Vang tiếng trống đồng

Minh họa: Phan Nhân

Minh họa: Phan Nhân

Tám giờ sáng Nam đã chở cụ Miễng đến đền thờ Hùng Vương của thành phố. Tay cụ run run sờ lên mặt trống đồng lòng đầy xúc động. Cụ đánh một dùi trống, lớp bụi tung lên trong ánh nắng mai huyền ảo. Tiếng trống vang lên thúc giục các học trò đã tới giờ tập lễ. Cụ quay ra nói với người cháu trai:

- Nếu cháu để tâm sẽ nghe thấy sự tinh túy về các bài trống dâng hương - trà - tửu vọng nhớ Quốc Tổ.

Nam ngồi dưới gốc đa, tự nhiên nhớ lại những năm tháng ấu thơ theo ông đi đánh trống hội làng. Đoàn rước kiệu đi qua cánh đồng, mùi đòng đòng còn vương trên môi tụi nhỏ. Bướm bay dọc hai bên vệ đường. Tiếng trống vang lên làm lũ chim chiền chiện đậu trên hàng cột điện giật mình. Từ khi sáp nhập vào thành phố, quá trình công nghiệp hóa khiến cánh đồng xưa cũng dần mất dấu. Nhưng mỗi lần nghe tiếng trống vang lên trong tâm thức thì những kí ức xưa lại hiện về. Nam bị cuốn vào từng nhịp trống của ông. Tuy đã gần chín mươi tuổi, nhưng cứ được cầm dùi trống là ông như khỏe ra, động tác vẫn dứt khoát và rất có hồn. Những tiếng trống của ông đã thúc giục các em trong ban tế nữ dần có mặt đông đủ trong buổi tập.

Ban tế nữ gồm mười ba thiếu nữ đã đứng ngay ngắn ngay giữa sân đền. Chủ tế đứng đầu, theo sau là mười hai nữ tế tượng trưng cho mười hai tháng trong năm. Họ trẻ trung, náo nhiệt nhưng khi tiếng trống vang lên thì không khí trang nghiêm đã bao trùm ra khắp không gian. Mười ba thiếu nữ đều chú tâm tập luyện vì chỉ cần một động tác sai nhịp trống thì tất cả phải làm lại từ đầu. Nắng xiên qua những tán cây lao xao rắc vàng trên vai người thiếu nữ. Không hiểu sao Nam luôn tin rằng, từng tiếng trống của ông sẽ vang vọng đến Đền Hùng và núi rừng Nghĩa Lĩnh. Biết đâu có chú chim nào đó vừa giật mình bay lên. Biết đâu cây vạn tuế hơn 800 năm tuổi trước cửa chùa Thiên Quang trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng vừa giật mình thức giấc.

Cụ Miễng vừa đánh trống vừa ôn tồn nói với các học trò: “Tuy mỗi địa phương, mỗi vùng miền đều có những bài trống khác nhau. Nhưng tựu trung, đều tuân theo những nguyên tắc cơ bản về thứ tự, lớp lang. Bước đầu, sau hồi chiêng hoặc trống lệnh thì đội nhạc lễ sẽ khởi chiêng. Trống mỗi bên ba tiếng với ý nghĩa là thiên, địa, nhân hoặc phúc, lộc, thọ. Sau đó, mỗi bên sẽ đánh ba hồi trống. Mỗi hồi mười hai tiếng ứng với mười hai tháng trong năm theo lối đánh "tiền bần, hậu phú" mang ý nghĩa "khởi đầu nghèo khó, về sau giàu có" để mong mỏi điều tốt lành đến cho mọi người”. Từng nhịp chân hòa vào nhịp trống. Mỗi động tác bái tổ, dâng hương, rồi đến dâng trà, dâng rượu đều được thực hiện một cách tôn nghiêm. Sau khi tập vài lần cụ Miễng cho ban tế nữ nghỉ ngơi. Hai thế hệ ngồi dưới gốc cây đa hàn huyên. Tiếng một thiếu nữ cất lên, trong trẻo:

- Cụ ơi! Lần gần nhất cụ hành hương về miền đất Tổ là khi nào ạ?

