Vàng son đụng chạm Cung đình
Trình diễn thời trang tại các danh thắng, di tích lịch sử văn hóa là mong muốn của nhiều nhà thiết kế ở thời buổi không dễ để gây chú ý hiện nay. Nhưng buổi diễn thời trang Vàng son trong Cung đình Huế lại gây chú ý theo kiểu khác...
Không nhiều người được tận mắt xem các người mẫu hàng đầu xải bước trong Đại nội mới đây, nhưng một số hình ảnh rò rỉ đã gây phản ứng khá căng từ phía những người bảo vệ di sản cố đô Huế. Chủ yếu quanh việc người đẹp Giáng My có vẻ như đang ngồi trình diễn thời trang trong kiệu Cửu Long vốn chỉ dành để rước vua. Có ý kiến quá khích cho rằng đây là hành vi “lố lăng”, “phạm thượng”, “phỉ báng”, “xúc phạm”… Giả sử thời phong kiến đột ngột quay lại, chắc một số người phải chịu tội chém mất(!)
Lại nghĩ nếu mấy nhà tạo mẫu lôi được kiệu vua trong bảo tàng ra làm đạo cụ thì quả là động trời. Nhưng theo báo mới đưa hóa ra đó chỉ là kiệu giả cổ mượn của Trung tâm Phát triển Dịch vụ Di tích Huế, thường ngày du khách vào Đại nội chơi vẫn thoải mái ngồi lên chụp ảnh. Áo quần binh lính vác kiệu cũng được Trung tâm này cho mượn. Sự thật trần trụi quá đi. Những bộ thiết kế đắt giá, những “quốc sắc thiên hương”… rút cuộc vẫn xài chung đồ đạc với “thường dân”. Có thể đó là dụng ý đại đồng của nhà thiết kế. Nhưng dường như họ đã bỏ qua nhiều yếu tố về không gian có thể làm tăng giá trị cho các thiết kế cũng như buổi trình diễn. May thêm vài bộ đồng phục cho quân lính khiêng kiệu chẳng lẽ không trong tầm tay nhãn hiệu? Kỳ công hơn có thể đóng hẳn kiệu mới, thậm chí thiết kế lại và trang trí đồng bộ với các trang phục trình diễn.
Và có lẽ khi đã chọn một không gian kiến trúc lịch sử văn hóa đậm đặc các yếu tố riêng biệt cũng rất nên có các tình tiết xướng họa trong thiết kế. Nhưng bộ sưu tập Vàng son không theo hướng đó. Trên báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa- nguyên Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế thậm chí cho rằng buổi diễn đã thất bại trong việc “khai thác những giá trị truyền thống vàng son một thời của Huế nhằm quảng bá du lịch” vì trang phục quá lòe loẹt, không ăn nhập với bối cảnh Tử Cấm Thành.
Quả thực các trang phục của Vàng son thoạt nhìn hoàn toàn Tây phương, màu sắc chói gắt, hoa văn được thuyết minh là lấy cảm hứng từ cung đình nhưng không hẳn. Mây hay chim én vào trang phục cung đình đều được cách điệu về màu sắc, kiểu dáng. Sự cách điệu làm nên phong cách chứ không phải vật thể. Nếu mặc đồ in hình trời mây tả thực xong bảo lấy cảm hứng từ hoa văn cung đình thì ai mà tin được! Có thể thấy sự khiên cưỡng bộc lộ ngay trong tên gọi. Tiếng Việt là Vàng son nhưng tiếng Anh lại là A better day (tam dịch: Một ngày tươi đẹp hơn)- chẳng mảy may dính dáng đến cung đình, văn hóa Việt.
Tất nhiên chẳng ai bắt trang phục phải ăn rơ với điểm diễn nhưng đấy là tại thông tin BTC đưa ra, nào là lấy cảm hứng từ hoàng hậu Nam Phương rồi kích cầu du lịch Huế. Vâng, nếu có các sao quốc tế xuất hiện thì buổi diễn cũng có thể mang công dụng đó. Như hiện giờ rõ ràng các sản phẩm mới đang phải nhờ vào oai danh cung đình để còn bán hàng.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/vang-son-dung-cham-cung-dinh-1734841.tpo