Vàng SJC được xác định bị bán tháo… nhầm, giá vàng vẫn 'lao dốc'
Trong phiên 6/11, vàng SJC bị bán tháo khiến giá giảm sốc, có thời điểm nhà đầu tư lỗ đến 2,9 triệu đồng/lượng. Dù sau đó, nguyên nhân được khẳng định là… 'nhầm', vàng vẫn bị bán tháo.
Nhà đầu tư bán tháo… nhầm
Trong phiên 6/11, thị trường vàng chứng kiến đợt bán tháo mạnh nhất trong năm 2023 khiến giá vàng giảm từ 1,6 triệu đồng tới 1,9 triệu đồng/lượng tùy từng công ty. Kết quả là có thời điểm nhà đầu tư lỗ đến 2,9 triệu đồng/lượng chỉ sau một ngày mua vào.
Nguyên nhân được cho là nhà đầu tư hiểu nhầm Thông tư 12/2023/TT-NHNN ngày 12 tháng 10 năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.
Thông tư này sẽ bổ sung Cục Quản lý dự trữ ngoại hối tham gia vào các quy trình giao dịch đấu thầu vàng miếng giữa ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng, không liên quan đến hoạt động mua bán vàng miếng SJC của các tổ chức có giấy phép kinh doanh vàng miếng của các cá nhân đang sở hữu vàng miếng SJC.
Trong chiều 6/11, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC khẳng định hiện nay người dân vẫn có thể thực hiện hoạt động mua, bán vàng miếng SJC bình thường như hiện hành tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Sau thông báo của SJC, nhà đầu tư nhận ra mình đã… hiểu nhầm Thông tư 12 nên giá vàng được điều chỉnh tăng trở lại, giá bán ra vàng SJC tìm lại mốc 70 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực này không kéo dài được lâu. Tới sáng 7/11, giá vàng lại “lao dốc”.
Ngay từ đầu giờ sáng, các cửa hàng kim hoàn đồng loạt điều chỉnh giảm sốc kim loại quý này.
Tập đoàn điều chỉnh giá vàng SJC giảm 250.000 đồng/lượng chiều mua vào (tương đương 0,36%) và giảm 550.000 đồng/lượng (tương đương 0,79%) xuống 68,25 triệu đồng/lượng – 69,45 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.
Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức: 68,45 triệu đồng/lượng – 69,40 triệu đồng/lượng, giảm 350.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Tại Công ty SJC, giá vàng SJC được mua bán ở mức: 68,40 triệu đồng/lượng – 69,40 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 400.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua.
Áp lực đến từ thế giới
Có thể thấy, trong chiều 6/11, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định hơn sau đợt bán tháo… nhầm. Thế nhưng, giá vàng SJC bất ngờ “lao dốc” trở lại khi gánh nhiều áp lực từ thị trường thế giới.
Đêm qua, tại thị trường Mỹ, giá vàng thế giới giảm mạnh khi các nhà đầu tư thận trọng trở lại với các tài sản rủi ro hơn và chờ đợi một loạt phát biểu của diễn giả đến từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong tuần này, bao gồm cả Chủ tịch FED Jerome Powell để biết rõ hơn về việc cắt giảm lãi suất của Mỹ.
Giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.979,19 USD/ounce sau khi tăng trên mức quan trọng 2.000 USD vào thứ Sáu. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,5% ở mức 1.988,60 USD.
Tới phiên giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á, giá vàng tiếp tục đi lùi và xuống mức 1.974,4 USD/ounce. Ở mức giá này của vàng thế giới, vàng SJC quy đổi đạt khoảng 58,58 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng SJC đang đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 10,80 triệu đồng/lượng. Đây là khoảng cách ở vùng thấp nhất trong năm 2023.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals, cho biết khẩu vị rủi ro tốt hơn một chút và không có diễn biến bất ngờ lớn nào từ cuộc chiến Israel-Hammas, đồng thời điều này đang lấy đi một chút khả năng trú ẩn an toàn đối với vàng và bạc.
Vàng thỏi đã tăng hơn 7% trong tháng 10 khi xung đột ở Trung Đông thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn.
Các chỉ số chính của Phố Wall chuyển sang tiêu cực sau khi tăng nhẹ trước đó, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng do các nhà đầu tư để mắt tới ít nhất 9 thành viên Fed sẽ phát biểu trong tuần này, bao gồm cả Powell vào ngày 9 tháng 11.
Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch đang định giá 90% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng 12.
Wyckoff nói thêm: “Những nhà đầu cơ giá lên trên thị trường vàng và bạc có một chút lợi thế vì kỳ vọng rằng sẽ không có đợt tăng lãi suất nào nữa, điều này đang gây áp lực lên đồng đô la Mỹ”.
Vàng rất nhạy cảm với lãi suất ngày càng tăng của Mỹ, vì chúng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không mang lại lợi nhuận.
Để vàng di chuyển bền vững trên 2.000 USD/ounce, có thể cần một tín hiệu rõ ràng hơn từ FED rằng việc cắt giảm sắp diễn ra và sự quay trở lại của các nhà đầu tư đối với các quỹ ETF (quỹ giao dịch trao đổi), Heraeus Metals viết trong một ghi chú.