'Vàng trắng' tươi màu
Nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu thiếu hụt đang ủng hộ ngành cao su trong nước. Vốn được mệnh danh là 'vàng trắng', nhà đầu tư kỳ vọng cổ phiếu cao su sẽ bứt phá mạnh mẽ khi có nhiều yếu tố hỗ trợ.

Giá cao su ở mức cao sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong ngành
Cầu tăng, cung giảm
Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) dự báo, sản lượng cao su toàn cầu năm 2025 tăng 0,5% so với năm 2024, đạt 14,892 triệu tấn, nhưng tiêu thụ cao su dự kiến tăng 1,3% lên 15,565 triệu tấn trong năm 2025. Như vậy, cung không đủ cầu, dự kiến thế giới sẽ thâm hụt khoảng 673.000 tấn cao su thiên nhiên trong năm nay và xu hướng thiếu hụt nguồn cung này dự báo có thể kéo dài đến năm 2031.
Với bối cảnh đó, giá bán cao su bình quân toàn cầu sẽ ở mức cao. Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, giá cao su thế giới sẽ duy trì mức cao trong năm 2025, ước bình quân khoảng 1.600-1.700 USD/tấn. Giá cao su có xu hướng tăng cao do nguồn cung tiếp tục thiếu hụt và áp lực giảm nhu cầu do lo ngại xung đột địa chính trị. Thái Lan - quốc gia đang chiếm 40% sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu, có 2 tháng mùa mưa (tháng 5 và 6) dẫn tới sản lượng cao su sụt giảm. Dự kiến sản lượng cao su Thái lan năm 2025 giảm 10-15% so với năm trước. Trong khi đó, Indonesia - quốc gia đóng góp 20% sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu, dự kiến nguồn cung giảm 9,8% do các tác động về dịch bệnh và việc dịch chuyển sản xuất của các hộ trồng cao su.
Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu cao su lớn trên thế giới. Xu hướng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu được đánh giá sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu cao su trong nước hưởng lợi với giá bán tốt hơn. Bức tranh xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay ghi nhận xuất khẩu cao su đạt 680.100 tấn, giá trị 1,27 tỷ USD. Dù khối lượng giảm 6,5% nhưng giá trị vẫn tăng 14,4% nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 22,4% - đạt 1.864,7 USD/tấn.
Nhìn về triển vọng, giá cao su tiếp tục ở mức cao do thiếu hụt nguồn cung sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong ngành. Một chu kỳ mới khởi sắc mở ra cho nhóm ngành cao su - còn được mệnh danh là “vàng trắng”.
Lợi thế tăng trưởng
Bức tranh xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận xuất khẩu cao su đạt 680.100 tấn, giá trị 1,27 tỷ USD. Dù khối lượng giảm 6,5% nhưng giá trị vẫn tăng 14,4% nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 22,4% - đạt 1.864,7 USD/tấn.
Một số doanh nghiệp cao su đã hé lộ kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm 2025. Đơn cử, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam - VRG (mã chứng khoán GVR) cho biết, trong 6 tháng qua ước đạt doanh thu 11.500 tỷ đồng, hoàn thành 40% kế hoạch năm và lợi nhuận sau thuế 2.500 tỷ đồng, hoàn thành 43% kế hoạch năm.
Năm 2025, VRG đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 31.044 tỷ đồng, tăng 85% so với thực hiện năm 2024; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 5.840 tỷ đồng và 4.974 tỷ đồng, cùng tăng tương ứng khoảng 4%.
Lãnh đạo VRG dự báo giá cao su bình quân năm 2025 không thấp hơn năm ngoái, vào khoảng 46-47 triệu đồng/tấn (năm 2024 là 43 triệu đồng/tấn). Để hoàn thành kế hoạch năm, VRG tích cực thu mua 100.000 tấn, với giá bán cao hơn và khối lượng tăng nên có thể hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đề ra.
Trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp cao su thiên nhiên đang niêm yết ngoài VRG còn có các doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán PHR), Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán DPR), Công ty cổ phần Cao su Hòa Bình (mã chứng khoán HRC), Công ty cổ phần Cao su Thống Nhất (mã chứng khoán TNC)…
Giá bán trung bình tăng cao đang là lợi thế giúp các doanh nghiệp cao su tăng trưởng. Cao su Đồng Phú đặt kế hoạch giá bán cao su bình quân khoảng 45 triệu đồng/tấn, nhưng trong tháng 5/2025 đã bán ra với giá trung bình 52,37 triệu đồng/tấn và lũy kế 5 tháng đầu năm giá bán cao su bình quân đạt 56,5 triệu đồng/tấn. Xuất khẩu cao su của Cao su Đồng Phú trong 5 tháng qua tăng gần 27%, đạt hơn 1,7 triệu USD.
