''Vàng trắng'' hồi sinh, người nông dân có Tết ấm

Sau nhiều năm liền rớt giá chạm đáy, hiện tại, giá mủ cao su - cây công nghiệp từng được ví như 'vàng trắng' đã tăng vọt trở lại. Ở thời điểm này, các vùng trồng cao su trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Bảo Lâm giá mủ đã đạt mức 300 - 330 đồng/độ mủ, đang mang lại niềm vui cho người nông dân.

Bà con đồng bào DTTS tại buôn Con Ó (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) phấn khởi thu hoạch mủ cao su những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Bà con đồng bào DTTS tại buôn Con Ó (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) phấn khởi thu hoạch mủ cao su những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

NGƯỜI TRỒNG PHẤN KHỞI

Nếu như giai đoạn từ 2015 - 2020, giá cao su trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng chỉ đạt từ 6 - 8 ngàn đồng/kg thì nay đã tăng vọt lên 12 - 14 ngàn đồng/kg (tương đương 300 - 330 đồng/độ mủ). Theo người dân trồng cao su trên địa bàn huyện Đạ Tẻh, năm nay, giá mủ cao su bắt đầu tăng trở lại khi mùa khai thác mủ vào vụ từ đầu tháng 6/2021. Hiện nay, đang là thời điểm cuối mùa thu hoạch cao su và giá mủ đang đạt đỉnh ở mức 13 - 14 ngàn đồng/kg (tùy vào chất lượng độ mủ). Cùng với đó, theo tín hiệu thị trường thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng thì giá mủ cao su sẽ tiếp tục tăng hoặc ít nhất cũng giữ giá như hiện tại trong thời gian tới.

Ông K’Túc - Trưởng Thôn 8 (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh), chia sẻ với chúng tôi: “Bước vào vụ thu hoạch, những thông tin về giá mủ cao su tăng quả thật như “trận mưa” đầu mùa làm bừng tỉnh cả buôn Con Ó chúng tôi. Buôn Con Ó có 62 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trồng cao su tập trung. Bình quân mỗi hộ có 1 ha cao su đang cho thu hoạch mủ năm thứ 4. Với bà con đồng bào DTTS ở Con Ó, cây cao su vẫn là một trong những nguồn thu nhập chính. Những năm trước, giá mủ cao su tụt giảm nên bà con cũng chỉ lấy công làm lãi và thu hoạch từ cao su chỉ đạt khoảng 25 - 30 triệu đồng/ha/năm. Riêng năm nay, giá mủ tăng cao nên bà con trồng cao su ai nấy đều vui mừng, phấn khởi”.

Theo ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh, hiện nay, toàn huyện đang có khoảng 3.800 ha cao su. Trong đó, diện tích cao su tiểu điền khoảng 1.800 ha, chủ yếu tập trung tại các xã Hà Đông, Mỹ Đức, Quốc Oai, Đạ Pal và Đạ Kho. Những năm qua, mặc dù cao su rớt giá không phanh, nhưng bà con vẫn có niềm tin để giữ cao su, không chặt bỏ. Năm nay, giá mủ tăng, phần nào đã tiếp thêm niềm tin, động lực để người dân tiếp tục đầu tư, chăm sóc những diện tích cao su đã trồng trên địa bàn. Đối với bà con đồng bào DTTS tại các buôn Đạ Nha (xã Quốc Oai), Con Ó (xã Mỹ Đức) và Tố Lan (An Nhơn) thì cao su là nguồn thu nhập chính giúp bà con thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Năm nay, giá cao su tăng cao, nên bình quân mỗi ha cao su mang lại nguồn thu nhập từ 650 - 700 ngàn đồng/ngày cho bà con. Cao su ở Đạ Tẻh cho thu hoạch thường xuyên trong thời gian 6 tháng đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định để bà con yên tâm đầu tư, chăm sóc.

Cùng với Đạ Tẻh thì Bảo Lâm và Đạ Huoai cũng là những địa phương có diện tích cao su khá lớn. Hiện tại, huyện Bảo Lâm đang có hơn 4.000 ha cao su, trong đó có khoảng 250 ha cao su tiểu điền tập trung chủ yếu tại 2 xã Lộc Bắc và Lộc Bảo. Trong khi đó, huyện Đạ Huoai có khoảng 2.700 ha cao su, với hơn 396 ha cao su tiểu điền tập trung tại các xã Phước Lộc, Đoàn Kết và Đạ P’Loa.

Trung bình mỗi ngày HTX Cao su Đạ Tẻh thu mua khoảng 40 tấn mủ cao su của người dân tại các huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Bảo Lâm.

