Vàng tăng đỉnh, đầu tư gì lúc này?

Vàng tăng nóng, cùng tiềm năng hồi phục, tăng trưởng của thị trường chứng khoán, bất động sản giữa bối cảnh lãi suất tiết kiệm tăng trở lại, chuyên gia đưa ra đánh giá chiến lược đầu tư.

Lãi suất thấp, dòng tiền "nhàn rỗi" chảy vào vàng, chứng khoán

Liên tục canh mua lắt nhắt vàng trong suốt 2 tuần qua, chị Thanh Nga (45 tuổi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Trong lúc lãi suất thấp như bây giờ, tôi chỉ dành 10% tài sản để gửi ngân hàng còn lại đổ hết tiền vào vàng và bất động sản, dù hơi khó mua và tốn kém hơn nhưng 2 kênh này giúp đảm bảo giá trị tài sản lâu dài".

Sau gian dài chạm đáy, loạt ngân hàng đã liên tiếp tăng mạnh lãi suất gửi tiết kiệm. Theo các chuyên gia, việc ngân hàng liên tiếp tăng lãi suất tiền gửi và phát hành trái phiếu, chứng chỉ lãi suất cao nhằm tăng cường thanh khoản trong bối cảnh cầu vốn tín dụng dần trở lại và ngày càng rõ nét hơn về cuối năm. Đồng thời, đây cũng là cách để giữ và cân đối nguồn tiền nhàn rỗi khi các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu hồi phục, hút mạnh dòng tiền chảy từ kênh tiết kiệm ra.

Song, thực tế, mức lãi suất huy động như hiện nay được đánh giá là vẫn còn thấp, từ đó, ghi nhận nhiều nhà đầu tư (NĐT) có xu hướng đẩy tiền chảy vào các kênh đầu tư khác, nổi bật là bất động sản, chứng khoán và vàng.

Lãi suất thấp, dòng tiền có xu hướng đổ vào các kênh đầu tư (Ảnh minh họa: Internet)

Lãi suất thấp, dòng tiền có xu hướng đổ vào các kênh đầu tư (Ảnh minh họa: Internet)

Điền hình với trường hợp của chị Minh Châu (25 tuổi, Q.Bình Thạnh, TPHCM) đã dành toàn bộ tài sản vào kênh chứng khoán và vàng.

Khác với xu hướng chung, để bảo đảm tài sản, chị Châu không lựa chọn kênh gửi tiết kiệm, thay vào đó là tích trữ qua vàng: "Lãi suất gửi tiền thấp, trong khi thị trường vàng đang có nhiều tiềm năng, tăng mạnh trong thời gian qua, hưởng lợi từ nhiều yếu tố kinh tế - xã hội. Đồng thời, vàng giữ được giá trị về lâu dài, thường không có nhiều biến động mạnh, nên tôi đã tích trữ tài sản qua vàng suốt nhiều năm qua, thay vì gửi tiết kiệm".

Dù vậy, dựa vào bối cảnh hiện nay, giá vàng đã quá cao nên chị Châu tập trung số tiền "nhàn rỗi" để sinh lời tại thị trường chứng khoán. Mặc dù diễn biến thị trường hiện nay đang khá "giằng co" quanh ngưỡng 1.300 điểm, nhưng với kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm sau 5 năm tại sàn, chị Châu vẫn duy trì được tài sản đồng thời "sinh lời" trên thị trường này, cùng với kỳ vọng tiềm năng tăng trưởng của thị trường "xanh đỏ" trong thời gian sắp tới.

Về dự định tương lai, chị Châu cho biết thêm: "Kênh bất động sản đang có nhiều dư địa phát triển, mức sinh lời khá tốt, tránh sự ảnh hưởng lạm phát, nhưng cần vốn lớn, do vậy đây là kênh đầu tư tương lai mà tôi hướng tới".

Tương tự với chị Châu, là một chủ nhà hàng, chị Kim Hiền (36 tuổi, Q.Ba Đình, Hà Nội) chia 3 phần tài sản gửi tiết kiệm, còn lại chị phân chia tài sản ở các kênh vàng (tích lũy hàng năm), chứng khoán và bất động sản.

Chị Hiền cho biết: "Vì công việc kinh doanh nên tôi luôn dành một phần tài sản phòng bị, còn lại "để tiền không bất động" và tránh rủi ro, tôi phân bổ tại nhiều kênh đầu tư với mục đích khác nhau. Với vàng, chủ yếu là để tích và giữ giá trị tài sản. Còn để sinh lời, tôi lựa chọn kênh chứng khoán và bất động sản. Chứng khoán có triển vọng cao từ câu chuyện thăng hạng và dòng tiền khối ngoại. Còn bất động sản thì đang trên đà hồi phục, nhưng cần phân tích và chọn thời điểm phù hợp bởi kênh đầu tư này cần có nguồn vốn lớn."

Đầu tư gì lúc này?

Trước tình hình này, chuyên gia tài chính, CFO Công ty Cổ phần Việt Wealth Management (Công ty tư vấn quản lý tài sản), bà Nguyễn Thị Thu Trang đưa ra đánh giá về một số kênh đầu tư đang thu hút sự quan tâm của người dân và NĐT tại Việt Nam cũng như toàn cầu.