- Ừm… Chắc cũng đã gần chục năm rồi cháu à. Giờ tuổi cao sức yếu lại thêm dịch bệnh nên ông chỉ biết đến đây để vọng bái các Vua Hùng từ xa. Các cháu phải thấy tự hào vì tuy ở xa nhưng chúng ta vẫn tạo ra không khí lễ hội đúng văn hóa của làng quê Phú Thọ. Từ hát xoan, thi gói bánh chưng, bánh dày, biểu diễn nghi thức lễ, đấu vật, bắn nỏ, rước kiệu... Chúng ta đã gìn giữ được nét đẹp văn hóa ấy suốt bao năm. Nên các cháu thấy đấy cứ đến ngày 10 - 3 âm lịch là bà con khắp nơi về đền mình vọng Tổ đông vui.

- Bố cháu nói cụ đang tìm người để truyền lại những bài trống lễ phải không ạ?

- Thì các cháu thấy đấy, ông cũng đã ở bên kia con dốc cuộc đời. Ông không thể cứ giữ mãi vị trí tay trống số một của đền. Cần có người trẻ khỏe hừng hực sức sống để truyền lửa trong từng tiếng trống. Nhưng hình như thanh niên bây giờ không ai thích học trống lễ nữa thì phải…

Cụ Miễng khẽ thở dài, đưa đôi mắt mờ đục nhìn xa xăm. Ông nhớ lại những ngày mình còn trẻ. Thời đó nếp văn hóa làng xã bền chặt. Ngoài những giờ lao động đồng áng vất vả, người nông dân tìm đến những hoạt động văn hóa để nâng cao đời sống tinh thần. Nữ thì múa hát, thêu thùa. Nam thì chơi cờ người, đấu vật. Ông phấn đấu mãi mới vào được trống của làng. Hồi ấy mỗi khi có việc gì cần tụ họp thì đều phải đánh trống để người dân kéo tới đình làng. Bây giờ chỉ có dịp lễ hội mới dùng đến trống chiêng, đó là sự lưu giữ một phần lịch sử không bao giờ bị lãng quên ở nhiều vùng quê. Với ông, trống ngoài là linh hồn của của những buổi lễ hội thì nó còn giống như một người bạn tâm giao. Suốt bao nhiêu năm giữ chức Hương cổ của làng, từng tiếng trống đánh lên là nỗi lòng của ông gửi cả vào trong đó. Trong tiếng trống có hào khí của người ra trận. Có linh thiêng của tiếng vọng ngàn năm. Tiếng ngân vang của trống xuyên qua không gian, thời gian. Ngân trong từng thớ đất cha ông. Ngân trong lòng những người con đất Việt. Vậy mà dần ít đi những người muốn gìn giữ những bài trống lễ. Đó là điều bao năm nay ông vẫn canh cánh trong lòng…

Nam nhìn vào đôi mắt mờ đục của ông lòng đầy xúc động. Suốt bao nhiêu năm nay cuộc đời ông luôn gắn liền với trống. Nam nhớ có một thời nhà dành hẳn một gian để cất trống của làng. Trẻ con thường không được bén mảng vào đó nghịch ngợm. Thỉnh thoảng ông mở cửa cho nắng tràn vào, hoặc khênh trống ra ngoài hiên kiểm tra từng chiếc đinh đóng trên thành trống. Ông lau đi lau lại lớp bụi thời gian rồi gióng một hồi trống dài. Đã qua rồi cái thời nghe tiếng trống là đổ ra đình làng. Nên mỗi khi tiếng trống vang lên khắp thôn xóm, khắp cánh đồng thì mọi người lại dừng tay bảo nhau: “Ông Miễng lại mang trống ra đánh cho đỡ nhớ đấy mà”. Mà đúng là thế thật, cứ tiếng trống vang lên là thấy ông trẻ khỏe, tươi vui, cứ như thể sức lực của tuổi đôi mươi đang trở lại. Lúc còn sống, cứ đầu tháng Ba âm lịch là bà lại rủ ông làm một chuyến về nguồn. Còn trẻ thì trèo lên tận đền Thượng, đền Trung. Lúc tuổi cao sức yếu có khi chưa leo đến đền Hạ bà đã than mỏi. Kể từ khi bà mất, ông không còn đi đâu xa nữa. Nam tin rằng tiếng trống của ông chắc là vang tận đến đỉnh trời, nơi có bà đang thong dong đợi ông ở đó.

