Vàng tăng trở lại

Giá vàng giao dịch trên thị trường quốc tế tăng trở gần 10 USD trong phiên sáng nay lên 1.772 USD/ounce khi Fed có thể xem xét làm chậm tốc độ tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo.

Mặc dù tăng trở lại, song sự gia tăng của USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã gây áp lực lên vàng. Chỉ số USD-Index đạt 107 điểm.

Các dự báo đưa ra, día vàng có thể đi ngang và tăng trong thời gian tới, khi USD tăng so với các đồng tiền đối thủ khác, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng tăng, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.

Vàng đã ghi nhận mức tăng tuần tốt nhất kể từ tháng 3/2020 vào tuần trước với hy vọng lãi suất tăng chậm hơn sau khi dữ liệu cho thấy áp lực giá tại Mỹ giảm.

Cùng với mức lạm phát yếu đi tăng thêm yếu tố cho thị trường suy đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm tốc độ tăng lãi suất trong kỳ họp tới, đồng nghĩa giá USD sẽ tiếp tục giảm… đã hỗ trợ cho đà tăng giá của vàng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng trước sau khi tăng cùng biên độ vào tháng 9/2022.

Theo báo cáo từ Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm qua, CPI của nước này tháng 10 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Mức tăng này thấp hơn dự báo của nhiều chuyên gia trước đó với mức tăng 0,6% so với tháng trước và 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Loại trừ thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0,3% so với tháng trước và 6,3% so với cùng kỳ, thấp hơn mức dự báo tương ứng 0,5% và 6,5%...

Lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt một chút trong tháng 10 dấy lên hy vọng rằng Fed sẽ ôn hòa hơn trong việc nâng lãi suất.

Mặc dù việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ chắc chắn đã có tác động làm giảm lạm phát, nhưng giảm 1,4% đưa CPI xuống 7,7% vẫn ở mức chưa từng thấy trong bốn thập kỷ qua. CPI ở mức 7,7% còn cách xa mục tiêu lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đặt ra.

Nhưng giới phân tích cho rằng, CPI cơ bản không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng chỉ cao hơn 6%, vẫn cao gấp ba lần mục tiêu lạm phát của Fed là 2%.

Hiện xác suất tăng lãi suất 0,5% tại cuộc họp Ủy ban thị trường Mở (FOMC) tháng 12 tiếp tục tăng với xác suất 85,4%, tăng 5,2% so với xác suất được ghi nhận bởi công cụ FedWatch của CME.

Một số nhà phân tích lĩnh vực vàng và giám đốc điều hành ngành công nghiệp khác nói rằng, giá vàng đã phục hồi một cách đáng ngạc nhiên khi xem xét lợi suất thực tế kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng mạnh như thế nào.

Các nhà điều hành các công ty khai thác vàng cho biết việc vũ khí hóa đồng tiền của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt đối với Nga đang làm lung lay niềm tin của các ngân hàng trung ương thị trường mới nổi vào dự trữ USD.

Trong khi đó, Goldman Sachs tin rằng vàng có thể giảm xuống 1.500 USD/ounce nếu Fed đưa ra một đường lối cực kỳ diều hâu, điều mà họ cho rằng xác suất là 20%.

Đối với thị trường vàng trong nước, giá vàng miếng SJC cũng tăng theo đà tăng giá vàng quốc tế, nhưng mức tăng ít hơn nhiều.

Theo đó, giá vàng miếng SJC đã tăng từ 66,8 triệu đồng/lượng lên mức 67,8 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ 100.000 đồng so với hôm qua.

Chênh lệch giữa giá mua và bán 1 triệu đồng/lượng, nhưng điều đáng chú ý là quy đổi giá vàng trong nước đang duy trì ở mức cao hơn thế giới hơn 14 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng, chưa bao gồm thuế, phí) nên mua vàng trong nước rủi ro cao.

Sáng 15/11, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước chốt ở mức 23.677 đồng, giảm 1 đồng so với hôm qua. Tại Vietcombank cũng giảm mạnh 55 đồng ở chiều mua vào so với hôm qua, xuống 24.575 VND/USD và giảm nhẹ 5 đồng ở chiều bán ra, còn 24.855 VND/USD.

T.V

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vang-tang-tro-lai-d177874.html