Trong đó, nổi bật là 3 kênh phổ biến: Bất động sản, Chứng khoán và Vàng.

Bất động sản là kênh đầu tư truyền thống luôn nhận được sự quan tâm đông đảo, bởi tính giữ giá trị tài sản và lợi nhuận dài hạn, đặc biệt khi nền kinh tế phát triển và nhu cầu về nhà ở, văn phòng, khu công nghiệp ngày càng tăng. Cùng với là hạn chế, chống được tình trạng lạm phát khi đồng tiền mất giá. Tuy nhiên, đây là kênh có thanh khoản thấp, giá cả ngày càng cao và rủi ro từ chính sách pháp lý và thị trường nhiều biến động mạnh từ chính sách, lãi suất vay mua nhà,… là những yếu tố cần cân nhắc.

Chứng khoán đang có sự phát triển mạnh mẽ, thu hút NĐT trong và ngoài nước, có khả năng sinh lời nhanh, tính thanh khoản cao và dễ tiếp cận với nhiều mức độ nguồn vốn.

Tuy nhiên, chứng khoán có biến động lớn, đòi hỏi NĐT cần có kiến thức và sự nhạy bén để quản lý rủi ro trước những biến động mạnh, bởi đây là thị trường có sự phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế, chính trị, tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp tới diễn biến tăng/giảm đột ngột của cổ phiếu.

Hiện nay, VN-Index trong xu thế "giằng co" quanh ngưỡng 1.300 điểm, động lực thị trường không phải quá yếu nhưng việc phân hóa quá nặng đã đẩy nhiều nhóm bị bán rất kịch liệt. Vì vậy, trong ngắn hạn, NĐT nên là chờ mua vì thị trường vẫn đang ở một uptrend, đây chỉ là nhịp điều chỉnh ngắn hạn khi thị trường bước vào vùng thông tin kết quả kinh doanh quý 3.

Chứng khoán thu hút sự quan tâm mạnh mẽ giới đầu tư với khả năng sinh lời cao và dễ tiếp cận (Ảnh: Mỹ Anh)

Chứng khoán thu hút sự quan tâm mạnh mẽ giới đầu tư với khả năng sinh lời cao và dễ tiếp cận (Ảnh: Mỹ Anh)

Đối với vàng, vốn được xem là "nơi trú ẩn" tài sản an toàn, bởi tính ổn định và khả năng bảo toàn giá trị tài sản dài hạn trong bối cảnh thị trường tài chính biến động hay lạm phát gia tăng.

Nhưng hiện nay, với xu hướng tăng đỉnh, tình trạng khan hiếm vàng khiến mặt hàng này trở nên khó mua, người dân có xu hướng tích trữ thay vì bán ra để chốt lời.

Bên cạnh đó, gần đây, xuất hiện 2 kênh đầu tư đang dần thu hút sự quan tâm của người dân, gồm: Tiền điện tử và Trái phiếu.

Dù gặp nhiều tranh cãi, tiền gửi điện tử như Bitcoin, Ethereum vẫn nhận được sự quan tâm lớn từ các NĐT muốn thử nghiệm với mức lợi cao. Tuy nhiên, song song với điều này, chính là mức độ rủi ro cao của tiền gửi điện tử với biến động cực lớn và khung pháp lý chưa rõ ràng, NĐT cần lưu ý.

Đối với kênh trái phiếu, đây là kênh đầu tư có sự an toàn hơn so với cổ phiếu, phù hợp cho NĐT muốn bảo toàn vốn với mức lãi suất ổn định. Trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu doanh nghiệp đều mang lại lợi nhuận tương đối ổn định, nhưng không quá cao.

Ngoài ra, còn có kênh quỹ đầu tư (quỹ mở, quỹ ETF), kênh đầu tư đang dần thu hút sự quan tâm đông đảo của nhiều NĐT nhờ tính chất linh hoạt và chuyên nghiệp. NĐT không cần trực tiếp quản lý danh mục đầu tư mà để cho các chuyên gia thực hiện. Điều này giảm thiểu rủi ro và mang lại lợi nhuận ổn định hơn.

Còn để an toàn nhất với số vốn không quá lớn thì kênh gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn phù hợp, với mức độ an toàn cao, thanh khoản tốt và lãi suất ổn định. Hạn chế duy nhất chỉ đến từ rủi ro lạm phát nếu trong bối cảnh lạm phát tăng, lãi suất tiết kiệm có thể không theo kịp với tỷ lệ lạm phát, dẫn đến mất giá trị thực của số tiền gửi.

Thông qua phân tích trên, bà Trang nhấn mạnh, các kênh đầu tư đều có sức hút riêng dựa trên yếu tố như mức độ rủi ro, kỳ vọng lợi nhuận, và tình hình kinh tế vĩ mô.

Vì vậy, NĐT được khuyến nghị, mỗi kênh đầu tư đều có ưu điểm và rủi ro riêng, lựa chọn kênh đầu tư nào cần phụ thuộc vào mục tiêu tài chính, khả năng chấp nhận rủi ro, và điều kiện kinh tế cụ thể của NĐT.

Mỹ Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vang-tang-dinh-dau-tu-gi-luc-nay-20241018143053849.htm