Trung bình mỗi ngày HTX Cao su Đạ Tẻh thu mua khoảng 40 tấn mủ cao su của người dân tại các huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Bảo Lâm.

TẾT ẤM TỪ CAO SU

Theo ông Ngô Thành Tâm - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Cao su Đạ Tẻh, năm nay, giá cao su tăng cao nên nguồn cung mà HTX được các doanh nghiệp tại Bình Dương đặt đơn hàng cũng tăng so với những năm trước. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với người dân trồng cao su nói chung và HTX chúng tôi nói riêng. Hiện tại, ngoài huyện Đạ Tẻh, HTX còn mở rộng địa bàn thu mua mủ cao su ra các địa phương như Đạ Huoai và Bảo Lâm. Năm nay, trung bình HTX thu mua khoảng 40 tấn mủ cao su/ngày. Trong đó, có những ngày cao điểm sản lượng mủ cao su được HTX thu mua đạt 60 tấn. Riêng tại các buôn Con Ó, Đạ Nha và Tố Lan, HTX đã đặt trạm lưu động và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm mủ cao su cho bà con.

“Cùng với việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con đồng bào DTTS tại 2 buôn Con Ó, Đạ Nha và Tố Lan, HTX còn cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm để bà con chăm sóc vườn cao su. Những năm trước, do giá cao su xuống thấp, nên sau khi trừ chi phí, mỗi ha cao su cũng chỉ mang lại cho bà con nguồn thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Riêng năm nay, tuy chúng tôi chưa chốt sổ, nhưng sau khi trừ chi phí thì mỗi ha cao su ít nhất cũng mang lại cho bà con nguồn thu nhập từ 45 - 50 triệu đồng. Riêng cao su của bà con người Kinh có thể đạt từ 65 - 70 triệu đồng/ha” - ông Ngô Thành Tâm cho biết.

Ông K’Bế, một trong những hộ dân trồng cao su tại buôn Con Ó (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh), phấn khởi: “Đất ở Con Ó tốt lắm nên trồng cao su phù hợp và lớn nhanh. Năm nay, 1 ha cao su với hơn 300 cây của gia đình tôi cho thu hoạch. Giá mủ cao su tăng cao, nên bà con vui mừng lắm. Như gia đình tôi, cứ 3 ngày là cạo mủ 2 lần, mỗi lần mang lại cho gia đình nguồn thu từ 650 - 700 ngàn đồng/ngày. Gia đình vừa nhận từ HTX Cao su Đạ Tẻh 60 triệu đồng tiền mủ cao su năm 2021. Số tiền này, tôi đã dành để mua thêm chiếc xe máy để đi lại và dùng để sắm một cái Tết Nguyên đán Nhâm Dần đầy đủ cho gia đình…”.

Ông Mai Quốc Cường, ngụ tại Thôn 3 (xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai), chia sẻ: “Từ sau Tết Ất Mùi 2015, mủ cao su bắt đầu rớt giá, cứ thế rớt giá không phanh cho đến hết năm 2020, khiến người trồng cao su chúng tôi phải “thắt lòng, buộc bụng”. Không đủ kiên nhẫn chờ đợi, nhiều hộ dân ở Đoàn Kết buộc phải chặt bỏ cao su để chuyển đổi qua các loại cây trồng khác. Trước đây, gia đình tôi có 4 ha cao su, vì 2 ha đã già cỗi nên tôi đã chuyển đổi qua trồng sầu riêng. Năm nay, giá cao su “hồi sinh” nên 2 ha cao su mang lại cho gia đình nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng. Dịch bệnh ảnh hưởng quá lớn đến đời sống người dân, nhưng năm nay, giá mủ cao su đạt đỉnh nên bà con chúng tôi phấn khởi, tạm quên đi những khó khăn để đón một cái Tết đầm ấm, an vui”.

Sau nhiều năm rớt giá không phanh, giờ đây, giá mủ cao su tăng trở lại và đang đạt đỉnh là niềm vui chung của người trồng cao su. Thống kê cho thấy, trải qua thời gian dài lao đao vì mủ cao su rớt giá, nhưng diện tích cao su tại các huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Bảo Lâm vẫn không tụt giảm là bao. Đây là điểm nhấn cho thấy niềm tin vào cây “vàng trắng” để người dân kiên trì giữ gìn đến ngày hái quả ngọt.

HẢI ĐƯỜNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202201/vang-trang-hoi-sinh-nguoi-nong-dan-co-tet-am-3101147/