giá vàng miếng SJC biến động mạnh hàng triệu đồng mỗi lượng sau vài giờ giao dịch, thị trường vàng những ngày gần đây đang ghi nhận trạng thái "bình yên" đến lạ.
Từ mức giá bán cao kỷ lục 92,4 triệu đồng/lượng (ngày 10/5), giá vàng miếng SJC đã sụt giảm mạnh về gần 77 triệu đồng/lượng khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố và triển khai bán vàng miếng trực tiếp cho các ngân hàng và SJC để phân phối cho người dân.
Tính từ ngày 7/6 tới nay, giá bán vàng miếng đã được "bình ổn" ở ngưỡng 76,98 triệu đồng/lượng trong hơn một tháng. Những biến động trên thị trường vàng trong nước hiện tại chỉ là giá vàng nhẫn, vàng trang sức.
Khoảng cách giữa giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn cũng đã được thu hẹp lại chỉ còn vài trăm nghìn mỗi lượng. Thậm chí tại một số nơi giá bán vàng nhẫn 9999 còn cao hơn giá vàng miếng SJC được niêm yết. Ghi nhận tại Doji sáng 12/7, giá vàng nhẫn 9999 tròn Hưng Thịnh Vượng bán ra là 7,72 triệu đồng/chỉ cao hơn giá vàng miếng SJC.
"Mua vàng miếng SJC bây giờ khó lắm", chị Thu Hà (Long Biên) chia sẻ với chúng tôi khi chị đang muốn tìm địa điểm mua vàng để nắm giữ, phân bổ danh mục đầu tư sau khi thu được một lượng tiền từ bán bất động sản.
Chị cho biết đã hỏi tại một số cửa hàng trên phố vàng nhưng đều không có vàng miếng bán. Chị cũng thử đăng ký mua vàng online tại các ngân hàng quốc doanh lớn nhưng đều không lấy được lượt mua. "Sáng nay, mình đã vào đăng ký từ sớm nhưng vẫn tiếp tục nhận được thông báo đăng ký không thành công hoặc hết lượt", chị nói.
Hiện chưa có các con số thống kê cụ thể về số lượng giao dịch vàng miếng hiện tại để đánh giá một cách chính xác về trạng thái của thị trường, tuy nhiên một điều không thể chối cãi là thị trường vàng trong nước không còn "nóng sốt" như trước đây.
Có thể nhận thấy rằng với cơ chế điều hành như hiện tại, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã được thu hẹp đáng kể, từ giai đoạn có thời điểm khoảng cách được đẩy lên tới 20 triệu đồng đã giảm về còn khoảng 3 - 4 triệu đồng mỗi lượng. Đây cũng là mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kỳ vọng đạt được khi thực thi cơ chế bán vàng miếng trực tiếp cho người dân.
Trước đó, để hạ nhiệt thị trường vàng, NHNN từng thực hiện nhiều phiên đấu thầu vàng với lượng vàng bán ra là hơn 48.000 lượng nhưng đã sớm dừng lại khi biện pháp này không cho thấy hiệu quả.
"Qua 9 phiên thầu, chênh lệch giá không giảm như kỳ vọng, nên Ngân hàng Nhà nước đã dừng đấu thầu, tìm nguyên nhân và đưa ra phương án mới thay thế", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải trình tại phiên thảo luận kinh tế xã hội chiều 29/5 trước thời điểm chuyển qua biện pháp giao 4 ngân hàng quốc doanh trực tiếp bán vàng bình ổn cho người dân.
Kênh đầu tư vàng không còn quá hấp dẫn
"Vàng đã không còn là một kênh đầu tư quá hấp dẫn như trước đây" là nhận định của nhiều chuyên gia phân tích khi cân nhắc vấn đề danh mục đầu tư của người dân trong bối cảnh hiện tại.
Trong nửa đầu năm 2024, vàng nhẫn được đánh giá là kênh đầu tư có hiệu suất tốt nhất trong số các kênh như cổ phiếu, trái phiếu, USD, tiền gửi, trái phiếu chính phủ khi giá vàng nhẫn tăng gần 22% kể từ đầu năm (vàng miếng SJC chỉ tăng hơn 4%).
Chia sẻ tại Data Talk "Đầu tư vào vàng, chứng khoán hay bất động sản nửa cuối năm?” do Trang TTĐTTH VietnamBiz tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định vàng là tài sản nên nắm giữ khi có những bất ổn về kinh tế, chính trị, tuy nhiên giai đoạn bất ổn nhất cũng đã qua. Do vậy, dư địa để giá vàng tăng hơn nữa không còn nhiều.
Còn theo ông Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup, “mùa xuân đẹp nhất của vàng đã đi qua” nhưng sẽ vẫn còn “làn gió xuân” mới thổi về. Việc ngân hàng trung ương các nước có thể tích thêm vàng trước sức ép về sự thay đổi đồng tiền dự trữ hay Fed hạ lãi suất…. có thể sẽ là động lực tăng cho giá vàng trong thời gian tới.
Các chuyên gia của FIDT, công ty tư vấn tài chính và quản lý gia sản, cho rằng nhà đầu tư vẫn nên có vàng trong danh mục. Tuy nhiên, tỷ trọng không nên quá nhiều vì là tài sản phòng thủ, khoảng 5%. Trong ngắn hạn, vàng vẫn còn dư địa tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nhưng dư địa không còn quá nhiều.
Vàng thế giới còn dư địa tăng?
Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng nhu cầu từ các ngân hàng trung ương là động lực chính cho diễn biến của giá vàng trong những năm gần đây. Nhu cầu này đã đóng góp ít nhất 10% vào đà tăng của giá vàng trong năm 2023 và có khoảng 5% vào đà tăng của giá vàng kể từ đầu năm đến nay.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết trong năm ngoái, lượng vàng mua vào của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đạt mức lớn thứ hai kể từ trước đến nay, với 1.037 tấn, sau mức kỷ lục 1.082 tấn ghi nhận vào năm 2022.
Trong một khảo sát thường niên của WGC được công bố vào giữa tháng 6,29% đại diện từ các ngân hàng trung ương cho biết ngân hàng của họ có kế hoạch tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới, mức cao nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào năm 2018.
Ngoài ra, động thái của Fed cũng như những ảnh hưởng địa chính trị nhưcăng thẳng đang diễn ra ở Trung Đông với cuộc chiến giữa Israel và Hamas, cũng như cuộc xung đột Nga - Ukraine,... cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng thế giới trong thời gian tới.
"Sẽ không ngạc nhiên nếu giá vàng thế giới có thể vượt ngưỡng 2.400 USD/ounce vào tuần tới",ông Ricardo Evangelista, nhà phân tích kỹ thuật tại ActivTrades nhận định.
Các nhà phân tích của J.P. Morgan nhận định vàng luôn được biết đến như một tài sản phòng ngừa rủi ro ưa chuộng trong thời kỳ bất ổn địa chính trị và kinh tế, tăng trưởng mạnh trong môi trường lãi suất thấp. Họ dự báo giá vàng sẽ tăng từ 8% đến 10% vào cuối năm và trên đà đạt mức giá mục tiêu 2.600 USD/ounce vào năm 2025.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/vang-qua-con-sot.html