'Vàng thau lẫn lộn'

Dù quan hệ 'thân hữu' giữa quan chức và doanh nghiệp rất khó bị triệt tiêu hoàn toàn nhưng nếu không hạn chế tối đa hiện tượng này, niềm tin xã hội có thể bị bóp méo.

Bàn về mối quan hệ “không bình thường” giữa một bộ phận quan chức với doanh nghiệp (DN), TS Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp ĐH Bristol (Anh), cho rằng chỗ nào có lợi ích thì đều có thể nảy sinh quan hệ “thân hữu” giữa người nắm quyền và DN nhưng nếu không chặn sớm thì các giá trị kinh doanh chân chính có thể bị chèn ép, niềm tin vào làm ăn chân chính sẽ giảm.

 Cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (ảnh trái) nhận 2,2 triệu USD từ bị cáo Phan Quốc Việt, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Việt Á (ảnh phải). Ảnh: PHI HÙNG

Cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (ảnh trái) nhận 2,2 triệu USD từ bị cáo Phan Quốc Việt, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Việt Á (ảnh phải). Ảnh: PHI HÙNG

Nước nào cũng xuất hiện “thân hữu”

. Phóng viên: Ông nghĩ đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bất thường trong quan hệ giữa một số DN và một bộ phận cán bộ qua những vụ án kinh tế ở Việt Nam hay ở các nước khác mà ông quan sát thấy?

+ TS Hồ Quốc Tuấn (ảnh): Theo tôi thì ở nước nào cũng vậy, khi có những lợi ích kinh tế lớn thì sự kết hợp giữa quan chức và DN sẽ có thể nảy sinh. Ví dụ, “ngân hàng sân sau, chứng khoán người nhà” là một trong những biểu hiện của tư bản “thân hữu” - chỉ những công ty phát triển kinh doanh dựa trên quan hệ thân thiết với quan chức chính phủ và chính trị gia quyền lực.

Nguyên nhân thường được viện dẫn bao gồm môi trường kinh doanh và xã hội có nhiều tham nhũng trong lịch sử, hình thành các thói quen “có đi, có lại”, quyền lực không được kiểm soát, ví dụ một số quan chức lạm dụng quyền mà ít có cơ chế kiểm soát quyền lực, thanh tra, giám sát chặt chẽ. Trong trường hợp của câu chuyện Vạn Thịnh Phát, chúng ta thấy người ta cũng “mua” luôn cả một số nhân vật chủ chốt trong các đoàn thanh tra.

Vì vậy, có thể thấy hai vấn đề lớn: Một là lối suy nghĩ chấp nhận hối lộ, “có đi, có lại” tồn tại lâu trong xã hội. Hai là vấn đề kiểm soát quyền lực - đây là vấn đề cơ chế quản lý và kiểm soát. Trong một số trường hợp, dù không phổ biến nhưng có ý kiến còn cho rằng do thu nhập chính đáng và hợp pháp của công chức thấp, họ không sống bằng lương nên “kiếm thêm”. Như vậy, không có nguyên nhân duy nhất nào, mà là tổng hợp của nhiều nguyên nhân và dù là nguyên nhân nào thì chúng ta cũng cần quan tâm, mổ xẻ.

“Rõ ràng khi doanh nghiệp làm ăn không chân chính chèn ép doanh nghiệp làm ăn chân chính thì môi trường kinh doanh sẽ ngày một xấu đi. Và xã hội sẽ vinh danh sai những “tấm gương”.”

Có lợi ích sẽ có thể nảy sinh “bắt tay”

. Ở các nước phát triển như nơi ông đang làm việc, các mối quan hệ “bất bình thường” giữa DN và quan chức được thể hiện dưới các dạng thức nào?

+ Ở bất kỳ nước nào cũng sẽ có. Phổ biến là những trường hợp hối lộ để lấy được hợp đồng của chính phủ hoặc dự án do chính phủ chi phối. Ví dụ, gần nhất mà tôi biết ở gần nơi tôi sống là năm 2023 có xử vụ việc một công ty xử lý rác thải đã hối lộ quan chức của Hội đồng TP Cardiff để được tiếp tục hợp đồng. Trường hợp này bị phát hiện vì trong nội bộ của Hội đồng TP phát hiện bất thường do những báo cáo kết quả hoạt động không trùng khớp và đã tố cáo để tiến hành điều tra.

Có những trường hợp phức tạp hơn như những tín hiệu bất thường, gây sức ép cho đảng chính trị phải tiến hành điều tra nội bộ như những khoản chi hỗ trợ học bổng cho con cháu nghị sĩ, chi mời đi nghỉ mát, thậm chí là những khoản thù lao diễn thuyết 1 giờ lên đến hơn 100.000 bảng Anh. Không phải tất cả trường hợp này đều có thể kết luận tham nhũng nhưng nó là một dấu hiệu cho thấy có những tín hiệu “màu xám” ở đó cần được quan tâm.

Tóm lại, có lợi ích thì sẽ có thể xuất hiện những “cú bắt tay” như vậy, để các bên tham gia có thể “ăn gian”, kiếm tiền mà bỏ ít công sức, “rút ruột” tiền của chính phủ và nguồn lực xã hội. DN nhờ những mối quan hệ bất thường ấy mà làm ăn được sẽ lấy tài sản, hợp đồng đi làm cơ sở vay tiền ngân hàng mà bành trướng lên, chèn ép các DN làm ăn chân chính.

. Nếu các mối quan hệ “bất bình thường” nói trên tồn tại lâu dài, hệ lụy sẽ ra sao, thưa ông?

+ Rõ ràng khi DN làm ăn không chân chính chèn ép DN làm ăn chân chính thì môi trường kinh doanh sẽ ngày một xấu đi. Và xã hội sẽ vinh danh sai những “tấm gương”. Nói cách khác là sẽ xuất hiện thực trạng “vàng thau lẫn lộn” khi đánh giá năng lực, sự đóng góp, vị thế của các DN trên thị trường. Lấy ví dụ trước khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, từ năm 2015 đến 2022, Ngân hàng SCB đã được các tổ chức trong nước và quốc tế trao tặng tới hơn 70 giải thưởng với những cụm từ “hàng đầu”, “tốt nhất Việt Nam”. Nhưng sau vụ án vừa qua, những thông tin được đưa ra ánh sáng thì chúng ta sẽ nghĩ như thế nào về những giải thưởng ấy?!

Khi đánh giá sai, nguồn lực của đất nước có thể được dồn về phía những DN, cá nhân có các mối quan hệ bất thường với quan chức. Niềm tin kinh doanh, niềm tin xã hội sẽ bị bóp méo. Người ta sẽ dần tin chỉ có làm sân sau, người nhà mới có thể làm ăn lớn được. Và người ta sẽ không xây dựng DN với tầm nhìn trường tồn hay lớn mạnh, mà theo tầm nhìn ngắn hạn vì họ không biết khi nào sẽ bị chèn ép bởi một DN có quan hệ bất thường. Và ai muốn làm DN có quy mô lớn thì lại sẽ chạy theo tạo dựng những mối quan hệ bất thường đó, hơn là xây dựng năng lực kinh doanh cốt lõi, đầu tư khoa học công nghệ, con người thật tốt.

. Xin cảm ơn ông.•

ĐỖ THIỆN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/vang-thau-lan-lon-post811713.html