- Mỗi lần gióng lên hồi trống vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ông lại thấy mình đang đứng trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Núi non trùng điệp, sơn thủy hữu tình. Như được ngửi thấy hương lúa non trên những cánh đồng màu mỡ phì nhiêu vùng đất Tổ.

- Cụ ơi! Cháu đến đền Hùng thấy có bức đại tự bằng chữ nôm chính giữa cổng, dịch là gì vậy ạ?

- “Cao sơn cảnh hạnh” tức “đức lớn tựa núi cao”. Còn câu đối hai bên cổng các cháu có biết nghĩa là gì không?

Ban tế nữ ngồi xung quanh ông tỏ vẻ chăm chú lắng nghe. Cụ Miễng mỉm cười hiền hậu, đưa tay vuốt bộ râu trắng muốt, chầm chậm nhả từng câu chữ:

- “Thác thủy khải cơ, tứ cố sơn hà quy bản tịch/ Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn”. Dịch là: “Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông quy một mối/ Lên cao nhìn khắp, chập chùng đồi núi tựa cháu con”. Đền Hùng còn nhiều câu đối bằng chữ Nôm, đáng tiếc là ngày càng ít người hiểu hết ý nghĩa của những câu chữ đó. Nếu các cháu chịu khó tìm hiểu sẽ thấy được cái hay, cái đẹp của kho tàng tri thức Việt Nam. Thôi nào, nghỉ giải lao như thế đủ rồi, ông cháu mình lại cùng nhau tập tiếp nào. Chỉ còn vài ngày nữa là đến hội.

***

Cụ Miễng dậy từ rất sớm ngồi một mình bên ấm trà hoa cúc. Từ xưa tới giờ, mỗi khi có việc gì quan trọng ông thường không ngủ được. Ông lo không biết ngày mai buổi lễ có diễn ra suôn sẻ hay không. Công việc lễ nghi, tâm linh ông luôn muốn thật chu toàn. Trời hửng sáng, ông lật đật mở tủ lấy ra bộ áo the khăn xếp được gập gọn gàng. Ông bỗng nhiên nhớ tới người bạn đời của mình. Lúc còn sống, trước những buổi trống lễ bà là người giúp ông mặc áo, đội khăn. Bà dặn dò đủ thứ, ép ông phải ăn sáng thật no. Để buổi lễ có diễn ra dài cũng không không bị run tay. Những hôm trời lạnh bà còn pha thêm cốc trà gừng. Trong đám đông đứng vây quanh xem các bài trống lễ bao giờ cũng có bà. Ông sửa sang lại bộ lễ phục đang mặc trên người rồi thắp hương cho bà trước khi ra khỏi nhà. Trong lòng ông là cảm giác buồn vui đan xen khó tả.

Khi cụ Miễng đến đền đã thấy rất đông bà con đến thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng. Thỉnh thoảng tiếng loa nhắc nhở mọi người nhớ thực hiện 5K phòng, chống dịch lại vang lên. Giữa sân đền, đội văn nghệ đang sửa soạn cho phần biểu diễn của mình. Đội tế nữ cũng đã có mặt đầy đủ sẵn sàng để buổi lễ được bắt đầu. Ông chậm rãi bước đến bên chiếc trống đồng được kê sẵn giữa sân đền. Giờ đẹp đã điểm. Tùng! Tùng! Tùng! Từng tiếng trống âm vang trong trái tim những người con hướng về nguồn cội. Ông chợt mỉm cười khi nghĩ tới câu nói của Nam tối hôm qua: “Hay là ông truyền lại cho con những bài trống lễ”. Nam đứng trong đám đông đang dõi theo ông. Trong đầu anh mường tượng ra hình ảnh vào một ngày nào đó không xa mình sẽ đứng thay vị trí của ông gióng lên những hồi trống lễ…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202204/vang-tieng-trong-dong-3110479/