Vàng SJC tiến sát ngưỡng 62 triệu đồng mỗi lượng
Sáng 17/11, giá vàng trong nước có giảm đôi chút, nhưng về tổng thể vẫn giữ xu hướng tăng và có thể chạm ngưỡng 62 triệu đồng/lượng trong thời gian tới.
Tại thời điểm 9 giờ 30 phút, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC từ 61,00-61,75 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng.
Giá vàng trong nước có thể tăng lên mức 62 triệu đồng/lượng. Ảnh minh họa
Hai doanh nghiệp khác là Công ty Phú Quý và Doji Hà Nội cùng giảm giá mua và bán vàng SJC tới 300.000 đồng/lượng, giá mới từ 60,60-61,60 triệu đồng/lượng.
Trong phiên hôm qua, giá vàng SJC tăng phi mã. Kết thúc ngày giao dịch, thương hiệu này tăng gần 900.000 đồng mỗi lượng.
Đáng chú ý, chênh lệch chiều mua và/bán ra cũng nới rộng thêm, lên tới 1 triệu đồng/lượng (tăng khoảng 300.000 đồng/lượng so với phiên đầu tuần.)
[Giá vàng SJC tiếp tục đi lên, tiến sát ngưỡng 61 triệu đồng]
Trong khi đó, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu phiên hôm qua cũng tăng gần 400.000 đồng/lượng.
Đến sáng nay, thương hiệu này điều chỉnh, với giá niêm yết mới từ 53,30-53,98 triệu đồng mỗi lượng, giảm 260.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.
Hiện tại, giá bán ra vàng miếng tại hầu hết doanh nghiệp đã lên gần 62 triệu đồng/lượng, cao hơn 3,5 triệu so với đầu tháng 11.
Giá mua vào cũng được đẩy lên trên mức 61 triệu đồng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn chủ yếu được bán ra quanh mốc 54 triệu/lượng, cũng cao hơn gần 2 triệu đồng so với đầu tháng.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc Đá quý SJC Phú Thọ, cho biết giá vàng tăng mạnh gần đây chủ yếu đến từ tâm lý lo ngại lạm phát tăng trên toàn cầu.
Trên thị trường thế giới, lạm phát tại Mỹ đã tăng lên mức 6,2% với nguyên nhân chính là sự đứt gãy của chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động.
Tương tự, tại Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng cảnh báo nguy cơ lạm phát có thể tăng cao trong năm 2022 khi các gói hỗ trợ kinh tế được đưa ra.
Ngoài ra, Việt Nam còn đối mặt với áp lực lạm phát nhập khẩu khi giá các mặt hàng nhập khẩu nhiều đang tăng mạnh trên thế giới.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch quanh ngưỡng 1.855 USD/ounce, giảm gần 17 USD/ounce so với cùng thời điểm phiên trước.
Mức giá này xấp xỉ 50,85 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá USD niêm yết tại ngân hàng Vietcombank, thấp hơn thương hiệu SJC khoảng 10,9 triệu đồng/lượng.
Trước đó, trong phiên 16/11, giá vàng kỳ hạn tại Sàn giao dịch hàng hóa New York giảm, khi số liệu về kinh tế Mỹ mạnh đã thúc đẩy hoạt động chốt lời. Hợp đồng vàng giao tháng 12/2021 được giao dịch nhiều nhất giảm 0,67% xuống mức 1.854,1 USD/ounce.
Thị trường lao dốc sau khi Mỹ công bố doanh số bán lẻ tháng 10 tăng nhanh hơn dự báo. Theo đó, ngày 16/11, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho thấy doanh số bán lẻ tại nước này trong tháng 10 tăng 1,7%, vượt các dự báo của thị trường và người tiêu dùng Mỹ vẫn chi tiêu mạnh.
Thông tin này đã kéo đồng USD lên đỉnh 16 tháng. Đồng USD lên giá đã gây sức ép lên giá vàng.
Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng môi giới chứng khoán OANDA, nhận định triển vọng của vàng đang gặp nhiều rủi ro hơn. Đà tăng sẽ chậm lại, nhưng vẫn có thể hướng đến 1.900 USD
Giá vàng thế giới đã tăng hơn 2% trong một tuần qua, sau khi số liệu cho thấy lạm phát Mỹ tăng vọt trong tháng 10.
Chủ tịch FED Richmond Thomas Barkin hôm 15/11 cho biết FED không ngại nâng lãi suất. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ chờ để đánh giá liệu tình trạng lạm phát và thiếu lao động có kéo dài thêm hay không.
Lãi suất tăng sẽ gây áp lực lên vàng. Do việc này kéo lợi suất trái phiếu lên, còn vàng lại không trả lãi cố định.
Tuy nhiên, giới chuyên gia dự báo giá vàng còn có thể tăng cao hơn nữa. Theo ông Peter Grosskopf, Giám đốc điều hành của Quỹ Sprott, lạm phát càng dai dẳng thì vàng càng tăng giá.
Giá vàng có thể tăng lên 2.600 USD/ounce, tương đương 72 triệu đồng/lượng.