Tình hình kinh doanh khả quan và giá bán tốt giúp lợi nhuận gộp của Cao su Đồng Phú trong 5 tháng đầu năm 2025 đạt 98,7 tỷ đồng, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm trước. Hiện kết quả kinh doanh 6 tháng chưa được công bố, nhưng bức tranh kinh doanh của Công ty đang được hỗ trợ tích cực bởi giá bán cao.
Trong năm nay, Cao su Đồng Phú đặt mục tiêu diện tích vườn cây cao su tự khai thác là hơn 6.270 ha, diện tích vườn cây kiến thiết cơ bản hơn 2.433 ha và diện tích vườn cây tái canh hơn 457 ha. Sản lượng cao su tự khai thác đạt hơn 11,7 triệu tấn, sản lượng thu mua 2 triệu tấn, sản lượng tiêu thụ đạt 13,5 triệu tấn. Tổng doanh thu đạt gần 796 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 216 tỷ đồng.
Tại Cao su Phước Hòa, động lực tăng trưởng đến từ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng. Công ty đặt kế hoạch sản lượng cao su khai thác hợp nhất năm nay đạt 23.800 tấn mủ quy khô (trong đó Công ty mẹ đạt 12.800 tấn, Công ty TNHH Phát triển cao su Phước Hòa - Kampong Thom đạt 11.000 tấn). Sản lượng cao su thu mua đạt 17.200 tấn mủ quy khô. Sản lượng cao su tiêu thụ đạt 31.008 tấn mủ thành phẩm (trong đó từ Công ty Phước Hòa Kampong Thom đạt 6.700 tấn).
Về mục tiêu kinh doanh, Cao su Phước Hòa đặt mục tiêu tổng doanh thu Công ty mẹ đạt gần 1.674 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế đạt gần 342 tỷ đồng. Chi trả cổ tức tỷ lệ 13,16%. Tổng vốn dành cho đầu tư tối đa khoảng 338 tỷ đồng.
Để hoàn thành kế đề ra, lãnh đạo Cao su Phước Hòa cho biết, Công ty sẽ chủ động đàm phán với các khách hàng truyền thống để đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu, trong đó tích cực nâng cao hợp đồng dài hạn, đồng thời linh hoạt bán chuyến tùy vào diễn biến thị trường; đồng thời điều chỉnh kịp thời, linh hoạt giá thu mua mủ, tạo điều kiện thu hút thêm khách hàng bán mủ nguyên liệu cho Công ty, đặc biệt là các khách hàng có sản lượng lớn, ổn định.
“Vàng trắng vẫn tỏa sáng giữa lớp bụi thuế quan” là nhận định ấn tượng mà Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dành cho ngành cao su. Cao su thiên nhiên nằm ngoài danh mục thuế đối ứng từ Mỹ, đây là một lợi thế lớn của nhóm doanh nghiệp này khi tình hình sản xuất các sản phẩm cao su (lốp xe) tại Việt Nam duy trì đà tăng trưởng 2 chữ số, đảm bảo cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và giá bán cao su các loại trong quý II/2025 dự báo tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo PHS, ngành công nghiệp cao su nội địa đang đứng trước nhiều cơ hội, phần lớn đến từ sự chuyển dịch của các nhà máy lốp xe nước ngoài vào Việt Nam do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, giúp củng cố nhu cầu tiêu thụ cao su trong nước và đảm bảo giá bán, mức tiêu thụ cho các doanh nghiệp cao su trong nước. Đối với cuộc chiến thuế quan lần này, bao gồm Mỹ áp dụng thuế sắc 232 với 25% ngành công nghiệp ô tô, châu Âu có thể đánh thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe từ Trung Quốc từ năm 2026... sẽ kéo theo sự chuyển dịch của doanh nghiệp ngành này, trong đó Việt Nam là điểm đến tiềm năng nhờ chi phí sản xuất cạnh tranh.
Nhóm cổ phiếu ngành cao su thiên nhiên thu hút nhà đầu tư hơn còn nhờ định giá hiện tại của các doanh nghiệp ngành này đang hấp dẫn khi được giao dịch ở mức chiết khấu so với trung bình ngành và quá khứ. Ngoài ra, với hoạt động kinh doanh được dự báo duy trì tăng trưởng trong giai đoạn 2025-2028, PHS dự phóng doanh nghiệp lĩnh vực cao su có khả năng chi trả cổ tức tiền mặt từ 6-10% mỗi năm.
Ngoài các điểm cộng cầu cao hơn cung, giá bán tăng, các doanh nghiệp ngành cao su còn có lợi thế lớn về quỹ đất phát triển bất động sản khu công nghiệp, giúp gia tăng triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GVR bật tăng mạnh hơn 55% trong tuần qua, các cổ phiếu cao su khác như DPR, DRI, HRC tăng từ 3-9%... Những thỏi “vàng trắng” sau thời gian dài ẩn mình đang dần lộ diện và cho thấy sức hấp dẫn nhờ sức bật từ nội lực, tận dụng tốt các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/vang-trang-tuoi-mau-post372986.html